JVE tiếp tục đề xuất tài trợ miễn phí xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản

(Mặt trận) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) vừa có đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn (khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn) bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản. Trước đó, JVE cũng đã đưa ra đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh.

Bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội) đang là vấn đề nóng trong suốt thời gian dài vừa qua. Mới đây, khoảng 20 người dân thuộc xã Hồng Kỳ, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) đã mang bàn ghế, căng bạt để chặn đường vào 2 cổng của khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Việc này khiến số tuyến phố của Hà Nội ngập trong rác và bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường bởi xe chở rác không thể vào được bãi rác Nam Sơn.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho biết: "Từ thực trạng đời sống của người dân, công tác bảo vệ môi trường chúng tôi mong muốn giúp những người dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn nói riêng được sống trong bầu không khí trong lành hơn và giúp cho Thủ đô Hà Nội nói chung giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường gây bức xúc, tồn tại nhiều năm qua mà chưa được giải quyết triệt để".

Từ thực trạng này, JVE Group đã gửi lãnh đạo Thành phố Hà Nội về đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.

 Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt.

Theo đó, JVE sẽ áp dụng công nghệ sục khí Nano của Nhật Bản (công suất của loại máy nano dự kiến sử dụng lớn gấp 5 lần công suất của máy nano đã lắp đặt thí điểm tại sông Tô Lịch) lắp đặt trực tiếp vào các ô chứa nước rỉ rác, hồ sinh học với số lượng hợp lý để đưa lượng lớn các bọt khí siêu nhỏ kích thước micro và nano "lặn" xuống để phân hủy tận gốc các khí gây ra mùi hôi thối như khí Hydro Sunfua H2S (mùi trứng thối), khi Amoniac NH3(mùi khai), CH4,...trong các ô nước rỉ rác.(Chi tiết sẽ báo cáo tại buổi làm việc)

Đại diện chuyên gia kỹ thuật của JVE Group cho biết: Không phải cứ sục khí đưa oxy vào bằng máy sục khí thông thường là khử được mùi hôi thối mà mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta đưa oxy vào nhưng oxy đó phải tồn tại lâu được trong nước và dưới tầng đáy thì mới phân hủy được các khí gây ra mùi ở trên.

 So sánh giữa sục khí thông thường và sục khí nano Nhật Bản

Khi sục khí thông thường sẽ tạo ra bọt khí to (đường kính từ 1~2mm) chỉ tồn tại khoảng 5 giây là nổi lên mặt nước và vỡ ra. Bọt khí oxy thông thường không tồn tại được lâu trong nước và ở dưới đáy được nên không gặp và không phản ứng được với các khí gây ra mùi thôi hối trong nước rỉ rác. Do vậy, nếu sử dụng máy sục khí thông thường (như tại một địa phương ở miền Trung đã làm tại một hồ) thì càng sục càng bốc mùi hôi thối vì các khí độc chưa bị phân hủy và và bay lên.

Đối với sục khí nano sẽ tạo ra đồng thời 2 loại bọt khí siêu nhỏ kích thước micro, bọt khí nano của Nhật Bản sẽ “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy, và thời gian “lặn” 1 lần của bọt khí nano khi sục khí tối thiểu là 8 tiếng tức thời gian “lặn” vào trong nước và xuống tầng đáy dài hơn bọt khí thông thường là 5.760 lần, do vậy hiệu quả mùi hôi thối được xử lý rất nhanh trong thời gian ngắn bởi khi “lặn” và tồn tại lâu trong nước và tầng đáy thì nó gặp và phân hủy tức thì các khí độc như H2S(mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4, do vậy hiệu quả xử lý mùi rất nhanh và càng sục nano càng hết mùi hôi thối.

Về nguyên lý, bong bóng siêu nhỏ được tạo ra từ máy sục khí công nghệ Nano của Nhật Bản trong nước sẽ xuất hiện sóng xung kích (bong bóng âm thanh) được gọi là sóng siêu âm. Những lỗ rỗng này trở thành bong bóng chứa đầy hơi nước hoặc khí. Các bong bóng phình ra trong giai đoạn giãn nở và co lại trong giai đoạn nén, cho đến khi chúng bị nổ tung. Hiện tượng này được gọi là khí xâm thực, một quá trình diễn ra trong điều kiện đặc biệt (quá trình đoạn nhiệt).

Ở quy mô vi mô, với áp suất là 500 bar và nhiệt độ 5.000°C xảy ra hiện tượng này. Theo đó, công nghệ nano của Nhật Bản với nguyên lý tạo ra sóng siêu âm, bắn phá điện li phân tử nước tạo ra các gốc hydroxyl (•OH). Điện thế oxy hóa khử (Redox Potential) của gốc tự do OH* hay •OH là mạnh hơn cả Ozone (O3) và Hydrogen Peroxide (H2O2) lần lượt tương ứng là 2,8V, 2,07V và 1,78V. Vì điện thế oxy hóa khử (Redox Potential) của gốc tự do hydroxyl (OH* hay •OH ) cao nhất bằng 2,8V, chỉ kém F(=3,01V) nên gốc tự do hydroxyl phá hủy hầu như mọi vật chất mà nó gặp, từ chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học cho đến cả các chất hữu cơ khó bị phân hủy sinh học bằng cách phá hủy thành tế bào, sau đó vi sinh vật được kích hoạt và "ăn" chất ô nhiễm hữu cơ, diệt vi khuẩn... Như vậy, gốc tự do hydroxyl mạnh về cường độ tương tác, tức ái lực tương tác cao nhất trong các loại chất oxy hóa mà người ta thường dùng để xử lý ô nhiễm môi trường hay tiêu diệt vi khuẩn...

JVE Group cho biết, sẽ áp dụng tổng hợp việc phun rải nước nano cùng vật liệu bio (được tinh chế từ nham thạch đá núi lửa Nhật Bản, không phải hóa chất nên không tan và không bị tiêu hao) lên khu bãi chôn lấp để phân hủy các chất hữu cơ, khí độc gây ra mùi hôi thối, hiệu quả lâu dài, bền vững và thân thiện với môi trường do không phải sử dụng hóa chất.

PV

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều