Giấy Dó và vị thế trong văn hóa truyền thống của người Việt

(Mặt trận) - Mới đây, Trung tâm Quản lý văn hoá phổ cổ Hà Nội đã tổ chức toạ đàm chủ đề: “Dó Việt xưa - nay” tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm). Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa hướng tới tôn vinh các nghệ nhân, quảng bá các làng nghề có những hoạt động gắn bó với những phố nghề truyền thống của Hà Nội.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Buổi toạ đàm có sự tham gia của Họa sĩ Đào Ngọc Hân - Ủy viên BCH Hội Khảo cổ học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học ứng dụng; ông Lại Phú Thạch - đại diện dòng họ Lại ở Nghĩa Đô, nơi có nghề làm giấy Sắc phong; ông Nguyễn Phương Khánh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư phường Bưởi, đại diện BQL Di tích lịch sử Đông Xã, phường Bưởi; cùng một số nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử.

Giấy Sắc phong cho nhà vua phong công, phong thần, do làng nghề giấy ở Nghĩa Đô sản xuất.

Nghề làm giấy thủ công ở nước ta có lịch sử gần 900 năm, trong khi nghề làm giấy Sắc cho nhà vua phong công, phong thần thì mới có lịch sử hơn 300 năm. Giấy Dó xưa kia được sản xuất ở rất nhiều làng quê Bắc bộ như làng An Cốc (Hà Tây, nay là Hà Nội). Ở Hà Nội xưa có vùng Yên Hòa, Quan Hoa làm giấy Thô, Hồ Khẩu làm giấy Bản, An Đông làm giấy Quỳ, An Thái làm giấy Hội Phong, Trung Nha làm giấy Sắc… Ở Bắc Ninh có làng Đồng Cao, xã Yên Phong cũng chuyên sản xuất giấy.

Ông Lại Phú Thạch - đại diện dòng họ Lại ở Nghĩa Đô, nơi có nghề làm giấy Sắc phong lâu đời.

Tại buổi tọa đàm, ông Lại Phú Thạch, bậc hậu nhân của làng nghề giấy Sắc phong ở Nghĩa Đô bày tỏ mong muốn các cấp chính quyền có những biện pháp hữu hiệu để lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghề giấy Dó của cha ông để lại, khi mà dấu tích của nghề giấy Sắc phong ở Nghĩa Đô không còn lại nhiều, chỉ còn rất ít người biết được quy trình làm giấy Sắc phong. Bên cạnh đó, một số làng nghề làm giấy Dó khác cũng đã bị thất truyền, làng giấy Dó ở Bắc Ninh cũng chỉ còn vài nhà làm giấy Dó truyền thống.

Ông Nguyễn Phương Khánh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư phường Bưởi, đại diện BQL Di tích lịch sử Đông Xã, phường Bưởi phát biểu tại tọa đàm.

Nghề làm giấy vùng Bưởi xưa đã vinh dự được Nhà nước giao cho thực hiện sản xuất giấy Dó lụa, cung cấp cho nhà máy in, in Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bản Tuyên ngôn Độc lập. Ông Nguyễn Phương Khánh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận Khu dân cư phường Bưởi đã chia sẻ về những kỷ niệm trong câu chuyện này: “Năm 1946, khi đến thăm vùng sản xuất giấy ở Bưởi, Bác Hồ cho rằng vùng giấy Bưởi có loại giấy tốt, phù hợp để in tác phẩm Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du, bằng giấy Dó lụa. Sau khi Bác mất, các hợp tác xã ở vùng giấy Bưởi đã đồng loạt sản xuất giấy Dó lụa, mỗi hợp tác xã sản xuất 2 khẩu giấy và lựa chọn loại tốt nhất để in Tuyên ngôn Độc lập”.

Thư pháp lối Tây viết trên giấy Dó Việt.

Trong đời sống hiện đại, giấy Dó truyền thống đã bị lấn át bởi các loại giấy khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giấy Dó bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn trong mỹ thuật và dần lấy lại được vị thế trong văn hóa truyền thống của người Việt.

Qua buổi tọa đàm “Dó Việt xưa - nay”, công chúng được tìm lại những giá trị văn hóa đặc biệt của giấy Dó do cha ông để lại. Bởi vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu, chúng ta cần lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa, tôn vinh loại giấy truyền thống của đân tộc.

Quỳnh Như

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều