Để thông toàn tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, cần đẩy lùi “virus trì trệ”

(Mặt trận) - Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả tin tưởng rằng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ vì 21 triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà có đề xuất, giải pháp phù hợp triển khai Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, để dự án này sớm hòa dòng thông tuyến kết nối với toàn tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ.

Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

- Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và đang có diễn tiến khó lường nhưng Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang được tập trung triển khai tốt để đảm bảo tiến độ. Vậy, việc thi công trong mùa dịch gặp khó khăn trở ngại nào, thưa ông?

Ông Lưu Xuân Thuỷ: Có chứ. Giai đoạn này quả thật là sự thách thức với chúng tôi, bởi Covid-19 ít nhiều đã tác động đến tâm lý của phần đông cán bộ, kỹ sư và công nhân đang điều hành và tham gia xây dựng dự án. Nhưng đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì không chỉ dừng lại ở quyết tâm của nhà đầu tư, của đơn vị quản trị điều hành dự án mà còn là quyết tâm của Chính phủ, lòng mong mỏi của 21 triệu người dân vùng đồng bằng sông Mê Kông. Mới đây, ngày 8/3/2020, mặc dù đang phải tập trung cho công tác chống dịch Covid-19 nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thân chinh vào công trường dự án kiểm tra tiến độ thi công và động viên cán bộ công nhân viên, ban điều hành cũng như có những chỉ đạo sát sao để dự án được triển khai thông suốt, về đích đúng hẹn.

Đứng trước những yêu cầu mới và những vấn đề cấp bách, phát sinh, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc cần phải chống cả 2 loại virus, một là virus Covid-19 và một loại virus nữa là "virus trì trệ", không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, bỏ lỡ nhiều cơ hội, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Khi nhận nhiệm vụ thực hiện dự án, chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của mình trước Chính phủ, với hạ tầng giao thông đất nước, với người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phải quyết tâm hoàn thành đúng theo chỉ đạo của Chính phủ. Như mọi người đã biết, từ trước Tết cho đến bây giờ và sẽ cho đến khi kết thúc dự án, chúng tôi tập trung mọi nguồn lực để thi công 3 ca/ngày, lễ tết cũng như ngày thường đều không nghỉ… chỉ để kịp tiến độ dự án.

Tính đến thời điểm này sau vừa tròn 1 năm Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án đã tháo gỡ được nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài nhiều năm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với đơn vị tài trợ vốn,… và đã đưa tiến độ trong 1 năm lên gấp 3 lần 10 năm trước đó. Với năng lực, kinh nghiệm và quyết tâm của mình, chúng tôi sẽ phấn đấu đưa dự án về đích đúng hẹn để đáp ứng sự kỳ vọng lớn lao chung của mọi người.

Tất nhiên, phải thi công làm việc trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dự báo sẽ có những diễn biến khó lường, chúng tôi luôn có những phương án, kịch bản chuẩn bị phù hợp nhất, không được phép chủ quan. Chúng tôi đã đặt ra yêu cầu an toàn sức khoẻ cho người lao động lên hàng đầu, đặt ra quy định hạn chế tối đa tiếp xúc người ngoài, ra vào khu vực thi công đều được kiểm soát y tế sát sao. Văn phòng làm việc cũng như công trường nơi ăn chốn nghỉ của cán bộ công nhân viên luôn được quan tâm diệt khuẩn, bảo đảm an toàn.

- Thủ tướng đã nhấn mạnh việc cần phải hoàn thành, khai thác đồng bộ toàn tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông đánh giá sự bức thiết cũng như khó khăn đặt ra từ nhiệm vụ này như thế nào?

Ông Lưu Xuân Thủy: Hiện nay, trên tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, ngoài đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác, các đoạn khác gồm Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai, cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đều chỉ mới trong quá trình chuẩn bị. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 triển khai bằng vốn vay ODA và Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ thì chưa lựa chọn được nhà đầu tư.

Nếu Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ không có tính đột phá, giải pháp khả thi, để Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ dẫn tới các trình tự tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, việc thu xếp vốn sẽ khó khăn khi ngân hàng cho vay hợp vốn thực hiện bước thẩm định, hợp vốn, đàm phán ký hợp đồng, giải ngân… quy trình tương tự như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trước đây sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về thủ tục, kéo dài thời gian, khó thực hiện và đảm bảo tiến độ để kết nối vào đoạn TP. Hồ Chí Minh đến Mỹ Thuận như mong đợi.

- “Giải pháp khả thi” đó là như thế nào, thưa ông?

Ông Lưu Xuân Thủy:  Ngoài việc phải hoàn thành Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đáp ứng tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành năm 2021 thì Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án mở rộng phạm vi Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận và bổ sung 23 km đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án này. Theo đó, điều chỉnh, mở rộng phạm vi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giao UBND các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thực hiện GPMB theo quy định trong phạm vi địa giới hành chính của các tỉnh.

Một đoạn của Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận

Về cơ cấu vốn đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, khi vốn NSNN chỉ tham gia khoảng 2.400 tỷ đồng, phần còn lại do Doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và Tập đoàn Đèo Cả sẽ là đầu mối cùng các đối tác là các Nhà đầu tư, Nhà thầu,… tại các Dự án hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ huy động từ vốn chủ sở hữu và các nguồn vốn hợp pháp khác… đáp ứng tiến độ Dự án.

Với kinh nghiệm thi công quản lý vận hành một loạt các dự án lớn ở miền Trung, miền Bắc, nếu tiếp tục được tin tưởng và giao thực hiện, chúng tôi áp dụng mô hình quản trị điều hành và sẽ huy động máy móc thiết bị, nhân sự... đang có sẵn tại công trường để triển khai.

Dựa trên những tính toán và đề xuất khá cụ thể trên sẽ giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án còn 24 tháng so với trình tự thông thường là 41 tháng, đảm bảo thông tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ trong năm 2021, hoàn thành trong năm 2022, rút ngắn thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng xuống còn 12 năm 6 tháng (ngắn đi 2 năm 2 tháng)… Góp phần quan trọng trong việc tạo ra động lực, nguồn lực mới cho sự phát triển nhanh hơn cho toàn vùng Tây Nam Bộ.

Tuy nhiên phương án có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào đề xuất của cơ quan chủ quản là Bộ GTVT, sự đồng lòng của các bên có Dự án đi qua là tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ. Đặc biệt UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đã đồng hành cùng các doanh nghiệp Dự án phối hợp giải quyết các vướng mắc của Dự án đã tồn tại 10 năm qua, đang cùng chạy nước rút để thông tuyến vào năm 2020.

- Đề cập đến Bộ chủ quản, ông kỳ vọng gì ở Bộ GTVT đối với việc hoàn thành tổng thể tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Ông Lưu Xuân Thủy: Vừa qua Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã tháp tùng Thủ tướng thị sát công trường và thấy được những kết quả của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã phát biểu đề cập sự cấp bách và Bộ cam kết sẽ ủng hộ việc khai thác đồng bộ toàn tuyến và những ưu điểm của phương án nêu trên.

Chúng tôi tin tưởng rằng Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ vì 21 triệu người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long để có thể đề xuất giải pháp triển khai thông tuyến Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2021.

Cảnh tắc đường trên tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chúng tôi vẫn cảm thấy băn khoăn về tính hiệu quả qua chất lượng các đề xuất, kế hoạch phát triển ngành giao thông của Bộ GTVT. Về vấn đề này chúng ta có thể nhận thấy và kiểm chứng điều đó ở kế hoạch đấu thầu cao tốc Bắc - Nam, từ đề xuất đấu thầu quốc tế đã được cảnh báo rủi ro từ các doanh nghiệp nước ngoài đi đến đề xuất huỷ sơ tuyển để đấu thầu trong nước và bây giờ khi vướng mắc về vốn tín dụng Bộ lại đề xuất chuyển sang đầu tư công… Các dự án này đều đã công bố thông tin rộng rãi về mốc khởi công, mốc hoàn thành nhưng kết quả chưa được như mong đợi, gây lãng phí về thời gian, tài sản của nhà nước.

- Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của Bộ GTVT mà đặc biệt là của Bộ trưởng hiện nay đối với lĩnh vực giao thông nói chung và với Tập đoàn Đèo Cả nói riêng?

Ông Lưu Xuân Thủy: Hơn 10 năm qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm Quốc gia đã được Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, hoàn thành như: Hầm đường bộ qua Đèo Cả, Cù Mông,… Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận và đã được Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng,… đến thăm, động viên, chia sẻ với CBNV.

Với quy mô đầu tư các công trình hàng tỷ đô, tham gia giải quyết các khó khăn của các dự án khi đã tiếp cận công nghệ khoan hầm hiện đại NATM, tiết giảm tổng mức đầu tư, thực hiện hoàn thành dự án vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, mang lại cuộc sống an toàn cho người dân… Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn Đèo Cả luôn thực hiện các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát và tiết giảm được tổng mức đầu tư, do đó khi được cấp hạn mức tín dụng là 29.644 tỷ đồng nhưng chỉ sử dụng 17.161 tỷ đồng, và đã hoàn thành một chuỗi các dự án, số dư tín dụng còn lại là 12.483  tỷ đồng, các giải pháp tối ưu đã được đưa ra để không  xảy ra nợ xấu (theo Văn bản số 5107/NHNN-TD ngày 03/07/2019 của Ngân hàng Nhà nước).

Với chúng tôi, ngoài ý thức của một doanh nghiệp hoạt động để có lợi nhuận, giải quyết công ăn việc và đời sống cho người lao động và gia đình họ, chúng tôi còn ý thức về giá trị công dân của mình là không ngừng khao khát đóng góp sức mình trong việc kiến thiết xây dựng đất nước, cụ thể qua các sản phẩm giao thông có chất lượng, tiết kiệm trên dải đất quê hương hình chữ S này.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ qua cuộc phỏng vấn này.

HY (thực hiện)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều