Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia kinh tế, các ngân hàng thương mại cần đẩy nhanh việc nới room tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Ngày 13/12, Báo Người Lao động đã tổ chức buổi toạ đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" để tìm ra những giải pháp về vốn cho doanh nghiệp.

 Vẫn vướng pháp lý

Theo ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hỏa tốc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn có độ trễ nên doanh nghiệp mong muốn từ chỉ đạo này, các ngân hàng thương mại sớm nới room tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, vượt qua khó khăn.

Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức nới room tín dụng từ 0,5 - 2%, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, vốn là "mạch máu" của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp hồi phục và phát triển sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là khả năng tiếp cận vốn rất hạn hẹp; nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, làm chậm tiến trình hồi phục, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ông Trương Tiến Dũng cũng cho biết, để cứu doanh nghiệp, ngành ngân hàng cũng cần nhanh hơn bởi doanh nghiệp đang trông chờ rất lớn vào các chính sách kịp thời của nhà nước. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn do không thể tiếp cận vốn, trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp lương thực thực phẩm, sản xuất hàng thiết yếu và hàng tiêu dùng.

Các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về vốn khi mở cửa khôi phục trở lại. 

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cả nước có khoảng 239 dự án condotel, officetel đang bị vướng với tổng giá trị khoảng 30 tỷ USD. Qua rà soát, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn vẫn là pháp lý. Trong khi đó, nhiều hồ sơ, công trình, dự án đang dở dang do trái phiếu doanh nghiệp chưa phát hành được. Do đó, việc nới room tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp "dễ thở" hơn. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho rằng, Chính phủ cần nhìn lại để thiết kế chính sách cho phù hợp hơn đối với doanh nghiệp. Cụ thể như gói hỗ trợ 2% lãi suất, rất ít doanh nghiệp được hưởng, được giải ngân. Hiện ba kênh vốn là ngân hàng, chứng khoán và trái phiếu đều tắc nghẽn, chỉ còn vốn tín dụng. Vì thế, các kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp này cần sớm được khai thông nhanh hơn để cứu doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Vốn không thiếu

Dưới góc độ ngành ngân hàng, ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, Agribank là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên luôn đặt yêu cầu an toàn lên hàng đầu. Do đó, trong cuộc đua lãi suất vừa qua, Agribank luôn thận trọng, lắng nghe và điều chỉnh những hạn chế, đáp ứng yêu cầu giảm lãi suất. "Ngay trong tháng 12 này, chúng tôi giảm 20% tổng số lãi phải trả cho khách hàng. Agribank sẵn sàng dùng nguồn lực nội tại để đóng góp vào việc hỗ trợ doanh nghiệp bớt khó khăn", ông Nguyễn Minh Trí nói.

Các doanh nghiệp tăng cường mở rộng sản xuất phục vụ thị trường Tết.

Tương tự, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, đến đầu tháng 12, ngân hàng đã giải ngân hơn 1,2 triệu tỉ đồng, tăng trưởng hơn 120.000 tỉ đồng (tương đương mức tăng khoảng 10,7% so với đầu năm). Lĩnh vực cho vay cả Vietinbank chủ yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, tín dụng xanh và lĩnh vực thiết yếu. Riêng về room tín dụng, mới đây Vietinbank được tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng, góp phần đáp ứng kịp thời về vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tập trung rà soát chi phí, tiết giảm chi phí tối đa để kiềm chế mức tăng lãi suất cho vay hiện nay. VietinBank sẵn sàng đồng hành, đi cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

Phân tích về định hướng điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngành ngân hàng khẳng định vốn tín dụng không thiếu vì room tín dụng 3,5 - 4% trong 3 tuần cuối năm 2022 là cực kỳ nhiều. Theo thống kê, tháng 12 hằng năm thường chỉ cần từ 2 - 2,2% room tín dụng. Thực tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung, khi doanh nghiệp có năng lực tài chính lành mạnh thì việc tiếp cận vốn rất khả thi.

Các doanh nghiệp đang triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho người lao động dịp Tết.

TS.Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, các đơn vị, ban ngành cần phải đánh giá đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp cứu doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Thực tế, dòng vốn chỉ là một trong những yếu tố mà hiện nay đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Theo khảo sát của Tổng cục thống kê, 100% doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về chi phí đầu vào, đứt gãy chuỗi giá trị, kể cả đầu ra và ở thị trường trong nước. Trong đó, khó khăn về vốn, lãi suất đang nằm ở thứ tự thứ 4, thứ 5. Do đó, khi bàn về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần phối hợp đồng bộ với những khó khăn hàng đầu như: nguồn lực lao động, nguồn nguyên liệu... để có thể hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp. 

Ngoài ra, quan trọng nhất vẫn là phải phối hợp đồng bộ các chính sách chung và lựa chọn nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua tăng tín dụng cho nền kinh tế hoặc chọn giải pháp lãi suất cho vay không quá cao. Tuy nhiên, khi nới lỏng tiền tệ thì phải đối phó với nguy cơ lạm phát. Do đó, TS.Vũ Đình Ánh cho rằng cần lưu ý kiểm soát lạm phát vì sẽ liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách thuế, chính sách vĩ mô...

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Theo Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều