Đổi trạm thu phí BOT thành trạm "thu giá BOT" là đánh tráo khái niệm!

"Trạm thu giá BOT", theo lý giải của Bộ GTVT, được chuyển đổi tên gọi theo quy định tại Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/5/2015...

Trước nhiều câu hỏi của người dân, lái xe thắc mắc và đặt câu hỏi, các trạm thu phí BOT giao thông tiến hành thu phí để hoàn vốn đầu tư, nhưng gần đây lại xuất hiện thuật ngữ “thu giá BOT” và tên gọi các “trạm thu phí BOT cũng được chuyển thành trạm "thu giá" BOT.

Vì sao lại có sự chuyển đổi thuật ngữ như vậy? Bản chất giữa thu phí và thu giá có gì khác nhau? Ai đề ra quy định thu giá...?

Từ trạm thu phí Sông Phan...

Theo lý giải của ông Đỗ Văn Quốc – Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT: việc chuyển đổi tên gọi từ phí sang giá là theo quy định của Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành ngày 25/11/2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Trong đó, kể từ ngày 1/1/2017, phí đường bộ sẽ được chuyển sang dịch vụ sử dụng đường bộ, khung giá và giá tối đa sẽ do Bộ GTVT và UBND các tỉnh quy định.

 

...đến trạm thu giá cầu Bến Lức...

Cụ thể, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức giá trần (tối đa) đối với dịch vụ sử dụng đường bộ trên quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, UBND cấp tỉnh quy định giá đối với đường địa phương.

Trước khi Luật Phí và lệ phí ban hành và có hiệu lực, các dự án BOT giao thông được quản lý dưới hình thức là phí, Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức phí và chế độ quản lý sử dụng.

Trong đó, mỗi dự án BOT được Bộ Tài chính ban hành một thông tư riêng để áp dụng thu phí cụ thể và mức phí nằm trong quy định chung tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính.

Trạm thu phí BOT Pháp Vân -  Cầu Giẽ nay cũng được đổi tên thành trạm thu giá...

Sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội ban hành, căn cứ Nghị định 149/2016 của Chính phủ, ngày 15/11/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.

Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được Bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc không vượt mức giá tối đa quy định tại Điều 6 của Thông tư 35/2016.

“Về bản chất, khi chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”, Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố về giá biến động, còn điều chỉnh phí là thẩm quyền của Bộ Tài chính” – lãnh đạo Vụ Tài chính, Bộ GTVT cho biết.

 

Một bức ảnh lan truyền trên mạng về tài xế xe tải mang "rổ mầm giá" để trả phí khi qua "trạm thu giá".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cả hai thuật ngữ “thu phí và thu giá” đều chỉ việc thu phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho các dự án BOT giao thông.

Từ ngày 1/1/2017 trở về trước, tất cả các dự án có thu phí BOT đều dùng khái niệm “thu phí”. Thẩm quyền quyết định mức phí thuộc về Bộ Tài chính và mỗi dự án sẽ có một thông tư riêng về việc thu phí, mức phí cũng như lộ trình tăng phí.

Khi khái niệm “thu phí BOT” được chuyển thành “thu giá BOT”,  thẩm quyền quyết định được giao về cho Bộ GTVT. Khi đó, quyền quyết định thu giá BOT được chuyển về Bộ GTVT.

Việc chuyển tên gọi từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” khiến nhiều người tỏ ý không đồng tình, nên gọi là thu phí cho thuần Việt, không nên “đánh tráo khái niệm”, “giá” với “phí” cho khó nghe, không đúng bản chất là “thu phí”.

 

Theo người dân, kiểu gì thì cũng là thu phí đường bộ, nên thống nhất, không nên khiên cưỡng "phí" thành "giá" không cần thiết.

“Sở dĩ các Trạm thu phí đổi tên thành Trạm thu giá, vì theo luật, trên địa bàn tỉnh, thành phố nếu thu phí thì mức thu phí sẽ do HĐND cấp tỉnh, thành phố quyết định. Vậy nếu để HĐND các tỉnh, thành phố quyết định mức thu này thì mức giá thu phí sẽ không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT nữa. Vì vậy Bộ GTVT cho đổi tên từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” để lách luật nhằm tiếp tục nắm quyền quyết định mức thu. Đây thực chất là hành động “đánh lừa”, một người dân phân tích.

Chưa kể, theo độc giả này, từ “thu giá” không có ý nghĩa trong tiếng Việt. Việc đổi tên một cách bất chấp từ “thu phí” thành “thu giá” được xem là hành vi làm lệch chuẩn ngôn ngữ, đánh tráo khái niệm, không thể chấp nhận.

Còn trên FB cá nhân của Luật sư Võ Văn Dũng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh có viết: Riêng cái vụ Bộ giao thông chế biến từ "thu phí" sang "thu giá" đã có dấu hiệu bất thường rồi. Vai trò, chức năng của Bộ Tài chính để đâu mà lại để cho Bộ GTVT được quyền quyết định giá vé các trạm "thu phí" và hô biến thành 2 từ "thu giá"?

“Số tôi may mắn được đi đến nhiều nước trên thế giới, trạm thu phí BOT thì đã thấy nhiều, nhưng chưa bao giờ được thấy tận mắt "trạm thu giá", LS Võ Văn Dũng nói

Có lẽ chỉ các chuyên gia bộ GTVT mới đủ "tài tình" để chuyển đổi thuật ngữ như ảo thuật vậy. Có phải chăng đây là kiểu đánh tráo khai niệm nhằm giảm nhẹ những bức xúc của xã hội quanh hàng loạt trạm thu phí BOT gần đây hay không?.

Theo Phi Long/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều