Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ: Chưa có sự nhìn nhận đa chiều và khách quan

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ là dựa vào các tiêu chuẩn của nhà nước Hoa Kỳ, mà chưa có những xem xét cho phù hợp cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam.
 Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Việt Nam không chủ trương phá giá đồng tiền

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc gắn mác Việt Nam thao túng tiền tệ là một việc làm mang tính chủ quan, đơn phương từ phía Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Việc này chưa nhìn nhận đa chiều và chưa xét đến đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam cũng như những khuyến cáo của các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam. Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển nhanh, độ mở cao, cần thiết phải có các công cụ (phù hợp thông lệ quốc tế) cho phát triển kinh tế bền vững, an toàn, có khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

Theo Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ", Bộ Tài chính Hoa Kỳ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng 3 tiêu chí sau: thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính Hoa Kỳ xác định Việt Nam là thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, có nhiều điểm cần làm rõ liên quan tới cả ba tiêu chí nói trên của Hoa Kỳ.

Về việc thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam. Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu trong hơn 30 năm qua phản ánh quá trình chuyển đổi của nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, với đặc trưng chi phí nhân công rẻ, thâm dụng lao động, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên, dẫn tới giá hàng hoá xuất đi rất rẻ. Do đó, TS Trương Văn Phước cho rằng nếu nói những vấn đề đó là do Việt Nam đưa tỷ giá vào để cho hàng hóa của Việt Nam rẻ hơn là không phải.

Về cán cân vãng lai - gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, đặc biệt là kiều hối. Những năm gần đây, Việt Nam xuất siêu nhưng không lớn khoảng 5 đến 10 tỷ đô  la Mỹ (USD)/năm, riêng năm 2020 hơn 20 tỷ USD. Cán cân vãng lai của Việt Nam chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về. Kiều hối chuyển về là yếu tố khách quan không phải do tỷ giá cao hay thấp mà người Việt tại nước ngoài chuyển tiền về cho người thân. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí Hoa Kỳ quy định mức 2% GDP.

Còn về can thiệp thị trường ngoại hối, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối. Hiện nay pháp luật ngoại hối Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Nhà đầu tư chuyển ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Các nhà xuất khẩu hay nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng. Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc.

Một vấn đề nữa, phía Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đã mua ngoại hối để can thiệp nhằm định ra giá trị đồng tiền dưới giá trị thật. Về vấn đề này cần phải giải thích rõ hơn với Hoa Kỳ về mức ngang giá tiền tệ của tiền đồng Việt Nam so với đô la Mỹ. 

Mức ngang giá tiền tệ phục thuộc chủ yếu vào mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với các đối tác thương mại chính, nhất là với Hoa Kỳ. Trên thực tế, trong suốt những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4%, có năm lên 5%. Còn tỷ giá vẫn giữ mức tăng 1%-1,5%, có năm lên 2%, so với lạm phát thì rõ ràng tỷ giá vẫn tăng thấp hơn. Về phương diện tiền tệ thuần túy thì không có khái niệm phá giá, đặt ra tỷ giá thấp hơn giá trị mà thậm chí đồng Việt Nam còn trên giá trị thực.

"Đây là những yếu tố cho thấy Việt Nam không thao túng tiền tệ", TS Trương Văn Phước nói.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc điều hành tỷ giá những năm qua của Ngân hàng Nhà nước trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Trái với nhận định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thực tế trong 3 năm (2017-2019), giá trị thực của đồng Việt Nam theo tính toán của Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thì tăng khoảng 2,6%. Theo đó, cán cân thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ có thể bị tác động tiêu cực do đồng Việt Nam tăng giá so với đô la Mỹ  trong 3 năm 2017-2019, chứ không hẳn là tạo lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam. Vì vậy, việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ khẳng định đồng Việt Nam bị định giá thấp có tạo ra lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam cần phải được xem xét kỹ lưỡng và chính xác hơn.

Bên cạnh đó, thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của rất nhiều yếu tố liên quan tới đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. đồng Việt Nam giảm giá không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu do đặc thù cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Đó là xuất khẩu nhiều thì cũng đồng nghĩa với nhập khẩu nhiều. Điều này là do hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam do khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) chi phối. Khối này chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu, 59% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2017-2019 (theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê Việt Nam). Theo đó, để sản xuất hàng xuất khẩu, do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu, nên khối doanh nghiệp FDI vẫn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào cho dù tỷ giá đồng Việt Nam được điều chỉnh tăng hay giảm.

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối (vốn ở mức thấp) so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, chứ không phải là tạo lợi thế thương mại.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam cuối năm 2019 chỉ ở mức tương đương 3,5 tháng nhập khẩu (cao hơn một chút so với mức khuyến nghị tối thiểu 3 tháng nhập khẩu của IMF), thấp hơn nhiều so với mức 5 tháng nhập khẩu của Singapore, 8 tháng của Philippines, Hàn Quốc hay 9 tháng của Thái Lan và 14 tháng của Trung Quốc.

Do đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng chưa bao giờ Việt Nam có chủ trương phá giá đồng tiền để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu mà việc xuất siêu sang Hoa Kỳ bản chất do cơ cấu thương mại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố; trong đó có các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, khi Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách này sẽ có nhiều rủi ro như sự phân biệt đối xử trong việc áp thuế, cũng như định giá hàng hóa khi đưa vào thị trường Hoa Kỳ.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, theo Đạo luật xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ đệ trình báo cáo lên quốc hội Hoa Kỳ, tiến hành các cuộc thương lượng giữa cơ quan chức năng Việt Nam và Hoa Kỳ để thống nhất và thực hiện các giải pháp chung nhằm cân bằng hơn cán cân thương mại và một số yêu sách cụ thể khác.

Nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung, phía Hoa Kỳ mới có thể tìm đến các biện pháp cứng rắn hơn. TS Cấn Văn Lực cho rằng khả năng này khó xảy ra trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam cũng không thể chủ quan mà cần có kịch bản ứng phó.

TS Cấn Văn Lực đã đề xuất một số giải pháp ứng phó như đẩy nhanh tiến độ cân bằng hơn cán cân thương mại với Hoa Kỳ do vấn đề cốt lõi mà Hoa Kỳ quan tâm là giảm thâm hụt thương mại với các nước hơn chỉ là vấn đề tiền tệ thuần túy. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Hoa Kỳ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, vận tải, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vắc xin phòng chống COVID-19…

Đồng thời, Việt Nam tăng cường phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ và các Hiệp định thương mại tự do khác cũng như hành vi trốn thuế...

TS Trương Văn Phước cũng tin rằng chính quyền Hoa Kỳ sẽ lắng nghe tiếng nói từ phía Việt Nam và những người hiểu biết lĩnh vực thương mại, tỷ giá hối đoái để thấy rằng Việt Nam không có chủ đích phá giá tiền tệ. Qua quá trình đối thoại, tranh luận, đặc biệt Việt Nam cũng được sự ủng hộ của chuyên gia kinh tế uy tín tại Hoa Kỳ, họ sẽ có cái nhìn chiều sâu hơn trong câu chuyện này.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Tại cuộc họp vào chiều ngày 18/12 vừa qua về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Theo Thùy Dương - Mai Phương (TTXVN)

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều