Hiệu quả từ công tác “Dồn điền đổi thửa” tại xã Bình Dương, thị xã Đông Triều

(Mặt trận) - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cán bộ và nhân dân xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác “Dồn điền đổi thửa”, kết hợp canh tác giống khoai tây Atlantic, làm cơ sở phát triển kinh tế địa phương. Nhờ thực hiện bài bản, kinh tế xã Bình Dương trong 5 năm qua đã có sự phát triển vượt bậc, từ đó đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, từng bước đưa Bình Dương trở thành xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu.
 

Xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Trung tâm truyền thông tỉnh  Quảng Ninh

Đối với công tác “Dồn điền đổi thửa”, trước đây mỗi hộ nông dân trong xã có từ 3 đến 5 thửa ruộng, phân bố tại nhiều nơi, thì nay người nông dân trao đổi và “gộp” ruộng lại, mỗi hộ chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng với diện tích từ 1.000m2 trở lên. Nhờ “Dồn điền đổi thửa”, người dân địa phương đã chuyển từ hình thức canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng hệ số quay vòng đất lên đến 2,5 lần. Không chỉ vậy, xã Bình Dương còn áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giúp người dân giảm thiểu sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.  

 

Nông dân thu hoạch vụ lúa 2. Ảnh: Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh

Công tác “Dồn điền đổi thửa” cũng mang lại những giá trị xã hội nhất định, như làm thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi tập quán canh tác tự do truyền thống, nông dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tập trung, giúp hạn chế sâu bệnh, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước và giảm chi phí cho người dân. Những cơ sở hạ tầng như đường xá, mương máng dẫn nước,… đều được đầu tư nâng cấp để phục vụ cho sản xuất.

 

Xây dựng hệ thống đường xá thuận tiện cho canh tác ở “Cánh đồng mẫu” xã Bình Dương. Ảnh: Thùy Dương

Chia sẻ về những thuận lợi trong công tác “Dồn điền đổi thửa”, ông Nguyễn Đình Thọ, Trưởng thôn Bắc Mã 1, thuộc xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, (ông là một nông dân được mệnh danh “Làm kinh tế giỏi nhất thôn”) cho biết: “Những thiết bị phục vụ cho cơ giới hóa như máy cày, máy gặt, máy thu hoạch khoai tây phục vụ sản xuất nông nghiệp nhà tôi đều sắm đầy đủ cả. Những cơ sở hạ tầng về đường đi hay mương nước cũng đều được nâng cấp lên, xây dựng thật đẹp để thuận tiện cho canh tác của bà con.”

 

Ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thùy Dương

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, nông dân tại thôn Bắc Mã 1, xã Bình Dương chia sẻ thêm: “Hiện tại chúng tôi canh tác đa số bằng cơ giới, máy móc hết. Ruộng nhỏ thì rất khó cho việc cày bừa bằng máy móc. Thế nhưng bây giờ nhờ “dồn điền đổi thửa” nên việc canh tác của chúng tôi thuận lợi hơn, ruộng to dễ làm hơn. Những người không có điều kiện để trồng cây vụ Đông người ta nhận khu ruộng dưới, còn những nhà có điều kiện để phát triển vụ Đông thì họ lại nhận ruộng trên canh tác”.

 

Ảnh: Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh

Về phát triển kinh tế cho người nông dân, ông Nguyễn Văn Nhu, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Phát triển kinh tế hiện đang là nhiệm vụ được tập trung hàng đầu của xã. Ngoài 2 vụ lúa còn phát triển vụ Đông, mà năm 2019 chúng tôi đang thực hiện gần 200ha trồng trọt, trong đó có khoai tây Atlantic là hơn 100ha, sản lượng đạt gần 1.500 tấn. Sang đến vụ Đông 2020 tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng khoai tây.”

 

Ảnh:Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh

Trong công tác “Dồn điền đổi thửa”, xã Bình Dương tập trung vào sản xuất 3 vụ lớn là 2 vụ lúa chính và 1 vụ Đông trồng khoai Atlantic. Việc đẩy mạnh trồng khoai tây Atlantic cho vụ Đông là hướng để địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện kinh tế. Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, diện tích trồng khoai Atlantic của xã Bình Dương đạt hơn 100ha, sản lượng ước đạt trên 1.500 tấn, sau 3 tháng canh tác đã mang về thu nhập khoảng 45 triệu đồng/ha cho người nông dân.

 

Cánh đồng khoai tây Atlantic của nông dân xã Bình Dương. Ảnh: Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh

Có thể nói, chủ trương “Dồn điền đổi thửa”, cùng với việc phát huy vai trò chủ thể của người nông dân, đã giúp kinh tế xã Bình Dương có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân cải thiện. Sự đồng lòng từ chính quyền và người dân là cơ sở để kinh tế phát triển bền vững, nông thôn mới phát huy được bền lâu.

Thùy Dương

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều