Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

(Mặt trận) - Năm 2017 là năm thứ 9 thành phố Hà Nội thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và là năm thứ 3 hưởng ứng chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam” do Bộ Công thương phát động. Sở Công thương với vai trò là cơ quan thường trực của Thành phố trong việc thực hiện cuộc vận động, đã chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp các doanh nghiệp Việt trên địa bàn.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh

Giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố trong điều kiện còn nhiều khó khăn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Sở Công thương đã ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch giao ban với các doanh nghiệp, lắng nghe những kiến nghị của doanh nghiệp, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; việc tổ chức giao ban công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công thương với 30 phòng kinh tế quận, huyện, thị xã và các cuộc họp chuyên đề với từng quận, huyện, đã kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tháo gỡ khó khăn.

Cùng đó, Sở thường xuyên rà soát, phối hợp các sở ngành, quận, huyện liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cho doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, xăng dầu, kinh doanh khí… cho gần 300 doanh nghiệp; trình UBND Thành phố phân cấp cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng cho các cửa hàng bán LPG chai thuộc hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn Thành phố; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài (tham gia Hội chợ quốc tế tại Singapore, CHLB Đức, Trung Quốc và Nhật Bản; Hội chợ trong nước tại TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ,..).

Thực hiện chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm, Sở đã phối hợp với các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang… tổ chức chương trình kết nối nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm. Ngày 22/9/2017 trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt thành phố Hà Nội năm 2017, tổ chức Hội nghị giao thương có sự tham gia của 27 nhà phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm của Hà Nội, trên 80 doanh nghiệp sản xuất của 25 tỉnh, thành phố và sự tham gia của 29 quận, huyện, thị xã Hà Nội; ngày 3/11/2017, thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu sản phẩm, có trên 50 tỉnh, thành phố tham gia.

Triển khai Kế hoạch Khuyến công Thành phố, Kế hoạch bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố, Sở Công thương đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 10 làng nghề trên địa bàn, Sở đã hoàn thành công tác thẩm định, trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội năm 2017 cho 42 cá nhân; xét công nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội cho 8 làng nghề tại 2 huyện Mê Linh và Phú Xuyên; công nhận 30/58 sản phẩm và bộ sản phẩm là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố năm 2017; đề nghị Hội đồng chuyên môn Bộ Công thương xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho 5 cá nhân và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 17 cá nhân.

Đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, Sở tham mưu rà soát tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thủ tục đầu tư triển khai các dự án phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, trong đó có 14 dự án thuộc lĩnh vực thương mại với tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến trên 5.000 tỷ đồng. Trong năm 2017 đã thực hiện phân hạng và phê duyệt nội quy hoạt động cho 14 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, tổng số trung tâm thương mại trên toàn Thành phố là 22 và siêu thị là 125.

Nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với phát triển kinh tế Thủ đô, Sở đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các kế hoạch, đề án chiến lược, như: kế hoạch phát triển thương mại điện tử, đề án phát triển thương mại dịch vụ văn minh, hiện đại, đề án quản lý và phát triển hoạt động Logistics, kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics làm cơ sở cho sự phát triển; đồng thời tiếp tục giới thiệu, quảng bá wesite “Bản đồ mua sắm thành phố Hà Nội” giúp khách hàng tìm kiếm nhanh chóng các điểm mua sắm tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; xây dựng danh mục địa điểm công cộng đặt máy bán hàng tự động và các tiêu chí lựa chọn thương nhân kinh doanh máy bán hàng tự động.

Nhiều đổi mới phục vụ người tiêu dùng

Trong khi an toàn thực phẩm đang là nỗi lo của người tiêu dùng, thì giải pháp tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây, quản lý an toàn thực phẩm đối với chợ dân sinh hay tổ chức chương trình bữa ăn an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố; xây dựng các điểm bán thực phẩm sạch trên địa bàn các quận (Nam Từ Liêm, Thanh xuân, Đống Đa, Tây Hồ,…) là những hoạt động thiết thực của Sở Công thương nhằm đưa sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng.

Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu tiếp tục triển khai có hiệu quả. Năm 2017, đã có 16 doanh nghiệp và 2 ngân hàng đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá (tổ chức trên 1.200 điểm bán hàng; 2 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.100 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn 5%-8%, lãi suất dài hạn 8,4%-10%).

Các hoạt động hội chợ, phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở khắp các quận, huyện, thị xã, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt vào các dịp lễ hội xuân.

Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2017 với chủ đề “Tưng bừng khuyến mại – An tâm mua sắm” được tổ chức định kỳ vào tháng 11 với 6 chuỗi sự kiện nổi bật: Lễ khai mạc Tháng khuyến mại, Ngày hội khuyến mại du lịch, Ngày vàng khuyến mại, Tuần vàng online, Khởi nghiệp cùng doanh nghiệp, Hội chợ vàng khuyến mại. Đây là những hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, sôi động nhất, thu hút sự tham gia của gần 1.000 doanh nghiệp với 50 điểm vàng và trên 1.000 điểm bán hàng khuyến mại của các doanh nghiệp tại các quận, huyện, thị xã.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2017, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Qua 9 năm triển khai, chương trình Tháng khuyến mại đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của người tiêu dùng. Năm 2017, Tháng khuyến mại không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ mà còn thu hút lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực thực phẩm, ngân hàng, y tế, giáo dục… Doanh thu của các doanh nghiệp tăng từ 20-40% so với tháng trước.

Điểm mới trong Tháng khuyến mại năm nay là sự kiện “Tuần Vàng online” hưởng ứng chương trình phát triển thương mại điện tử của Bộ Công thương và thành phố Hà Nội, tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận chương trình giảm giá sâu từ các doanh nghiệp thương mại điện tử với hàng trăm nghìn sản phẩm ưu đãi trực tuyến qua wesite của các doanh nghiệp và cổng kết nối thangkhuyenmaihanoi.vn. Sự kiện “Khởi nghiệp cùng doanh nghiệp” nhằm kết nối các doanh nghiệp với tầng lớp tri thức trẻ để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của Thành phố.

Năm 2017, Sở tổ chức Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích, thông qua hệ thống thông tin đại chúng, người tiêu dùng công tâm, khách quan đánh giá, bình chọn sản phẩm có chất lượng, bằng cách này doanh nghiệp chỉ có thể giữ chữ tín bằng chính chất lượng sản phẩm của mình. Sở cũng đã tổ chức thành công Lễ hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng”, Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng và Tuần lễ tri ân người tiêu dùng.

Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 đã được Sở Công thương thành phố triển khai với nhiều nét mới, sáng tạo. Các doanh nghiệp, làng nghề ngày càng nhận thức rõ vai trò trách nhiệm trong nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng trong nước, góp phần giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững kinh tế Thủ đô.

Hồng Vân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều