Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19

(Mặt trận) - Ngày 15/1, Hội thảo với chủ đề “Triển vọng Kinh tế - Tài chính 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên Thị trường chứng khoán” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) phối hợp tổ chức, nhằm cung cấp thông tin về tổng quan thị trường và cơ hội đầu tư chứng khoán trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
 Hội thảo "Triển vọng Kinh tế - Tài chính 2021-2025: Cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán" thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán.
Ban tổ chức cho biết, xuất phát từ mong muốn cung cấp cho độc giả, khán thính giả một bức tranh tổng quan về tình hình kinh tế - tài chính Việt Nam trong năm 2020-2021, cũng như triển vọng đến năm 2025 trong bối cảnh khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra, VFCA và VFS đã cùng tổ chức hội thảo này.
 Ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phát biểu khai mạc Hội thảo. 
Mở đầu hội thảo, ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam cho biết, năm 2020 trải qua với những điều chưa từng có trong lịch sử, cả thế giới gặp thách thức vì Covid-19. Các biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để phòng dịch đã khiến thương mại toàn cầu đình trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn. Doanh nghiệp khắp thế giới đối mặt bài toán sống còn, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, du lịch, bán lẻ.

Theo đó, các nước đã tung ra các gói hỗ trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD, cùng biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp chưa từng có tiền lệ để kích thích nền kinh tế. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu ước giảm 4,4% trong năm 2020. Khủng hoảng trên thị trường lao động và việc làm có thể để lại hậu quả lâu dài và những bất ổn về kinh tế - xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, do tác động của đại dịch, các ngân hàng trung ương tại 60% nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy chính sách lãi suất xuống dưới 1%. Trong đó nhiều nền kinh tế thậm chí áp dụng lãi suất âm và tiếp tục duy trì các biện pháp đối phó tác động của đại dịch trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã trở thành một "điểm sáng" khi kiểm soát Covid-19 hiệu quả. Nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng GDP 2,91%, là một trong 4 nền kinh tế có tăng trưởng dương trên toàn cầu.

Theo ông Giang, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khả quan do được Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay vốn, lãi suất tiền gửi liên tục điều chỉnh giảm khiến người dân không muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Một số ngành lại tìm thấy cơ hội phát triển trong dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử và sắp tới sẽ là xây dựng, bất động sản, Chủ tịch VFCA Lê Long Giang nhận định.
Cũng theo ông Giang, những ngày đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên quay lại lịch sử tiệm cận 1.200 điểm sau 3 năm và đánh dấu 11 tuần liên tiếp thị trường tăng điểm mạnh. Dù sau khi chạm đỉnh thị trường đã có những phiên điều chỉnh nhưng không thể phủ nhận cơ hội tăng trưởng đối với thị trường chứng khoán trong nước thời gian tới.

 
Tiến sĩ Cấn Văn Lực trình bày chuyên đề "Bức tranh kinh tế tài chính Việt Nam 2020-2021 và định hướng năm 2025" tại Hội thảo. 
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trình bày chuyên đề: "Bức tranh kinh tế tài chính Việt Nam 2020-2021 và định hướng năm 2025"…

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết, kinh tế thế giới 2020 suy thoái sâu, giảm khoảng 4 - 4,5% so với 2019, nhưng theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021, khoảng từ 4 - 5%; lạm phát ở mức thấp khoảng 2%.
Theo ông Lực, năm 2021, kinh tế thế giới vẫn còn rủi ro từ đại dịch Covid-19, từ chiến tranh thương mại và công nghệ. Bên cạnh đó, địa chính trị phức tạp khiến giá dầu, giá vàng, chứng khoán… biến động mạnh và khó đoán hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải đối diện với những rủi ro ở mức trung bình, chưa quá lo ngại nhưng cũng không nên chủ quan. Vì vậy, Tiến sĩ Lực khuyên nhà đầu tư trong bối cảnh, xu hướng mới và yêu cầu mới có cả cơ hội lẫn những thách thức mới. Vì vậy, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro nên nhà đầu tư cần xác định rõ mục đích đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư và không dùng đòn bẩy quá nhiều.
Trong khi đó, tại phần trình bày với chủ đề: "Thị trường chứng khoán 2021 và cơ hội đầu tư", ông Trần Anh Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt nhận định, năm 2021 sẽ tiếp tục là năm tăng trưởng của thị trường chứng khoán cả về thanh khoản và điểm số. Tuy nhiên, tốc độ có phần kém hơn với năm 2020 do triển vọng về kinh tế đã được phản ánh vào hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu.
Ông Thắng nêu 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2021. Theo đó, kịch bản thứ nhất dựa trên lộ trình vaccine, EPS (lợi nhuận trên 1 cổ phiếu) toàn thị trường tăng trưởng tốt, khoảng lớn hơn 18%, chỉ số VN - index có thể đạt tới 1.250 điểm. Kịch bản thứ hai, với những rủi ro mới tác động, EPS tăng từ 15 - 16%, VN - Index có thể điều chỉnh xuống 950 điểm và dao động trong vùng 950 - 1.000 điểm.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên đề khác được trình bày đã mang tới cho khách mời tham dự một góc nhìn rõ nét hơn về cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán - kênh đầu tư đang nhận được rất nhiều sự quan tâm với dấu ấn nhà đầu tư "F0", dưới sự phân tích và đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam.

Đỗ Đông

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều