Khi nào cắt một nửa chi cục thuế thưa Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng?

“Cục Hải quan Điện Biên, Lai Châu thu ngân sách một năm có 16 tỉ đồng thì cần để cục hay xuống chi cục?”, đó là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đặt ra tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 6/4.

Cục Hải quan của một tỉnh hoạt động, phải chi quỹ lương, trụ sở, xăng xe, chi khác, thì thu chừng đó tiền có đủ để nuôi hay không? Chắc chắn là không, nhưng nghịch lý này vẫn tồn tại bao năm nay, và không chỉ Điện Biên hay Lai Châu, còn nhiều nơi khác trong tình trạng tương tự.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bộ sẽ cắt giảm mạnh các đơn vị thuộc ngành thuế, kho bạc, hải quan, như bỏ một nửa trong số 713 chi cục thuế hiện hành. Bộ có 370 điều kiện kinh doanh, đề nghị bãi bỏ 99 điều kiện, đơn giản hóa 89 điều kiện, tổng số điều kiện đề nghị cắt giảm và đơn giản hóa đạt 50,8%.

Bỏ một nửa chi cục thuế hiện hành, thay vào đó bằng cách quản lý khác, hiện đại và hiệu quả. Đặc biệt, khi người dân, doanh nghiệp không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, thì tiêu cực sẽ giảm. Con người có thể đòi hối lộ, nhưng khi xây dựng một hệ thống quản trị thông minh, thì sẽ không còn chuyện nhũng nhiễu, hạch sách và vòi vĩnh. Muốn xóa bỏ tiêu cực, không chỉ kêu gọi ý thức của cá nhân, mà cần có hệ thống quản trị hành chính thông minh hỗ trợ. Chưa kể, các chi cục thuế này thu không đủ để chi cho chính mình thì để mà làm gì.

Kho bạc, hải quan, liệu có cần tồn tại mỗi nơi mỗi đơn vị theo kiểu phân bố đồng đều nữa hay không, và cán bộ trong ngành có phải làm việc theo phương pháp thủ công như trước. Ai cũng nói cách mạng công nghiệp 4.0, cải cách hành chính theo hướng hiện đại hóa, nhưng ít thấy ai thực hiện. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Hiện nay, chúng ta đã áp dụng hải quan điện tử, thuế điện tử thì không cần chi cục thuế, hải quan làm gì”. Nếu Bộ Tài chính làm được việc này thì đây sẽ là bước cải cách quan trọng, giảm biên chế đáng kể, xây dựng được một bộ máy tinh gọn.

Người dân, doanh nghiệp nghe tin từ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng như mở cờ trong bụng, cắt giảm và đơn giản hóa 50,8% điều kiện kinh doanh cũng như tháo được một phần gánh nặng trên vai dân chúng. Cắt giảm các đơn vị thuế, hải quan, kho bạc là tinh giản biên chế, khoan thư sức dân, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.

Nhưng vấn đề đặt ra là khi nào triển khai thực hiện, khi nào cắt giảm xong các khối u thừa, dân cần biết lộ trình cụ thể.

Theo Lê Thanh Phong/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều