Độc quyền kép

Nếu “khai tử” nốt xăng RON 95 thì ngoài độc quyền bán lẻ, người tiêu dùng còn phải chịu độc quyền ethanol nữa, khi cả nước chỉ có một đơn vị duy nhất là Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp cồn E100.

Nếu “khai tử” nốt xăng RON 95 thì ngoài độc quyền bán lẻ, người tiêu dùng còn phải chịu độc quyền ethanol.

Những lời đề nghị sớm “khai tử” xăng RON 95, chỉ để tồn tại trên thị trường duy nhất loại xăng phối trộn là E5 RON 92 và E5 RON 95 được lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá cao và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Chính phủ.

Hồi đầu năm, sự biến động giá sắn, nguyên liệu làm ethanol đã khiến dư luận lo lắng về một khoảng lặng trước nguy cơ tăng giá xăng sinh học E5 RON 92.

Bởi nếu nửa đầu 2017, giá ethanol dao động trong khoảng 13.700 - 13.800 đồng/lít thì từ tháng 10.2017 đã liên tục tăng, vượt qua mốc 14.200 đồng/lít. Đến kỳ điều chỉnh đầu năm 2018, giá ethanol đã tăng tiếp thêm trên 100 đồng/lít.

Chính Tổng Giám đốc Công ty Tùng Lâm - ông Vũ Kiên Chỉnh cho biết, trong 10 tháng qua, giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng). Giá ethanol tăng, chắc chắn ảnh hưởng tới giá xăng sinh học cho dù chính Tổng Giám đốc Tùng Lâm thanh minh: Việc tăng giá cồn E100 là “bắt buộc” chứ không phải vì độc quyền.

Nếu trên thị trường không còn thứ gì khác ngoài xăng sinh học thì việc độc quyền từ Tùng Lâm sẽ không chỉ còn là một mối đe dọa nữa. Bởi khi ấy, nguồn ethanol sẽ không dừng ở mức 250.000 tấn/năm như tính toán của Bộ Công Thương. Có gì để đảm bảo sau khi chuyển sang dùng xăng sinh học toàn thị trường, giá xăng trong nước không những chịu ảnh hưởng bởi biến động giá thế giới mà còn lên xuống bất thường bởi cả giá ethanol. Lấy gì để đảm bảo đó không phải là một sự tăng giá kép sinh ra từ độc quyền kép?

Huống chi, bản thân việc kinh doanh xăng E5 bên cạnh những ưu điểm vẫn còn đó những bất cập. Ví như Nhà nước đang phải bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 dưới nhiều hình thức như: Trích quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn RON 95, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn. Rồi đến những bất hợp lý khác như ngay cả khi không mua xăng sinh học, trong mỗi lít RON 95 tiêu thụ, người dân vẫn bỏ 300 đồng vào quỹ bình ổn giá để bù lỗ cho xăng sinh học.

Cẩn trọng, xem xét, tính toán là những gì Bộ Công Thương cần làm trước khi đi đến một quyết định ảnh hưởng quá lớn đến thị trường. Huống chi trong một nền kinh tế thị trường mà Việt Nam đang hướng tới, không thể có chỗ cho những mệnh lệnh hành chính.

Theo Anh Đào/Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều