Để đô thị vệ tinh là đô thị sống

“Siêu” khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc vừa được Hà Nội trình HĐND thành phố thông qua với quy mô 17.274ha và 600.000 dân tới 2030. Nhưng để “Siêu đô thị” không trở thành một “thành phố ma”, Hà Nội chắc chắn không thể giẫm lên vết xe đổ của chính mình.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: VTV

Đô thị vệ tinh là thứ đã cũ rích trên thế giới. Với Hà Nội, từ ít nhất một thập kỷ trước, các thành phố vệ tinh: Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên và Sóc Sơn đã được vẽ trên giấy như một biện pháp kéo dãn mật độ, giảm tải hạ tầng... như một định hướng cho phát triển thủ đô.

Đô thị vệ tinh, cần thiết và cấp bách không phải đến giờ mới nhận ra. Chỉ có điều giữa nói và làm, giữa ý muốn và hiện thực, giữa giấy tờ và thực tế lại là những khoảng cách quá xa. Và nói “vết xe đổ” cũng chính là việc thực tế hóa những ý tưởng ấy.

Như Xuân Mai chẳng hạn. Sau 8 năm triển khai, đô thị vệ tinh nếu có, thì đúng như một thành phố ma. Sau 8 năm, mọi sự vẫn giẫm chân tại chỗ. Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng phàn nàn năm ngoái: Để hình thành được đô thị vệ tinh Xuân Mai, trước hết phải thu hút từ 6-8 vạn sinh viên. Thực tế là chưa có trường đại học nào chuyển hẳn về Xuân Mai. Cũng tại Xuân Mai đã định hướng xây dựng khu công nghiệp Nam Tiến Xuân với quy mô gần 200ha nhưng đến nay dự án này vẫn nằm trên giấy! Hay chẳng hạn như đô thị sinh thái Trúc Sơn, đến nay vẫn như cách nay 8 năm.

Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho sự thất bại mà nguyên nhân đầu tiên là vấn đề hạ tầng giao thông quá thê thảm.

Liệu người ta có thể đến và đi, liệu người ta có lựa chọn một đô thị sinh thái chỉ cách nội thành Hà Nội hơn 20km nhưng mất hơn 1,5 giờ chạy xe vì tắc đường liên miên, trong khi đi từ Hà Nội tới Hải Phòng cũng chỉ từng đó thời gian?

Hay như tại “thung lũng silicon” Hòa Lạc. Dù được thành lập đã 20 năm, nhưng tới giờ một trường như ĐH FPT vẫn phải dùng giếng tự khoan, trong khi các yếu tố hạ tầng tối thiểu cho một cuộc sống như bệnh viện, nhà ở, đường giao thông vẫn hãn hữu. Chẳng hạn chỉ riêng tiền xe buýt FPT hằng năm phải gánh phí tổn tới ngót 30 tỉ đồng.

Hãy nhớ là Samsung đã lựa chọn Thái Nguyên, thay vì “đô thị vệ tinh” Sóc Sơn, sát sạt sân bay Nội Bài.

Muốn đô thị vệ tinh không biến thành những “thành phố ma” không dân cư, hãy bắt đầu bằng những con đường, cho dù con đường chưa phải là tất cả, bắt đầu bằng một cơ chế đầu tư công khai minh bạch, bằng việc đảm bảo quyền lợi tối thiểu của những cư dân đang rất... hãn hữu tại đó.

Theo Đào Tuấn/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều