Dự án Tháp doanh nhân Hà Đông chậm tiến độ, triển khai ì ạch: Bài học trong quản lý các dự án đầu tư, xây dựng tại Hà Nội

(Mặt trận) - Được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết ngay trước khi sáp nhập về Thủ đô, Dự  án Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân (số 1 đường Thanh Bình, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô thuộc Tập đoàn Anh Quân Strong làm chủ đầu tư không chỉ lập kỷ lục về tiến độ triển khai kéo dài qua 2 thập kỷ mà dự án này còn gánh chịu nhiều tai tiếng khi vướng loạt “phốt sai phạm” nghiêm trọng.
Liên tiếp dính “phốt nghiêm trọng”

Dự  án Tháp Doanh nhân Hà Nội vướng nhiều tai tiếng, lùm xùm trong quá trình thi công xây dựng.

Dự  án Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân là công trình do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô (thuộc Tập đoàn Anh Quân Strong) làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 2.710 m2 với 270 căn hộ. Theo thiết kế, tòa tháp có quy mô cao 52 tầng, trong đó có 5 tầng hầm và 45 tầng nổi, 2 tầng lửng, chiều cao 168m. Tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng.

Tháp Doanh Nhân đã từng được kỳ vọng như biểu tượng của tỉnh Hà Tây cũ khi tọa lạc tại vị trí “kim cương” số 1 Thanh Bình, Hà Đông. Nơi hội tụ đầy đủ 3 yếu tố phong thủy “Nhất cận thị , nhị cận giang, tam cận lộ” dễ dàng kết nối ngoại khu mà hiếm dự án nào tại đây có được.

Tuy nhiên, sau những lời chào mời như “đường mật” khiến rất nhiều người dân đã bỏ tiền ra với mong muốn sở hữu một căn hộ thì giờ đây tất cả dường như vẫn chỉ nằm trên giấy.

Thực tế sau 9 năm khởi công, kỳ vọng về biểu tượng của sự phát triển hội tụ doanh nghiệp đến nay vẫn chưa bàn giao được căn hộ cho người dân. Trong khi, hàng trăm người dân đã đóng tiền mà vẫn không có chỗ ở.

Cụ thể, năm 2008, dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết với chức năng: Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân, khách sạn, cây xanh sân vườn, bãi đỗ xe và đường giao thông, sau đó đã được Sở Xây dựng Hà Tây thẩm định thiết kế cơ sở (số 1 đường Thanh Bình, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội).

Năm 2010, chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2013 nhưng công trình đang triển khai dở dang thì phải “đắp chiếu”, dự án dính bê bối về nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, xây dựng không phép, một số hạng mục không đúng thiết kế, công năng được phê duyệt... và ngừng thi công một thời gian.

Theo Kiến thức, năm 2011, khách hàng mua nhà dự án Tháp Doanh nhân “tố” chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý đã huy động vốn và khởi công công trình. Chủ đầu tư được cho là đã huy động số tiền hơn 100 tỷ đồng từ khách hàng dù thời điểm đó, dự án mới chỉ dừng ở mức bao vây tường, ép vài chục cọc nhồi với chiều dài 40m.

Theo đó, tháng 11/2009, Công ty Tây Đô ký hợp đồng góp vốn đầu tư với một số nhà đầu tư. Nội dung hợp đồng ghi rõ, sau khi ký hợp đồng góp vốn 90 ngày, Công ty Tây Đô sẽ khởi công công trình, sau 12 tháng kể từ ngày khởi công hoàn thành xong móng công trình đến cốt 00 và chuyển sang làm hợp đồng mua bán nhà cho người mua với số lượng căn hộ tương ứng tại các sàn nhà ở trong Tòa nhà hỗn hợp tháp Doanh nhân.

Nếu theo đúng cam kết trong hợp đồng, tháng 3/2011 việc thi công móng công trình đến cốt 00 phải hoàn thành. Dự án chậm tiến độ, các nhà đầu tư góp vốn không còn tin tưởng vào đơn vị chủ đầu tư nên gửi đơn tới các cơ quan chức năng.

Qua quá trình kiểm tra, các cơ quan chức năng mới phát hiện ra dự án khởi công khi không có giấy phép xây dựng. Đầu năm 2012, dự án Tháp Doanh nhân bị Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó, UBND quận đã có tờ trình đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quyết định xử phạt đối với sai phạm của Công ty Tây Đô do khởi công xây dựng công trình khi chưa có giấy phép xây dựng. Theo đó, Công ty Tây Đô bị phạt 35 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư của dự án Tháp Doanh nhân từng nhiều lần bị “bêu tên” nợ tiền sử dụng đất.

Thời điểm tính đến ngày 31/5/2014, Công ty Tây Đô còn nợ 27,9 tỷ đồng tiền sử dụng đất của Dự án Tháp Doanh Nhân. Tới tháng 7/2015, cơ quan thuế tiếp tục cưỡng chế thuế đối với Công ty Tây Đô vì nợ tiền sử dụng đất.

Qua quá trình kiểm tra, rà soát, dự án Tháp Doanh nhân bị “lộ” là một trong những dự án mà Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư.

Vậy nhưng, đến cuối năm 2015, dự án này bất ngờ được thi công trở lại và công khai bán các căn hộ rầm rộ.

Trao đổi với báo chí, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định Công ty Tây Đô được tiếp tục triển khai dự án theo quy định công trình được miễn giấy phép xây dựng, chúng tôi đã tập trung mọi điều kiện để tái triển khai dự án này. Đến nay, chúng tôi cũng đã gửi công văn lên UBND phường Mỗ Lao, UBND quận Hà Đông để khẳng định tâm huyết cũng như nỗ lực của Ban lãnh đạo Công ty trong việc sớm hoàn thành dự án, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như góp phần làm đẹp diện mạo tuyến phố. Hiện nay Công ty Tây Đô đã chuẩn bị đủ nhân tài, vật lực để hoàn thành dự án”.

Tuy nhiên, theo các khách hàng, đến nay dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ và thi công rất ì ạch. Các hạng mục bên trong gần như vẫn không có nhiều thay đổi, số lượng công nhân quá ít và tiếp tục không có thời điểm bàn giao cụ thể, trong khi các khách hàng mua căn hộ với giá không hề rẻ từ 1-3,4 tỷ đồng, tuỳ từng diện tích.

Khách hàng lo sợ tiền mất, tật mang

Mặc dù chủ đầu tư đã hứa hẹn như vậy nhưng thực tế, sau nhiều năm nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Và từ một địa chỉ được kỳ vọng là “điểm nhấn Trung tâm văn hóa, du lịch, dịch vụ, vui chơi, giải trí, hoạt động kinh doanh, thương mại, hoạt động cộng đồng dân cư ở phía Nam sau khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội”, Tháp Doanh nhân giờ đây lại trở thành “điểm đen” của việc chậm trễ bàn giao,  khiến nhiều khách hàng khốn khổ trong cảnh chờ nhà, gây bức xúc trong dư luận.

Bất chấp các cam kết bàn giao của chủ đầu tư, dưới chân công trình vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, quây tôn tạm bợ gây mất mỹ quan, đô thị.

Theo VOV, trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng thời hạn bàn giao nhà vào cuối tháng 12/2017, thế nhưng, hơn 1 năm qua, những người mua căn hộ tại dự án Tháp Doanh nhân vẫn chờ đợi mà không biết đến khi nào dự án mới hoàn thiện.

Một khách hàng mua căn hộ tại Tháp doanh nhân cho biết, cực chẳng đã người dân mới phải đến trụ sở công ty căng băng rôn, gây sức ép với chủ đầu tư. Người dân thiện chí muốn đối thoại với chủ đầu tư, điều khoản hợp đồng rõ ràng, chủ đầu tư chậm bàn giao thì phải chịu phạt theo hợp đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư tránh né việc này, qua 2-3 cuộc đối thoại cư dân chủ đầu tư không chịu ký biên ban cuộc họp (cuộc họp do chủ đầu tư gửi giấy mời).

“Đề mua căn hộ tôi đã vay ngân hàng 800 triệu đồng, trước đây trả lãi gốc mỗi tháng khoảng 11 triệu đồng, sau 2 năm giờ còn 9 triệu đồng một tháng. Nếu chủ đầu tư giao nhà đúng hẹn thì gia đình không mất tiền thuê nhà nhưng gần 2 năm nay tiền lãi vay ngân hàng cùng tiền thuê nhà khiến gia đình rất khó khăn” – vị này nói.

Khi chủ đầu tư vẫn né tránh khách hàng mua dự án, không đối thoại với cư dân. Ngày 7/5 vừa qua, gần trăm khách hàng mua dự án Tháp Doanh nhân đã đến trụ sở Tập đoàn Anh Quân Strong căng băng rôn, yêu cầu chủ đầu tư đối thoại, thực hiện các điều khoản trong hợp đồng, trả lời về thời hạn bàn giao nhà.

Sau khi khách hàng của dự án Tháp Doanh nhân căng băng rôn trước trụ sở Tập đoàn Anh Quân chủ đầu tư mới chịu ra mặt đối thoại cùng khách hàng, cuộc làm việc này có sự góp mặt của lãnh đạo chủ chốt UBND phường Mỗ Lao.

Chủ đầu tư dự án Tháp Doanh nhân cam kết bàn giao nhà vào 31/5/2019 với gói căn hộ thô. Còn về các vấn đề bảo lãnh của ngân hàng, tiền phạt chậm bàn giao nhà, căn hộ sai thiết kế thì chủ đầu tư sẽ trả lời vào buổi làm việc lần sau. Như vậy là sau hơn 1 năm chờ bàn giao nhà, khách hàng dự án Tháp Doanh nhân phải tiếp tục chờ…

Tuy nhiên, nhiều khách hàng tỏ ra nghi ngại với những cam kết của chủ đầu tư, bởi lẽ, gần 300 căn hộ nhưng chưa một ai thấy được văn bản cam kết bảo lãnh từ phía ngân hàng theo đúng quy định. Nếu chủ đầu tư có bảo lãnh, khi khách hàng yêu cầu thì thường sẽ đưa ra luôn chứ không khất lần. Điểm này khiến khách hàng thực sự lo ngại vì không có bảo lãnh sẽ rất rủi ro.

Mặt khác, tại dự án này còn xuất hiện tình trạng, khác hàng đã ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư và đóng 70% giá trị nhưng căn hộ này đang bị rao bán trên mạng internet khiến họ hoang mang, lo sợ bị... lừa đảo.

Mặc dù đã được chủ trương xây dựng từ nhiều năm trước, thế nhưng đến nay nhiều dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội thi công chậm trễ, ì ạch hoặc triển khai dở dang gây lãng phí nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc và để lại nhiều hệ lụy khiến người dân hết sức bức xúc... Trong đó, Dự án Tháp doanh nhân Hà Đông là minh chứng cụ thể và điển hình. Vậy đâu là giải pháp nào cho các dự án chậm tiến độ?

Một là, đối với các dự án chậm tiến độ, không triển khai, gây ra những khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân và tạo ra những bức xúc cần tiến hành thẩm định, đánh giá lại năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư. Qua đó, xem xét chấm dứt, thu hồi dự án, đồng thời xử lý nghiêm túc các tập thể và cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ. Nếu sai phạm nghiêm trọng cần thiết chuyển cơ quan điều tra.

Hai là, tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đất đai, xây dựng để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động xây dựng.

Ba là, đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đối với một số loại đối tượng chủ yếu đang có nhiều vi phạm, gây bức xúc, tác động tiêu cực đến quản lý nhà nước về đất đai; đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đúng quy hoạch và pháp luật.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh các thiếu sót, sai phạm về chuyên môn trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai.

Năm là, xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra; tổ chức tốt hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng tại địa phương.

Sáu là, nâng cao chất lượng công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về đất đai, xây dựng, bất động sản có sự tham gia giám sát, phản biện của Mặt trận Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và công dân, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Phan Anh Tuấn (tổng hợp)

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều