Khát vọng phát triển nông nghiệp Việt Nam

(Mặt trận) - Ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh; các nghiên cứu cơ bản, hợp tác quốc tế chưa tạo được đột phá để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh trên thế giới; thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn. Để phát triển nông nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược và tạo đột phá về hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp; coi khoa học công nghệ là động lực trực tiếp phát triển kinh tế nông nghiệp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò tư vấn, giám sát, phản biện xã hội của mình để góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam đạt được khát vọng trở thành “cường quốc về nông nghiệp” trong tương lai gần.
Những kết quả đạt được năm 2020

Mặc dù năm 2020 nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp, dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng phức tạp, biến đổi khí hậu, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục cho thấy vai trò sống còn và là trụ đỡ cho nền kinh tế, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,65%.

Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục với 41,25 tỷ USD.

Đối với chăn nuôi, số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng thịt các loại trong năm 2020 đạt 5,27 triệu tấn, sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, trứng 14,15 tỷ quả. Trong khi đó, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,4 triệu tấn. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục với 41,25 tỷ USD, trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, thuỷ sản 8,47 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Nông sản Việt rộng đường sang EU nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA). Chỉ hơn 1 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đã tăng từ 17-20% so với tháng trước đó.

Theo số liệu của Bộ NN & PTNT, triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)", năm 2020, các địa phương đánh giá, phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm, vượt 800 sản phẩm so với kế hoạch đề ra. Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng xem xét xếp hạng 43 sản phẩm 5 sao.

Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và có 3 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) được công nhận hoàn thành và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận.

Những khó khăn

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Thứ hai, thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khoa học công nghệ, đặc biệt là các nghiên cứu cơ bản, hợp tác quốc tế chưa tạo được đột phá để tạo ra các sản phẩm cạnh tranh trên thế giới.

Thứ ba, thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.

Thứ tư, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Xu thế phát triển nông nghiệp Việt Nam

Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, kỹ thuật số.

Trong ngành trồng trọt, Internet vạn vật (IoT), Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy suất và theo dõi các thông số này theo thời gian.

Trong ngành chăn nuôi, công nghệ IoT, công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk.

Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã vạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng.

Trong thủy sản cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu-thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ.

Ngành nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất(1).

Một số giải pháp phát triển nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới

Thứ nhất, cần áp dụng các nhóm giải pháp đồng bộ, trước hết lập quy hoạch tái cơ cấu nông nghiệp theo 8 vùng sinh thái đặc thù: Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông cửu Long.

Thứ hai, có bước đột phá trong tổ chức sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất nuôi trồng, thu hoạch, chế biến trên cơ sở hợp tác, liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Hợp tác thể hiện qua việc những người nông dân, cơ sở sản xuất cùng nhau gỡ "nút thắt" manh mún, nhỏ lẻ thông qua các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã. Liên kết là sự kết nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. Đó là yếu tố sống còn vì nông dân không thể nào đi vào sản xuất mà không biết thị trường ở đâu, cần bao nhiêu, cần sản phẩm với quy chuẩn, tiêu chuẩn như thế nào.

Thứ ba, phải có những giải pháp để kinh tế tri thức xâm nhập sâu vào sản xuất nông nghiệp. Cơ giới hóa, tự động hóa hầu hết các khâu sản xuất, công nghệ sau thu hoạch. Ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn, biến những phụ phẩm trong nông nghiệp thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Chuỗi giá trị ngành hàng nông sản phải được hình thành.

Thứ tư, nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0 nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành, trong đó chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học - công nghệ nông nghiệp.

Thứ năm, Người nông dân phải được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ tập huấn. "Chuyên nghiệp hoá" nông nghiệp.

Thứ sáu, Nhà nước cần có những giải pháp để xây dựng "chuỗi giá trị ngành hàng", "hệ sinh thái ngành hàng"; kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào các "Cụm liên kết công - nông nghiệp". Đồng thời, "dữ liệu cung - cầu nông sản" sẽ được thu thập và minh bạch, tiến tới hình thành các "sàn giao dịch nông sản" dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hoá (2).

Những kiến nghị chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045

Chúng ta luôn tự hào về nông nghiệp Việt Nam. Năm 1945, hàng triệu người chết đói. Sau khi nước nhà giành độc lập, Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân chống giặc dốt, giặc đói. Trước năm 1986, Việt Nam vẫn thiếu lương thực. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã xuất khẩu lương thực và hiện nay đứng thứ nhất, nhì thế giới nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, cá tra, tôm… Trong đó, chúng ta đã có những giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới. Năm 2020 đã có 3 giống lúa cho gạo xuất khẩu vào thị trường khó tính, như: EU, Úc với giá trên 1000 USD/tấn.

 Việt Nam có tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn rất cao. Chúng ta lại có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp (kinh tế nông nghiệp, kinh tế lâm nghiệp, kinh tế biển); Ta có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên (đa dạng sinh học); Có lợi thế về đất đai (đất phù sa Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, đất đỏ bazan ở Tây Nguyên); Có lợi thế về khí hậu, thời tiết (từ đèo Hải Vân vào phía Nam là khí hậu nhiệt đới điển hình, từ đèo Hải Vân ra phía Bắc là khí hậu Á nhiệt đới, có thể nuôi, trồng suốt cả năm). Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản của ta đạt trên 41 tỉ USD, xuất đi trên 180 nước trên thế giới nhưng chủ yếu là xuất thô. Nếu đổi mới căn bản hình thức tổ chức sản xuất dựa trên nền tảng doanh nghiệp nông nghiệp liên kết với hợp tác xã kiểu mới. Nếu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và đột phá trong công nghệ sau thu hoạch (chế biến sâu), tới năm 2030 - 2045, kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta có thể đạt trên 400 tỉ USD/năm.

Nếu coi Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam với 70% dân số sống ở nông thôn, do vậy để phát triển Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Một là, xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược phát triển nông nghiệp. Như chúng ta đã biết, nông nghiệp bao gồm rất nhiều lĩnh vực không chỉ Nông, Lâm, Ngư nghiệp, Phát triển nông thôn bao gồm hầu hết các lĩnh vực từ quốc phòng, kinh tế, văn hóa, y tế, xã hội, vì vậy cần xây dựng một chiến lược phát triển Nông nghiệp toàn diện từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó trọng tâm cần nêu rõ lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam, xu thế phát triển của thế giới và của Việt Nam, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp cho các vùng sinh thái đặc thù, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phân công một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Nông nghiệp.

Hai là, tạo đột phá về hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, coi Doanh nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp là nòng cốt sản xuất theo chuỗi giá trị, không xuất khẩu nông sản dạng thô, nhất thiết phải qua chế biến, xây dựng thương hiệu OCOP, quốc gia, quốc tế. Đào tạo nông dân trở thành “công nhân nông nghiệp”.

Ba là, coi khoa học - công nghệ là động lực trực tiếp phát triển kinh tế nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Đề nghị thành lập Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp (bao gồm Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản, kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển) trên cơ sở các Viện hiện có. Tăng cường nghiên cứu cơ bản do Nhà nước cấp kinh phí: Nghiên cứu ứng dụng theo cơ chế tự chủ. Áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi như sử dụng kỹ thuật di truyền, quy tụ gen, chỉnh sửa gen. Chú trọng các nghiên cứu chính sách, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò tư vấn, giám sát, phản biện của mình trong xây dựng và phát triển nông nghiệp Việt Nam trở thành “cường quốc về nông nghiệp” trong tương lai gần, người nông dân Việt Nam sống được và làm giầu từ nông nghiệp.

Trần Đình Long

GS, Viện sĩ, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam

Chú thích:

(1). Bài viết của PGS, TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020.

(2). Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, năm 2021.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều