Không tinh giản được biên chế thì tăng thuế VAT... cũng vô nghĩa

Tăng thuế VAT, thuế môi trường... cũng không thể giải quyết nổi bài toán ngân sách Nhà nước chi lương cho đội ngũ trong bộ máy hiện nay.

Thuế môi trường đối với xăng, thuế VAT đều “rập rình” tăng. Khoản tăng này đều đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Theo tính toán, với việc tăng thuế sẽ góp phần tăng ngân sách.

Với bài toán chi tiêu, ngân sách dành 1 phần chi cho bộ máy, con người; phần chi cho đầu tư - phát triển. Nhiều năm qua, phần chi cho bộ máy của chúng ta luôn chiếm tỷ trọng vô cùng lớn, trong khi công cuộc tinh giản biên chế nhiều năm không hiệu quả, thậm chí còn có xu hướng "phình" to hơn. Con số người hưởng lương ngân sách hiện nay đã lên tới gần 11 triệu người, kể cả lương hưu và mang tính chất lương từ ngân sách.

Bộ máy cồng kềnh nhưng trình độ, chất lượng, hiệu quả công việc không cao, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức bị tha hóa. Nhiều cán bộ, công chức luôn tìm cách nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, người dân, trong khi tinh thần chịu trách nhiệm, tính xây dựng lại không cao. Đơn cử, tại cuộc họp về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu diễn ra mới đây, chỉ riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã phải liên tục ngắt lời lãnh đạo Bộ Y tế và nói: “Thực tế không như báo cáo... Nghị định 38 còn rất nhiều vướng mắc, như quy định làm thủ tục 15-30 ngày, nhưng có thực tế là “tới ngày 13 thì cán bộ gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ, tính thời gian từ đầu, 3 lần như thế là mất vài tháng”.

Một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả lại luôn tìm cách làm khó, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp nên đã kéo lùi sự phát triển. Họ coi việc “bắt chẹt” người dân, doanh nghiệp là cách để tăng thu nhập, cải thiện đồng lương ít ỏi của mình.

Quan trọng hơn nữa, vì chất lượng nhân lực còn hạn chế, nhiều khi mang nặng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nên việc tham mưu, ban hành các chính sách không phù hợp với thực tiễn, dẫn tới việc thực hiện không hiệu quả, không đồng bộ, không có tác dụng kiến tạo phát triển, thậm chí còn cản trở sự phát triển. Điều này thể hiện rõ trong nhiều kế hoạch đầu tư phát triển. Phần ngân sách chi cho đầu tư phát triển thời gian qua đã hạn hẹp nhưng việc sử dụng lại kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí lớn. Nhiều công trình đầu tư không hiệu quả hoặc “đắp chiếu để đấy”, không phát huy tác dụng, lãng phí phần vốn đã được đầu tư..., nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui; tình trạng trốn thuế, gian lận thuế xảy ra phổ biến… khiến những người làm ăn chân chính cảm thấy thiệt thòi và bất bình. Cách quản lý và thực thi pháp luật hiện nay khiến môi trường cạnh tranh không bình đẳng, không tạo động lực phát triển, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách. Trong khi đó cách chi tiêu, mua sắm… của chúng ta nhiều nơi, nhiều lúc còn “vung tay quá trán”; việc mua sắm công, đầu tư công còn tràn lan, lãng phí.

Người Việt ta có câu “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè tiết kiệm”, “Miệng ăn núi lở”… để muốn nói rằng, việc căn cơ trong chi tiêu những đồng tiền đã kiếm được vô cùng quan trọng. Nếu chỉ tập trung vào việc sản xuất, kinh doanh, lao động không ngừng nghỉ… mà không nghĩ đến phần tích lũy, phát triển thì ngân sách sẽ luôn trong tình trạng “vá víu”, giật gấu vá vai, đất nước không đủ tiềm lực để phát triển.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều