Ghi tên thành viên hộ gia đình vào sổ đỏ: Nhất trí với kiến nghị của Bộ Tư pháp về lùi thời điểm có hiệu lực

Đây là trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 diễn ra chiều 1/12 đối với câu hỏi của phóng viên liên quan đến quan điểm của Bộ này về kiến nghị của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp.

Trước đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã phân tích, quy định này là có cơ sở pháp lý, cần thiết và tiến bộ, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất, trong đó có các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình, giúp hạn chế những khó khăn, vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. 

Tuy nhiên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh, trường hợp các điều kiện cần thiết để triển khai quy định này chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa lường hết và có giải pháp để giải quyết được những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về các vấn đề đã nêu trên thì Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nên xem xét việc ngưng hiệu lực (lùi thời điểm có hiệu lực) của quy định này để có thêm thời gian chuẩn bị, trong đó cũng cần quan tâm việc truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội. 

 Tới đây, sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên hộ gia đình

Quay trở lại với cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ luật Dân sự 2015 không còn khái niệm hộ gia đình. Hiện nay, tranh chấp về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất hết sức nhức nhối. Nhiều tranh chấp gia đình đã xảy ra, cũng như xử lý vấn đề nợ xấu của ngân hàng, tòa án không thể phát mại được.

Trong quá trình triển khai Luật Đất đai, Bộ TN&MT đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể quy định của Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự. "Quá trình xây dựng thông tư, Bộ xác định đây là vấn đề hết sức phức tạp. Vì ngay trong Bộ luật Dân sự không còn khái niệm hộ gia đình. Và chúng tôi đã thực hiện theo đúng quy trình. Quá trình xây dựng hết sức thận trọng, đã lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, các địa phương có liên quan và thực hiện rất nhiều hội nghị, hội thảo vấn đề này" - Bộ trưởng TN&MT thông tin.

Trên thực tế, việc xây dựng thông tư diễn ra trong vòng 2 năm, thậm chí Bộ Tư pháp cũng có ý kiến là quá chậm

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ lùi hiệu lực của quy định ghi tên vào sổ đỏ

Trước những lo lắng, quan ngại của dư luận, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cơ quan xây dựng cần lắng nghe để có hành động, xử lý kịp thời trước khi Thông tư này có hiệu lực. Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận Thông tư 33 do Bộ này ban hành quy định thiếu rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau, hiểu không chính xác khái niệm “hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất" được nêu trong Luật Đất đai và “hộ gia đình sử dụng đất” đồng nhất với khái niệm hộ gia đình trong sổ hộ khẩu như cách hiểu phổ biến trong xã hội hiện nay.

Bộ trưởng giải thích, thực tế Thông tư 33 chỉ điều chỉnh 1 trong 16 trường hợp về hình thức sở hữu được ghi trên sổ đỏ. Ở đây chỉ là hướng dẫn về cách ghi mang tính kỹ thuật đối với trường hợp hộ gia đình sử dụng đất chung theo Luật Đất đai, cơ bản là giải quyết các trường hợp phát sinh, trước khi có Luật Đất đai 2013.

Theo Luật Đất đai 2013, nếu cấp cho chủ thể hộ gia đình thì đã ghi đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình. Thông tư 33 cũng quy định chủ thể là các hộ gia đình sử dụng đất.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, Thông tư 33 quy định đối với các trường hợp chuyển tiếp, trước khi có Luật Đất đai 2013 thì việc giải quyết hoàn toàn do các hộ gia đình tự nguyện, nhưng lại không nói rõ vấn đề này.

“Thông tư này đã quy định không rõ ràng khiến nhiều người hiểu như vậy. Chúng tôi mong người dân hiểu đây không phải là sự ngụy biện. Về tính pháp lý, việc ban hành Thông tư 33 hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và cần thiết, cấp bách với cuộc sống. Nhưng thông tư ban hành còn có cách hiểu khác nhau, chưa rõ ràng, và trên thực tế, quy định của Luật Đất đai đã điều chỉnh về cơ bản việc cấp mới nên những vấn đề phát sinh đã có cơ chế hiện hành đang giải quyết được" - Bộ trưởng Hà giải thích.

Bộ trưởng Hà cho hay, Bộ TN&MT đã thống nhất với Bộ Tư pháp, mà đại diện là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đây là văn bản cần thiết, nhưng khi còn có cách hiểu khác nhau, chưa đồng thuận... thì Thông tư 33 chưa đạt yêu cầu.

"Các quy định khác của Thông tư này sau khi công bố dư luận hoàn toàn đồng tình, chưa có vấn đề gì. Chúng tôi sẽ lùi hiệu lực của khoản 5 Điều 6 Thông tư 33 làm công tác truyền thông để người dân nhận thức được lợi ích mang lại cho người dân cũng như bảo đảm các cơ sở pháp lý khi phát sinh các sự kiện pháp lý đối với người dân... Khi mọi người đều có cách hiểu thống nhất, cũng như chúng tôi tiên liệu được các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện thì chúng tôi sẽ ban hành một văn bản bao trùm lên cả Thông tư 23 và 33" - Bộ trưởng Hà nêu rõ.

Theo H.Thư/Báo Pháp luật Việt Nam

 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều