Công ty Đê kè Hải Dương liên tiếp “đổ tiền nuôi Hà Bá”: Bài học lựa chọn nhà thầu và kinh nghiệm phòng tránh thất thoát, lãng phí, sai phạm trong đầu tư, xây dựng

(Mặt trận) - Sự cố mất an toàn công trình tại Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà có liên quan đến Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương như hồi chuông cảnh báo về năng lực thi công của các nhà thầu. Dù chất lượng thi công ở một số công trình không được đảm bảo nhưng Đê kè Hải Dương vẫn trúng nhiều gói thầu lớn ở khắp các tỉnh thành từ Nam chí Bắc, khiến dư luận đặt câu hỏi, doanh nghiệp này là ai, năng lực thế nào mà liên tiếp “giành” được các hợp đồng xây dựng “béo bở” đến như vậy?
Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà. Ảnh: Thương hiệu pháp luật

Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng với chiều dài 581m. Tuyến kè Tắc Sông Chà được khởi công xây dựng từ tháng 12/2016.

Theo đó, Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương (Đê kè Hải Dương) đảm nhiệm vai trò đơn vị thi công; đơn vị Tư vấn giám sát là Công ty Tư vấn Đầu tư xây dựng Thủ Thiêm; đơn vị khảo sát, thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Nam Việt; đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công là Viện Kỹ thuật Biển.

Trong quá trình thi công xây dựng, ngày 16/6/2018, tại dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà (Ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 160m kè dọc theo bờ sông bị cuốn theo dòng nước.

Vụ việc đã khiến UBND huyện Cần Giờ phải triển khai di dời khẩn cấp 4 hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Khi xảy ra sự cố, dự án mới hoàn thành 95% công trình đang là vấn đề rất đáng báo động cho sự yếu kém về năng lực thi công của nhà thầu, đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát…

Điều quan trọng hơn là sự cố này đang dẫn đến thất thoát ngân sách nước, trong khi ngân sách Thành phố cho các dự án trọng điểm, đầu tư công hạn hẹp.

Sau một thời gian dài xảy ra sự cố, phía chủ đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân xảy ra sự cố, khắc phục hậu quả gây bức xúc kéo dài cho dư luận địa phương.

Trước những bức xúc trên, UBND TP.HCM đã chính thức chỉ đạo Thanh tra Thành phố vào cuộc để thanh tra toàn diện nội dung vụ việc sự cố công trình xây dựng tại Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà.

 

Thanh tra TP.HCM kết luận những sai phạm của Đê kè Hải Dương tại Dự án khu dân cư Tắc Sông Chà.

Ngày 14/5/2020, Thanh tra TP.HCM đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 51/KL-TTTP-P1 về việc thanh tra toàn diện sự cố công trình xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà tại ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Chủ đầu tư dự án này là Khu Quản lý đường thuỷ nội địa, nay là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố.

Theo Thanh tra TP.HCM, sự cố công trình xây dựng bờ kè bảo vệ Khu dân cư Tắc Sông Chà vào tháng 6/2018 đã bộc lộ nhiều sai phạm, thiếu sót trong quá trình chuẩn bị đầu tư lẫn thực hiện dự án.

Dù không gây thiệt hại về người nhưng sự cố làm kéo dài thời gian hoàn công, chậm tiến độ, ước tính giá trị đoạn kè bị sạt lở tối thiểu là 15,4 tỷ đồng.

Kiểm định và giám định cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố công trình thuộc về chuyên môn kỹ thuật và năng lực của các nhà thầu trong việc khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công, thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, thi công xây dựng và giám sát thi công xây dựng.

3 đơn vị chịu trách nhiệm về sự cố sạt lở bờ kè bảo vệ KDC Tắc Sông Chà, đó là: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Thuỷ Lợi - Thuỷ Điện Nam Việt, Công ty Cổ phần Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Thủ Thiêm.

Trong đó, Đê kè Hải Dương là nhà thầu thi công xây dựng công trình đã triển khai trình tự thi công chưa phù hợp theo Chỉ dẫn kỹ thuật thi công (theo Quyết định số 4166/QĐ-SGTVT ngày 12/8/2016 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM). Cụ thể trước khi triển khai thi công kết cấu sau kè, trong khi chưa hoàn thiện đầy đủ kết cấu mái kè; thời điểm thi công kết cấu sau kè, đoạn từ K0 đến K0 + 325 còn 2 đến 3 hàng thảm đá dọc theo tuyến kè chưa thi công và đoạn từ K0+325 đến K0+495 đã thả đá nhưng chưa hoàn thiện, mái kè chưa đạt cao độ theo thiết kế được duyệt.

Trong quá trình thi công thiếu đo đạc, không quan trắc thường xuyên để phát hiện sự biến đổi mái kè và địa hình lòng sông dưới chân mái kè, cũng như hình thành hồ hố xói sâu dưới chân kè để có giải pháp xử lý kịp thời.

Đoạn đê biển Tây bị sụt lún có chiều dài khoảng 100m, cách tuyến kênh ven đê khoảng 8m. Ảnh: Báo Đất Mũi.

Sau vụ việc mất an toàn công trình tại Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà chưa lâu, một công trình khác do Liên doanh nhà thầu, có sự tham gia của nhà thầu Đê kè tiếp tục gặp sự cố nghiêm trọng tại tỉnh Cà Mau.

Sự cố xảy ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 18/2/2020 tại tuyến đê từ Đá Bạc đến Kênh Mới thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đoạn đê bị sụt lún dài khoảng 100m (từ vị trí Km58 +135 đến Km58+235), có những điểm sụt sâu đến 2m, làm hư hại công trình, không thể di chuyển phương tiện giao thông qua khu vực, dẫn đến đóng cửa tuyến đường.

Ngoài việc sụt xuống, một vài vị trí có hướng lệch về kênh cách đê khoảng 8m. Ngay dưới lòng kênh ven đê xuất hiện đụn bùn trồi lên, khả năng là sản phẩm từ vị trí sụp lún mặt đê.

Vị trí xảy ra sự cố thuộc Gói thầu xây lắp số 89 (khoảng 10 tỷ đồng), được đưa vào sử dụng vào tháng 4/2019 (thuôc Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây Cà Mau).

Công trình do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam làm nhà thầu giám sát; nhà thầu thi công, gồm: Liên doanh Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương, Công ty cổ phần Yên Cường Thịnh, Công ty cổ phần xây dựng Đại An; Tổ giám sát thuộc Ban Quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau là nhà thầu giám sát thi công xây dựng.

Ngoài ra ra, tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình kè bờ sông Maspero, Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, cách đây gần 2 năm, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã có kết luận thanh tra về những sai phạm tại dự án này. Đó là: dự toán thừa khối lượng, thi công thiếu khối lượng so với thiết kế... Từ đó, Thanh tra Tỉnh kiến nghị thu hồi 487 triệu đồng, trong đó Xây dựng đê kè Hải Dương bị kiến nghị thu hồi trên 233 triệu đồng.

Trước đó, năm 2013, qua kiểm tra Gói thầu CV-A1.3-NDTDP thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6), Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương phát hiện đơn vị thi công (Liên danh Xây dựng đê kè Hải Dương - Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn 2) chưa thực hiện đúng theo phương án được duyệt về bảo đảm an toàn giao thông. Cụ thể là chưa thỏa thuận vùng nước thi công với cơ quan quản lý đường thủy nội địa; chưa làm thủ tục xin đổ chất thải theo quy định; kè thi công xong nhưng chưa lắp đặt hệ thống báo hiệu...

Liên tiếp gặp phải các sự cố “đổ tiền nuôi Hà Bá” và các sai phạm chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến dư luận đặt nghi vấn về năng lực nhà thầu, chất lượng, tuổi thọ, an toàn đối với các công trình do Đê kè Hải Dương thi công, xây dựng. Đặc biệt, đây là nhà thầu giành được nhiều hợp đồng xây dựng lớn ở nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam.

Vậy Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn là ai? Tại sao gặp phải nhiều sự cố ở nhiều công trình vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn là nhà thầu cho các dự án sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn? Có hay không sự “ưu ái” của các chủ đầu tư với Đê kè Hải Dương khi uy tín, năng lực thi công hạn chế như đã nêu ở trên.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương có trụ sở chính tại số 1 đường Thanh Niên, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Người đại diện pháp luật là ông Trần Văn Cường.

Tiền thân là Công ty Xây dựng đê kè Hải Dương được thành lập năm 1992 trên cơ sở sáp nhập 2 xí nghiệp, tháng 9/2004, doanh nghiệp nhà nước này chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần. Tháng 12/2014, UBND tỉnh Hải Dương đã hoàn tất việc chuyển nhượng 3.090 cổ phần (chiếm 12,88% vốn điều lệ), thoái hết vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương.

Trong hai năm 2016 - 2017, trung bình mỗi năm, Đê kè Hải Dương mới chỉ trúng từ 6 - 7 gói thầu. Trừ 1 gói thầu có giá trúng thầu trên 100 tỷ đồng, còn lại đa số có quy mô trên 50 tỷ đồng.

Gần 3 năm trở lại, doanh nghiệp này bỗng “lớn nhanh như thổi” với nhiều gói thầu trên khắp cả nước. Đặc biệt, nhiều gói thầu có giá trị trúng thầu lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Vào tháng 5/2019, Đê kè Hải Dương liên danh với Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thới Bình trúng Gói thầu số 27 thuộc Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi, TP.HCM. Giá trúng thầu là 112,3 tỷ đồng (giá gói thầu là 113,258 tỷ đồng).

Cũng tại TP.HCM, ngay đầu năm 2019, Xây dựng đê kè Hải Dương liên danh với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Minh Thái trúng thầu thi công cống Rạch Sơn, cống Chín Chương, cống Kênh Lộ Cũ, tuyến bờ đê Tây sông Ba Rài và tuyến bờ đê Đông sông Phú An. Giá trúng thầu là 111,666 tỷ đồng (giá gói thầu là 111,822 tỷ đồng).

Được biết, Đê kè Hải Dương còn tham gia thi công Dự án Khu đô thị, du lịch, dịch vụ Bái Tử Long do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghiệp TTP làm chủ đầu tư tại Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Trước đó, năm 2018 Đê kè Hải Dương trúng liên tiếp 10 gói thầu, trong đó có nhiều gói thầu quy mô hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như Gói thầu XL-07 thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 có giá trúng thầu là 245 tỷ đồng (Đê kè Hải Dương liên danh với Công ty TNHH Kỹ thuật điện và Xây dựng Ban Hin). Hay Gói thầu số 08 thuộc Dự án Hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái tập trung 2 huyện Càng Long, Châu Thành và Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 1) có giá trúng thầu là 307,552 tỷ đồng (Đê kè Hải Dương liên danh với 4 nhà thầu)...  Doanh thu của Công ty năm 2018 được ghi nhận đạt 568 tỷ đồng.

Trên đây mới chỉ là lát cắt rất nhỏ về những hiện tượng, dấu hiệu bất thường của những doanh nghiệp “lớn nhanh như thổi” chỉ trong một thời gian ngăn khi được trúng liên tiếp các gói thầu thi công xây dựng nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ về năng lực thi công xây dựng, an toàn, chất lượng thi công công trình. Điều này làm dấy lên những nghi ngại về sự không minh bạch, rõ ràng, có “sân sau”, “chỉ điểm” cho nhà thầu, không quan tâm đến chất lượng thi công công trình, làm tăng nguy cơ lãng phí đầu tư công cho ngân sách Nhà nước.

Do đó, để minh bạch vấn đề xây dựng cơ bản, các dự án đều phải được công khai, đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, hoạt động chất lượng, uy tín, chi phí thấp nhất, tiết kiệm cao cho ngân sách, ngăn cản lợi ích nhóm giữa đơn vị tổ chức đấu thầu và nhà thầu.

Hai là, ngoài công bố công khai đấu thầu rộng rãi thì cần để các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và cả nhân dân ở địa phương cùng giám sát nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong công tác đấu thầu.

Ba là, hiện nay, “Quân xanh” trong đấu thầu vẫn còn “đất sống”, thậm chí “sống” tốt vì còn nhiều chủ đầu tư hoặc móc ngoặc với nhà thầu hoặc nhắm mắt làm ngơ để tạo ra “mảnh đất” thiếu cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu. Đội ngũ nhà thầu “quân xanh” vẫn còn sinh sôi nảy nở nếu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra cũng như sự vào cuộc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu còn hình thức, chiếu lệ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình đấu thầu đã được làm đúng, đủ, công khai, minh bạch hay chưa? Cũng như cần chỉ mặt, bêu tên rõ những nhà thầu thường xuyên dự thầu nhưng bị loại bởi tư cách hợp lệ hoặc những lý do khó chấp nhận. Những thông tin về các nhà thầu này cần phải được công khai rộng rãi, phải được lọc ra để cơ quan quản lý dễ dàng nhận diện.

Phan Anh Tuấn

Nguồn tham khảo:

https://baodauthau.vn/dut-bau-sua-me-xay-dung-de-ke-hai-duong-ra-sao-post76111.html

https://thuonghieucongluan.com.vn/tp-hcm-du-an-ke-bao-ve-khu-dan-cu-va-noi-lo-do-tien-nuoi-ha-ba-a84287.html

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều