Khẳng định vai trò của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế

(Mặt trận) - Tham gia buổi Tọa đàm "Kết hợp kinh tế với quốc phòng-nhiệm vụ chiến lược, lâu dài" do Báo Quân đội nhân dân tổ chức, nhiều đại biểu đã bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, làm rõ hơn vai trò của quân đội với nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu một số ý kiến tại buổi tọa đàm.

>> Kết hợp kinh tế với quốc phòng vì sự phát triển đất nước và lợi ích của nhân dân

* Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ:

Quân đội làm kinh tế góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia

Với một cách tiếp cận biện chứng, chúng ta luôn luôn gắn nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước là một. Không thể xây dựng được nếu không bảo vệ được đất nước. Ngược lại, không thể bảo vệ được đất nước nếu không có sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, hai mặt này bổ sung cho nhau. Ngoài ra, không phải hai nhiệm vụ này song song phát triển mà trong từng giai đoạn có sự ưu tiên, có sự thay đổi, điều chỉnh theo từng thời kỳ. Trong chiến tranh thì nhiệm vụ bảo vệ là số một, trong thời bình thì xây dựng là nhiệm vụ trung tâm bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ. Quân đội cũng là bộ phận của dân tộc thì không thể không tham gia. Đảng ta đã đưa quan điểm kết hợp kinh tế và quốc phòng; kinh tế, quốc phòng và an ninh vào văn kiện có ý nghĩa chiến lược lâu dài, đó là Cương lĩnh của Đảng và điều này cũng đã được ghi trong  Hiến pháp năm 2013.

 Đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ.

Tôi có thể chỉ rõ mục đích tích cực khi quân đội làm kinh tế. Đó là gia tăng sức mạnh của bản thân quân đội, gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia; từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua kinh tế quốc phòng; đồng thời góp phần tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt, con người, vật chất, trí tuệ...

Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, quân đội phải tuân thủ những nguyên tắc trong việc thực hiện kinh tế quốc phòng này. Cụ thể, đóng góp cho tiềm lực đất nước không chỉ thông qua hoạt động kinh tế của doanh nghiệp quân đội mà bản thân hoạt động đó còn góp phần thuận lợi cho sự phát triển kinh tế đất nước. Nguyên tắc tiếp theo là nhiệm vụ bảo vệ vẫn phải giữ vững hàng đầu trong kết hợp với nhiệm vụ kinh tế. Trong làm kinh tế thì sản xuất là chính, kinh doanh ít hơn, tức là có chọn lọc; yếu tố chính trị luôn phải được coi trọng hơn lợi ích kinh tế. Ngoài ra, quân đội gánh vác những nhiệm vụ chính trị-xã hội mà không ai làm được. Doanh nghiệp quân đội làm những việc mà doanh nghiệp tư nhân không làm, thậm chí doanh nghiệp nhà nước cũng không làm.

Tiếp theo, tôi xin nhấn mạnh, quân đội làm kinh tế phải trong khuôn khổ luật pháp Nhà nước. Tuy nhiên, vì tính đặc thù của quân đội, không thể áp dụng toàn bộ kinh tế thị trường cho hoạt động kinh tế của quân đội. Phải xây dựng thể chế đa dạng cho từng đơn vị quân đội làm kinh tế...

Theo tôi hình thức quân đội nên tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là gì? Đó là để phục vụ trước hết cho nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, đồng thời phát huy tính lưỡng dụng. Quân đội ta nên nghiên cứu để tận dụng thành tựu công nghiệp quốc phòng sang công nghiệp dân sự, để tận dụng thành tựu của công nghiệp dân sự sang công nghiệp quốc phòng. Sự kết nối này sẽ tăng sức mạnh cho nền kinh tế rất nhiều. Bên cạnh đó, liên doanh, liên kết với dân dụng cả trong nước và nước ngoài. Để quân đội tham gia sản xuất kinh doanh có hiệu quả, theo tôi cần lưu ý một số vấn đề như: Để tạo sự đồng thuận toàn xã hội thì nên có một nghị quyết của Bộ Chính trị và nên tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội. Thứ hai, phải có tổng kết rất căn cơ trong 30 năm đổi mới, chủ trương này thế nào, quân đội làm kinh tế đã giải quyết được những gì, còn hạn chế như thế nào? Để có căn cứ triển khai. Đặc biệt, phải xây dựng một bộ thể chế riêng cho công nghiệp quốc phòng, đây không phải là những ưu ái mà là lĩnh vực đặc thù.

Vũ Dung (ghi)

* GS, TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương:

Chủ trương thể hiện sự tiếp nối truyền thống, phù hợp với quy luật

Quân đội nhân dân Việt Nam với danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Lời dạy đó sẽ luôn trường tồn, ngày càng được soi sáng bởi tư duy mới, tư duy hiện đại khi chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là hội nhập kinh tế.

GS, TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. 

Nhìn vào lịch sử, triết lý ông cha ta là "ngụ binh ư nông", quân đội ở trong dân, lúc cần thiết thì tham gia chiến đấu, vào thời bình tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gắn với cơ sở xã hội, xây dựng mối quan hệ quân-dân. Như vậy, vấn đề quân đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng là sự tiếp nối truyền thống dân tộc, phản ánh một quy luật là dựng nước đi liền với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ.

Từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc  Mỹ xâm lược, đã khẳng định vai trò của quân đội, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc cũng như dấu ấn lịch sử về sản xuất, phát triển kinh tế. Trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh. Quân đội đã xây dựng các lâm trường, nông trường, các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, rồi sau đó trở thành nòng cốt trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên quốc phòng, đáp ứng được không chỉ nhu cầu của quân đội mà còn trong đời sống dân sự. Đóng góp này rất đáng được tôn vinh.

Hiện nay, câu chuyện thời sự đặt ra là, tổ chức lại, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong đó, liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp quân đội. Điều này chỉ là nhằm thực hiện vai trò kinh tế chủ đạo của Nhà nước, hoàn thiện nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN chứ không có nghĩa là quân đội không làm kinh tế nữa mà ngày càng phải làm tốt hơn. Đặc biệt, cần phải mang sức mạnh của khoa học công nghệ như động lực cốt lõi vào sự phát triển để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cùng với số lượng, tốc độ tăng trưởng thì mới có điều kiện để cải thiện đời sống nhân dân, phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay.

Tôi cho rằng những biến đổi của lịch sử qua thời gian cho ta cảm nhận Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều điểm sáng giá, nhiều nét đặc thù, vì sinh ra từ nhân dân, từ yêu cầu phát triển của đất nước, dân tộc, sinh ra từ di sản cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là động lực tinh thần rất lớn cho quân đội. Chúng ta khẳng định mối quan hệ giữa kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân. Hiện nay, chúng ta càng có cơ sở tin cậy khi nghiên cứu vai trò của quân đội là lực lượng sản xuất.

Sau 30 năm đổi mới, từ thực tiễn, Đảng ta rút ra những mối quan hệ lớn trong phát triển. Trong đó, quan hệ kinh tế với quốc phòng, quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ rất được nhấn mạnh, có thể nói là cơ sở, nền tảng để quân đội tiếp tục sứ mệnh vừa tham gia sản xuất vừa tham gia phát triển kinh tế cùng với trọng trách lịch sử không bao giờ bị xem nhẹ là chức năng chiến đấu. Không phải ngẫu nhiên đến Đại hội 12, Đảng ta mở rộng nội dung xây dựng chỉnh đốn Đảng, là xây dựng Đảng về văn hóa, trong đó có công tác dân vận. Bởi có dân thì có tất cả, mất dân thì mất hết. Không có lực lượng nào ở nước ta có truyền thống, kinh nghiệm làm dân vận tốt như bộ đội. Những điều đó cho thấy cơ sở để tiếp tục tư tưởng quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế có rất nhiều thuận lợi. Quân đội có lực lượng đông đảo, có tính kỷ luật chặt chẽ; trình độ học vấn, tri thức khoa học công nghệ không ngừng được nâng cao. Bộ đội ta mang danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, sẽ là nhân tố bảo đảm cho chúng ta tránh được tiêu cực, tha hóa xảy ra trong điều kiện tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường. Bởi vì quân đội với truyền thống vẻ vang có đủ khả năng, tiềm lực để bảo đảm sự phát triển kinh tế lành mạnh trên cơ sở chính trị, đạo đức. Tức nói rộng ra là văn hóa quân sự, văn hóa quân đội, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nếu không có sự tham gia của quân đội trong sản xuất, phát triển kinh tế sẽ khó có thể hoàn thành được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, càng khó thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Mạnh Hưng (ghi)

* Thiếu tướng, Tiến sĩ Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng):

Nơi nào cũng có dấu ấn, công sức của lực lượng quân đội

Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thực hiện một trong ba chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân được Đảng và Nhà nước giao là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất”.

Nhìn lại lịch sử thành lập quân đội cho thấy, quân đội thành lập khi chưa có chính quyền. Ngay từ khi mới ra đời, quân đội ta phải mang tinh thần tự lực, tự cường, lấy sức mình để lao động sản xuất, tự nuôi mình, từ đó vận động nhân dân làm cách mạng, chiến đấu để giành độc lập, giải phóng đất nước. Sau khi đất nước thống nhất, quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi khó khăn gian khổ, các công trình trọng điểm quốc gia nơi nào cũng có dấu ấn, công sức của lực lượng quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Võ Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng). 

Trong điều kiện cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có ý kiến cho rằng, quân đội có nên tiếp tục tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế nữa hay không. Theo tôi, những lý do sau đây khẳng định: Quân đội cần tiếp tục tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Đầu tiên, đất nước ta từ xưa tới nay việc dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, và ngày nay chúng ta thực hiện song hành hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược này thì phải kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là vô cùng cần thiết. Lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là một nội dung quan trọng để quân đội thực hiện việc kết hợp này.

Thứ hai, với đường biên giới đất liền dài hơn 4.500km, đường biển hơn 3.200km, đời sống của bà con nhiều nơi còn khó khăn, lạc hậu, có nơi còn “trắng dân”, “trắng chính quyền”, “trắng đảng viên”. Do đó, để bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia cần có quân đội đứng chân trên những vị trí chiến lược của các tuyến này. Với nhiệm vụ đưa dân ra sinh sống, xây dựng kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế địa phương. Thông qua việc này tạo nên thế trận lòng dân, vận động nhân dân tạo nên thế trận, chiến lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng an ninh của quốc gia, tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc. Quân đội đã thành lập các đoàn kinh tế quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện nay, nhiều cơ sở công nghiệp quốc phòng được Nhà nước đầu tư hiện đại, bảo đảm tương đối cho nhu cầu phục vụ thời chiến. Nhưng trong thời bình các cơ sở này chỉ phát huy được 20-30% công suất. Do đó cần phải kết hợp sản xuất hàng dân dụng, tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời tạo nguồn thu nuôi dưỡng tiềm lực quốc phòng. Ngoài ra, khi quân đội có sản phẩm công nghệ cao phục vụ quân đội thì cũng đưa sản phẩm ra phục vụ dân sinh, cũng là thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia phát triển; từ đó tái đầu tư để nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ mới.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý cho tốt, cho chặt chẽ, ngăn chặn được mặt trái của kinh tế thị trường, không có lợi ích nhóm, không có tiêu cực trong hoạt động này. Khi làm kinh tế có hiệu quả sẽ làm tăng tiềm lực quốc phòng, thực tế cũng đã chứng minh điều đó.

Nam Trực (ghi)

* TS Nguyễn Minh Phong, Phó vụ trưởng-Phó ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân:

Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế - cần làm và cần cách làm đúng

Việc quân đội tham gia làm kinh tế hiện nay là cần thiết và có tính hai mặt, vấn đề là xác định mục tiêu và cơ chế cần có phù hợp với mỗi thời kỳ thực tế, tránh cực đoan, một chiều và sự lạm dụng, “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Cần có cái nhìn biện chứng và lịch sử đối với cụm từ “tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” và vai trò quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế.

 TS Nguyễn Minh Phong, Phó vụ trưởng-Phó ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân.

Ở vị trí địa chính trị như nước ta thì việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là không thể tránh khỏi và tồn tại ở những dạng thức khác nhau trong suốt quá trình lịch sử. Thời chiến, mục tiêu lớn nhất của quân đội và cả nước là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam vẫn cần quân đội sản xuất, xây dựng kinh tế, tức là tham gia sản xuất, tự cung tự cấp một phần lương thực và một số sản phẩm khác, góp phần “ăn no, đánh thắng”. Thời kinh tế thị trường, nội dung và tính chất quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã và đang có sự mở rộng cùng với sự phát triển nền kinh tế và các thể chế thị trường...

Quan điểm “Quân đội không tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế vì như thế sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội” e rằng là một quan điểm có phần đơn giản. Ai đó phản biện lại rằng: Nếu quân đội làm kinh tế một cách công bằng, minh bạch, lành mạnh, đúng luật, để có thêm tiền bổ sung vũ khí hiện đại và trang bị hậu cần, cải thiện chất lượng khẩu phần, tăng sức quân… chả lẽ lại làm quân đội yếu đi sao? Nhất là trong bối cảnh chi cho quốc phòng còn hạn chế do trần nợ công và cân đối ngân sách nhà nước đang và sẽ tiếp tục căng thẳng. Mà nhu cầu chi tiêu quốc phòng, mua sắm và bảo dưỡng vũ khí hiện đại ngày nay ngày càng tốn kém.

Hơn nữa, những khu vực biên giới, nơi người dân còn nghèo và không có DN tư nhân hay DN nhà nước đầu tư thì sự hiện diện và vai trò hoạt động kinh tế-quốc phòng của quân đội là không thể thiếu được. Rồi kinh tế biển ở Việt Nam, có tầm quan trọng chiến lược về cả kinh tế và quốc phòng, sao lại không để quân đội kết hợp các hoạt động quốc phòng với hoạt động kinh tế để góp phần củng cố an ninh quốc gia. Đặc biệt, những lĩnh vực mà các DN quân đội có lợi thế cao như: Ngành đóng tàu, công nghiệp hỗ trợ và chế tạo cơ khí chính xác, công nghệ thông tin và viễn thông, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao…. cũng cần có sự kết hợp quốc phòng với kinh tế. Thực tế cho thấy, quân đội làm kinh tế không phải là mới, nhưng trong bối cảnh hiện nay lại đòi hỏi tư duy mới, nội hàm mới, mục tiêu mới và cơ chế quản lý mới, phù hợp… Những mô hình doanh nghiệp quân đội hoạt động hiệu quả, như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), hay Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn là biểu hiện và minh chứng cho tư duy mới, cách làm mới đúng đắn đó...

Bảo Ngọc (ghi)

* Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel):

Thành công của Viettel chứng tỏ quân đội làm kinh tế hiệu quả

Những thành tựu, kết quả thực tiễn to lớn của quân đội nói chung, Viettel nói riêng đã khẳng định chủ trương của Đảng về quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là đúng đắn và cần tiếp tục duy trì.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

Viettel ra đời trong công cuộc đổi mới, có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh viễn thông, công nghệ thông tin, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh (QPAN). Năm 1989, khi bắt đầu khởi nghiệp, Viettel nhỏ bé với số vốn khoảng 2,4 tỷ đồng và 100 người. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, hành trang quý giá nhất của Viettel là khát vọng của cán bộ công nhân viên; kỷ luật của người lính. Chính hai yếu tố này tạo nên Viettel ngày hôm nay. So với năm 2000, doanh thu của Viettel tăng 5.000 lần. Năm 2016, doanh thu của Viettel đạt 227.000 tỷ đồng, lợi nhuận 39.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 31.000 tỷ đồng. Hiện nay, Viettel đã có mặt tại 10 nước trên thế giới và đứng đầu nộp ngân sách ở Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Đối với doanh nghiệp cùng ngành, lợi nhuận gấp khoảng 10 lần. Đặc biệt, qua nhiều lần kiểm toán, thanh tra, Viettel luôn được đánh giá là mô hình quản lý tiên tiến, đặc biệt quản lý về tài chính, nguồn nhân lực, mô hình tinh gọn, minh bạch, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin.

Những kết quả đạt được của Viettel chứng tỏ quân đội làm kinh tế rất hiệu quả, thành công. Với những thành công đó, Viettel có vai trò quan trọng đối với hoạt động quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Viettel đã xây dựng hạ tầng mạng lưới hiện đại nhất Việt Nam, phủ sóng tới tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới Viettel là mạng thường trực thứ hai của quân đội, là mạng lưỡng dụng kinh tế và QPAN. Hệ thống mạng lưới Viettel phủ sóng biên giới, hải đảo khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Ở những nơi đó, Viettel thực hiện với nhiệm vụ QPAN, an sinh xã hội, phi lợi nhuận.

Thứ hai, Viettel tiên phong trong nghiên cứu KHCN phục vụ QPAN. Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục đào tạo và KHCN là quốc sách hàng đầu. Viettel có tiềm lực kinh tế, tự chủ được kinh tế nên có thể đầu tư nghiên cứu ra sản phẩm sử dụng được trong thực tế. Phải khẳng định rằng, nếu không làm kinh tế thì chắc chắn Viettel không thể có nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Đồng thời, Viettel hoạt động trong dân sự, được tiếp xúc với nhiều đầu mối, tiếp xúc công nghệ hiện đại nên Viettel đang chuyển những công nghệ tiên tiến nhất của dân sự vào làm quân sự. Nếu một doanh nghiệp không có vai trò lưỡng tính như vậy thì chắc chắn không làm được. Chúng ta đi khắp thế giới, cũng chẳng có quốc gia nào chuyển giao công nghệ quân sự cho nước khác, do đó chúng ta phải tự nghiên cứu và chuyển giao.

Hiện nay, Viettel đã sản xuất và trang bị cho quân đội những máy thông tin, ra-đa tác chiến điện tử, đây là những sản phẩm mà trước đây quân đội phải nhập khẩu, hằng năm đã tiết kiệm cho quân đội rất nhiều. Ngoài ra, Viettel cũng làm rất nhiều công cụ để bảo đảm an ninh mạng quốc gia, Viettel được Đảng và Nhà nước giao cho bảo vệ những cơ sở dữ liệu trọng yếu của quốc gia, đóng góp vào việc bảo vệ an ninh quốc gia.

Có thể khẳng định, do làm kinh tế thành công nên hiện nay Viettel đã có đủ nguồn lực về tài chính, công nghệ, nhân sự tham gia xây dựng quân đội hiện đại. Điều này khẳng định mô hình doanh nghiệp kinh tế kết hợp với quốc phòng rất cần thiết cho sự nghiệp xây dựng quân đội ngày hôm nay cũng như lâu dài.

 Đồng Sơn (ghi)

* Đồng chí Vũ Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận:

Nhiệm vụ không thể tách rời

Quân với dân như cá với nước, nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng gắn với nhau, không thể tách rời. Có nhiều yếu tố để khẳng định vấn đề này, trước hết là sự gắn bó của người dân với quân đội. Các đơn vị quân đội đã cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân. Có thể lấy ví dụ như với hệ thống y tế của quân đội. Từ các bản làng xa xôi đến nơi biên cương hải đảo, ở đâu có quân đội, ở đó có cơ sở quân y, người dân được các cơ sở này cứu chữa, chăm sóc. Nếu ngành y tế của quân đội chỉ khám, chữa bệnh cho quân nhân, không phục vụ người dân nữa, thì người dân ở các vùng đó biết trông cậy vào đâu. Từ bệnh viện Trung ương của quân đội đến các bệnh viện của quân khu, quân đoàn, hằng năm cứu chữa cho hàng triệu người dân. Điều đó cho thấy rằng, nếu cơ sở vật chất, nguồn lực của quân đội chỉ phục vụ trong quân đội thì thật lãng phí. Ngoài lãng phí về tài sản quốc phòng không sử dụng sẽ tự hao mòn, còn có lãng phí lớn hơn là chất xám, trí tuệ của lực lượng cán bộ, chiến sĩ công tác trong quân đội.

Đồng chí Vũ Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận.

Sự tham gia của doanh nghiệp quân đội vào nền kinh tế đất nước cũng mang đến cạnh tranh lành mạnh, giúp giảm giá, tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giúp người dân được hưởng lợi. Do vậy, người dân cả nước đánh giá rất cao những đóng góp của ngành kinh tế quốc phòng. Nhân dân cũng rất chia sẻ với các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực kinh tế quốc phòng, bởi các đồng chí luôn đặt mục tiêu chính trị lên hàng đầu. Có nhiều hoạt động đầu tư sản xuất, làm ra sản phẩm hay thực hiện dự án, công trình của đơn vị quân đội chỉ hòa vốn nhưng mục đích là để phục vụ người dân. Còn doanh nghiệp tư nhân nếu đầu tư xây dựng cầu cống, đường sá, trạm y tế... mà không có lãi sẽ không dám làm. Doanh nghiệp quốc phòng nhiều khi phải bù lỗ nhưng vẫn làm vì đó là nhiệm vụ chính trị. Người dân, cử tri biết ơn quân đội rất nhiều vì những việc làm đó. Nhiệm vụ kinh tế của quân đội chú trọng tập trung cho vùng khó khăn, những nơi cần sự hy sinh, tính kỷ luật của quân đội mới làm được. Những sản phẩm của quân đội làm ra hiện nay người dân lúc nào cũng tin tưởng như tin tưởng vào màu áo xanh của người lính.

Đỗ Hưng (ghi)

Theo Quân đội Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều