Giảm sốc cho nền kinh tế

Các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đều trở nên kém lạc quan khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ hai khởi phát tại Đà Nẵng từ cuối tháng 7. Để ứng phó với tình hình mới, chính sách kinh tế cho giai đoạn hiện nay có rất nhiều thay đổi so với thông lệ điều hành hằng năm của Chính phủ. Phóng viên (PV) đã trao đổi ý kiến với TS. NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
 

PV: Làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ hai tại Việt Nam có sự khác biệt rất lớn về quy mô và tính chất so với làn sóng lần thứ nhất. Đồng chí có thể cho biết Chính phủ ứng phó như thế nào trong giai đoạn này? 

TS Nguyễn Đức Kiên: Ở làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ nhất, chúng ta đã rất thành công trong khống chế dịch nhờ yếu tố truy vết được người bệnh F0, không để lây nhiễm trong cộng đồng kết hợp thực hiện cách ly toàn xã hội. Biện pháp điều hành và mục tiêu phát triển kinh tế cũng được điều chỉnh phù hợp diễn biến của từng thời điểm chống dịch, từ đặt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm tăng trưởng chuyển sang chống suy giảm kinh tế và phục hồi tăng trưởng ngay khi dịch bệnh được khống chế vào tháng 6. Nhưng rất đáng tiếc là bắt đầu từ ngày 24-7, kinh tế vừa có dấu hiệu phục hồi thì dịch bệnh bùng phát lần thứ hai ở Đà Nẵng do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Với diễn biến mới này, nền kinh tế Việt Nam khó có thể phục hồi theo mô hình chữ V như dự đoán đưa ra trước đây. Thay vào đó là phục hồi theo mô hình chữ W. 

Có lẽ đây là năm đầu, vấn đề tăng trưởng kinh tế không được đặt ra là mục tiêu chủ yếu trong điều hành như thông lệ. Thay vào đó là mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, ổn định vĩ mô, chặn đà suy thoái của nền kinh tế để năm 2021, khi kinh tế thế giới phục hồi thì ta bám được ngay vào đà phục hồi đó.

PV: Số liệu thống kê về tình hình đăng ký kinh doanh cho thấy có rất nhiều diễn biến trái chiều về số doanh nghiệp (DN) mới thành lập, DN quay trở lại thị trường và nhóm DN tạm ngừng kinh doanh, thua lỗ phá sản. Sức khỏe của cộng đồng DN hiện ra sao, thưa đồng chí?

TS Nguyễn Đức Kiên: Có thể thấy DN Việt Nam chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Ở giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 hay khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, DN chỉ cần căng mình sản xuất để xuất khẩu là có thể đem lại dòng tiền, cải thiện tình hình tài chính và thu nhập của người lao động (NLĐ). Nhưng lần này thì khác, dịch Covid-19 khiến cầu đứt gãy, thị trường đầu ra hoàn toàn bị động, DN có cố gắng duy trì sản xuất cũng chỉ tăng thêm hàng tồn kho vì không xuất khẩu được. Nói cách khác là DN rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm” do tác động của đại dịch nhưng đồng thời lại mở ra cơ hội vàng về chuyển đổi số và tái cơ cấu DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trước đây, chúng ta cứ nghĩ logistics là xa vời, chỉ áp dụng trong ngành vận tải hàng không, tàu thủy, ô-tô thì giờ đây những thuật toán này dễ dàng đi vào đời sống nhờ sự thay đổi thói quen tiêu dùng do Covid-19. Đơn cử, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng muốn phát triển phải giao dịch online (qua mạng) thông qua các app (ứng dụng) tải về điện thoại. Hình thức giao dịch này gây sức ép cho người kinh doanh phải tinh gọn đội ngũ nhân viên, tự tổ chức hoặc kết nối với bên dịch vụ giao hàng, cung ứng bao bì đóng gói bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra nhu cầu thúc đẩy những DN nhỏ khởi nghiệp. Về phía Nhà nước cũng chịu sức ép nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế số, cụ thể là mạng 5G… 

PV: Theo đồng chí, sự bùng phát của làn sóng Covid-19 lần thứ hai có làm thay đổi các khâu đột phá để phục hồi kinh tế mà Chính phủ đặt ra trước đây gồm đầu tư công, thị trường trong nước và xuất khẩu hay không?

TS Nguyễn Đức Kiên: Làn sóng Covid-19 lần hai nguy hiểm ở chỗ, nền kinh tế như người vừa ốm dậy đã lại bị bồi thêm đòn chí mạng. Ảnh hưởng đầu tiên là thị trường trong nước co về mức tối thiểu, khiến tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh vừa được khôi phục đều phải dừng ngay vì không có đầu ra. Hoạt động xuất, nhập khẩu có khả năng nối lại ở một số thị trường nhờ khống chế được dịch Covid-19 lập tức bị áp dụng thủ tục rất khắt khe đối với quốc gia có dịch. Nhưng hiện nay, Chính phủ đã có nhiều hơn thông tin về dịch tễ, cơ chế lây nhiễm cho nên việc khoanh vùng cách ly được xử lý vừa đủ để chống dịch mà vẫn có độ mở để kinh tế vận hành, không bị tác động quá lớn. Vì vậy, giải ngân đầu tư công vẫn có điều kiện để tăng tốc, trở thành động lực chính bù đắp cho tăng trưởng. Trong ba khâu đột phá này, đầu tư công vẫn đóng vai trò quan trọng nhất vì còn nhiều dư địa và chúng ta chủ động được. Đây cũng là vận dụng linh hoạt lý thuyết đầu tư nghịch vào điều kiện kinh tế Việt Nam: Khi nền kinh tế xuống dốc, Chính phủ với tư cách là người tiêu dùng lớn nhất phải thúc đẩy chi tiêu tập trung vào cơ sở hạ tầng, kéo theo hoạt động cung ứng vật tư, giải quyết nhiều việc làm, từ đó có thu nhập để tiêu dùng hàng hóa, kích thích hoạt động sản xuất. Khi kinh tế phát triển ổn định trở lại, Nhà nước rút dần để thị trường tự điều tiết. Còn thị trường trong nước có phục hồi tốt cũng chỉ hấp thụ được một phần tư tổng giá trị sản phẩm của nền kinh tế, trong khi thị trường xuất khẩu hoàn toàn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới.

PV: Dịch Covid-19 sẽ còn tiếp diễn phức tạp trong khi sức chống chịu của người dân và DN có giới hạn, vậy theo đồng chí cần có giải pháp gì để các gói hỗ trợ của Chính phủ đến tay người dân và DN nhanh hơn, hiệu quả hơn?

TS Nguyễn Đức Kiên: Mong muốn của chúng ta là hỗ trợ nhanh nhưng từ khi có chính sách vĩ mô đến triển khai thực hiện phải có độ trễ. Các gói hỗ trợ được triển khai thực hiện ở 63 tỉnh, thành phố và 24 bộ, ngành trong cả nước, mỗi nơi lại có đặc thù riêng. Sau gần bốn tháng thực hiện, Thủ tướng đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 42/NQ-CP và các Chỉ thị số 11/CT-TTg, Chỉ thị số 15/CT-TTg… để có định hướng tiếp tục thực hiện trong những tháng cuối năm. Điểm mới là Chính phủ thực hiện hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, như việc ban hành nghị quyết riêng về xử lý tài chính cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) với gói hỗ trợ cho vay cấp bù lãi suất 4.000 tỷ đồng thông qua ngân hàng thương mại (NHTM) và tăng vốn chủ sở hữu 8.000 tỷ đồng. Như vậy, trong trường hợp này, Chính phủ đã làm tốt hai việc, ở vai trò là cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ chung cho ngành hàng không thông qua cắt giảm, giãn hoãn thuế, phí và vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước tại DN để từ sự phục hồi của ngành hàng không lan tỏa sang các ngành kinh tế khác.

PV: Trong bối cảnh đầy bất định hiện nay, Chính phủ đã chuẩn bị những phương án như thế nào để ứng phó với những kịch bản xấu hơn, thưa đồng chí?

TS Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, phải khẳng định Chính phủ có đủ nguồn lực, đủ công cụ hỗ trợ cho DN, hỗ trợ nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Khi tình hình thay đổi, Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng kịch bản điều hành trên nền dịch bùng phát lần thứ hai với mục tiêu giảm sốc cho nền kinh tế nhằm chủ động kiểm soát tốc độ suy giảm. Chuẩn bị kịch bản để khi cần thiết có thể xin tăng bội chi bằng cách phát hành trái phiếu vay tiền để đầu tư công, tăng bảo lãnh gián tiếp của Chính phủ thông qua các NHTM, miễn thuế thu nhập DN (TNDN) năm 2020. Riêng về chính sách thuế, nếu miễn giảm thuế như thông lệ thì hiệu quả không cao vì DN nếu không sản xuất thì không có tiền nộp thuế để được miễn giảm. Do đó, rất cần một giải pháp mạnh mẽ hơn. Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất phương án tạm gọi là cho vay trước số tiền được hoàn thuế năm 2020 để DN có dòng tiền hỗ trợ thanh khoản. Thay vì DN nộp thuế rồi chờ được hoàn, chúng ta tạm tính số thuế DN phải nộp năm 2020 là mức trung bình của số thuế thực nộp trong hai năm 2018 - 2019. Từ đó tính toán tỷ lệ được miễn để cấp ngay cho DN khoản vay tương ứng. Đây là giải pháp chưa từng có tiền lệ, chúng tôi sẽ phải đánh giá thêm tính khả thi của chính sách dựa vào khả năng ngân sách quốc gia và tác động đến cộng đồng DN như thế nào. Mức độ bao phủ của chính sách có thể không lớn vì chỉ DN phát sinh thuế mới được vay tiền hoàn thuế. DN nộp thuế càng nhiều sẽ càng được vay nhiều, DN không nộp thuế thì không được cho vay, mà hiện nay chỉ có hơn 400 nghìn DN trong tổng số hơn 720 nghìn DN đang hoạt động có phát sinh nghĩa vụ thuế TNDN. Bù lại, hỗ trợ như vậy sẽ không dàn trải. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp cuối cùng, nếu làm được thì đây thật sự là một cuộc cách mạng. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Theo TÔ HÀ / Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều