Kinh nghiệm tổ chức đưa hàng Việt đến với công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

(Mặt trận) - Đổi mới công tác tổ chức đưa hàng Việt đến với công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho phù hợp với đời sống lao động của họ là một trong những việc làm thiết thực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam những năm gần đây. Các hoạt động từ trao tặng hàng hóa thương hiệu Việt đến tổ chức: Phiên chợ công nhân, Gian hàng giảm giá, Chợ lưu động, Hội chợ ẩm thực... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động tại khu vực này.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 về triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện cuộc vận động; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Cuộc vận động; Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tổ chức lồng ghép với các hoạt động của các cấp công đoàn, đồng thời gắn với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao, giá thành hạ được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, của địa phương.

Trong 10 năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp công đoàn tổ chức lồng ghép với “Tết sum vầy” hàng năm với các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động như: trao tặng nhà Mái ấm Công đoàn; tổ chức đưa đoàn viên, người lao động về quê ăn Tết; tặng vé xe cho đoàn viên, người lao động về quê đón Tết; tặng quà là hàng hóa thương hiệu Việt cho đoàn viên, người lao động… Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn với điểm khởi đầu năm 2017 là năm “Vì lợi ích đoàn viên”, tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho người lao động là đoàn viên công đoàn. Sau hơn hai năm thực hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.238 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp trong nước để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi, giảm giá từ 5% - 20% góp phần tăng thêm lợi ích của trên 3,3 triệu lượt đoàn viên với số tiền 1.100 tỷ đồng. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn đã góp phần cải thiện điều kiện sống, góp phần nâng cao đời sống cho đoàn viên, người lao động, được đoàn viên, người lao động, dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Đặc biệt, cuộc vận động còn được gắn với các hoạt động của “Tháng Công nhân” hàng năm như: tổ chức đối thoại với đoàn viên, người lao động thăm hỏi, động viên, gặp mặt và lắng nghe ý kiến của đoàn viên, người lao động, qua đó đề ra các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Tổ chức trao tặng nhà Mái ấm Công đoàn, hàng hóa là thương hiệu Việt cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trong dịp “Tháng Công nhân” các cấp Công đoàn đã tổ chức các “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động”, “Hội chợ ẩm thực”… phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng mô hình “Siêu thị Công đoàn” với tiêu chí "Tiện lợi, an toàn, chi phí thấp” ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân với hàng hóa sản xuất trong nước đã phát huy hiệu quả, phục vụ đoàn viên, người lao động, góp phần nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động.

Việt Nam hiện nay có 325 khu công nghiệp, khu chế xuất và trên 4 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở trên 50 tỉnh, thành phố, sản xuất ra tới hơn 50% số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta mỗi năm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” mở ra những điều kiện mới để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Công đoàn và đoàn viên, trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao... đến năm 2030, phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có các thiết chế của Công đoàn. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, mức thu nhập chưa đủ để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu; thời gian chủ yếu là đi làm, thời gian được nghỉ tranh thủ làm thêm giờ để tăng thu nhập, quỹ thời gian còn lại dành cho việc nghỉ ngơi, gần như không có thời gian dành cho các hoạt động khác, nhất là tìm hiểu về hàng hóa thương hiệu Việt.

Vì vậy, để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đoàn viên, người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã hợp tác triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với đoàn viên, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong 10 năm thực hiện cuộc vận động, các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã tổ chức 3.980 đợt đưa hàng Việt đến đoàn viên, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhất là ở các vùng tập trung nhiều khu công nghiệp, như: tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… đặc biệt, Tổng Liên đoàn đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ đoàn viên, người lao động tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Cần Thơ; tham dự 2 hội nghị có trên 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn, 34 Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương; lãnh đạo Bộ Công thương, Vụ Thị trường trong nước, Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp và công nhân lao động. Tại hội nghị, các đại biểu đã báo cáo kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; giới thiệu các hoạt động, mô hình cung ứng hàng Việt Nam phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp đã được các cấp công đoàn, các doanh nghiệp thực hiện thành công, đáp ứng được nhu cầu của đoàn viên, người lao động ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, như: “Phiên chợ công nhân”, “Gian hàng giảm giá”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”, “Hợp tác xã phúc lợi”…; trao đổi, giải đáp và các kiến nghị đề xuất của tổ chức Công đoàn, Ban quản lý các khu công nghiệp và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cho đoàn viên, người lao động; ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác xúc tiến cung ứng hàng Việt Nam phục vụ đoàn viên, người lao động giữa Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) với Công đoàn Công thương Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước. Trên tinh thần nội dung đã thỏa thuận, mỗi năm, có hàng trăm chuyến hàng lưu động của các doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương đã đến với địa bàn các khu chế xuất, khu công nghiệp, phục vụ nhu cầu sử dụng hàng hóa Việt Nam của đoàn viên, người lao động.

Để công tác triển khai tổ chức đưa hàng hóa thương hiệu Việt đến với công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt được mục tiêu phục vụ công nhân, người lao động được tốt hơn, tiết giảm chi phí về tiền bạc, thời gian cho công nhân, người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần thực hiện tốt một số nội dung:

Một là, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đoàn viên, người lao động hiểu được mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là thiết thực, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế địa phương, đất nước. Dùng hàng Việt Nam chính là đảm bảo công ăn, việc làm, thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin truyền thông của công đoàn, ngành công thương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hàng hóa thương hiệu Việt, nhất là hàng hóa thương hiệu Việt có chất lượng, giá thành phù hợp với thu nhập của đoàn viên, người lao động. Các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để đoàn viên, người lao động có cơ sở phân biệt.

Hai là, các cấp công đoàn cùng với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm có điều kiện thâm nhập địa bàn khu chế xuất, khu công nghiệp, các thiết chế công đoàn. Thường xuyên tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của công nhân, người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp xem họ cần những loại hàng hóa gì, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp để giúp đoàn viên, người lao động tiếp cận với nguồn hàng hóa thương hiệu Việt, chất lượng tốt có giá cả hợp lý. Đồng thời, triển khai các đợt bán hàng giảm giá, phát voucher cho người có Thẻ đoàn viên Công đoàn đến mua tại các điểm trên với mức ưu đãi cao và tổ chức các chương trình hỗ trợ đưa hàng hóa trực tiếp theo đơn hàng của công đoàn tổ chức đứng ra để thu mua và phân phối lại cho công nhân.

Ba là, thu nhập của đoàn viên, người lao động không cao, nên khả năng chi trả cho những hàng hóa thiết yếu chỉ ở mức độ cơ bản. Vì vậy, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa cần hỗ trợ tối đa cho đoàn viên, người lao động về giá và để đảm bảo thực hiện được điều này, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam, để cộng đồng doanh nghiệp có thể đồng hành lâu dài với công nhân, người lao động, các chương trình kết nối cung ứng hàng Việt tại khu chế xuất, khu công nghiệp.

Bốn là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành (chính quyền địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, sở Công thương), các doanh nghiệp với tổ chức công đoàn để tuyên truyền rộng rãi thông tin về các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam phục vụ đoàn viên, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ công nhân, các thiết chế công đoàn.

Năm là, các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng trong nước phối hợp với các cấp công đoàn tổ chức triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tổ chức các chương trình bán hàng giảm giá cho đối tượng đoàn viên, người lao động để đoàn viên, người lao động có điều kiện tiếp cận với hàng hóa sản xuất trong nước.  Đoàn viên, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thường làm thêm giờ, tăng ca, nên các điểm bán hàng tại các khu công nghiệp cần bố trí làm việc theo thời gian của tăng ca để đoàn viên, người lao động có điều kiện mua sắm hàng hóa.

Vũ Mạnh Tiêm

Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều