Kinh tế thế giới và Việt Nam sáu tháng đầu năm 2020

Kinh tế thế giới được dự báo sẽ chưa thể phục hồi ngay do hậu quả của đại dịch COVID-19 cùng với những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trước tình hình này, giải pháp của nhiều chính phủ là củng cố các động lực tăng trưởng nội địa nhằm giảm thiểu tác động từ sự sụt giảm của khu vực công nghiệp, thương mại. Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Tuy nhiên, tình hình đại dịch COVID-19 tái phát lại ở nước ta và vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới nên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng sẽ chịu tác động không nhỏ.
 

Người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xếp hàng chờ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại một trung tâm ở thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas (Mỹ), ngày 6-4-2020_Ảnh: Reuters

Kinh tế toàn cầu sáu tháng đầu năm 2020

Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng

Tính đến ngày 11-8-2020, đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới đã khiến hơn 20,2 triệu người mắc bệnh, trong đó đã có gần 740 nghìn người tử vong tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đáng chú ý, mặc dù dịch bệnh đã kéo dài hơn 7 tháng, các thông tin liên quan đến các biện pháp phòng, tránh đã được chia sẻ phổ biến trên toàn thế giới, số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn đang tiếp tục tăng lên. Trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại tại Bắc Kinh, một trong những thành phố được xem là có nhiều kinh nghiệm đối phó với đại dịch COVID-19, là một sự cảnh báo cho các thành phố khác trên thế giới về tính chất nghiêm trọng, khó lường của đại dịch này.

Kinh tế thế giới chìm sâu trong suy thoái

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tổng hợp của kinh tế thế giới chỉ đạt 26,5 điểm trong tháng 4-2020, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này ra đời. Điều này cho thấy các hoạt động sản xuất, thương mại trên quy mô toàn cầu hầu như đình trệ. Số liệu kinh tế thế giới quý I-2020 cho thấy, hầu hết các cường quốc về kinh tế của thế giới đều tăng trưởng âm (kinh tế Mỹ suy giảm -1,2%, Nhật Bản -0.9%, Anh -2,0%, Đức -2,2%, còn nhóm các nước Pháp, Tây Ban Nha và I-ta-li-a suy giảm khoảng -5,0%). Số liệu kinh tế thế giới quý II-2020 dự báo còn thấp hơn nhiều, ví dụ với khu vực Liên minh châu Âu (EU), nền kinh tế Pháp và Tây Ban Nha dự báo sẽ suy giảm khoảng -20%, Bồ Đào Nha khoảng -15%, còn Đức -10%. Trong đánh giá ngày 24-6-2020 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, đại dịch COVID-19 sẽ gây ra một “cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy trên quy mô toàn cầu”, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sụt giảm -4,9% trong năm 2020, là mức sụt giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khiến một lượng tài sản trị giá 12.000 tỷ USD biến mất trong hai năm.

Nguy cơ khủng hoảng nợ của các nước mới nổi ngày càng lớn

Trong hoàn cảnh kinh tế thế giới suy thoái ngày càng trầm trọng, hoạt động của các chính phủ, doanh nghiệp đình trệ ở nhiều nơi trên thế giới, gánh nặng dành cho những “con nợ” càng lớn dần. Nguồn thu suy giảm nhưng nghĩa vụ trả nợ tài chính thì vẫn như cũ nếu như các chủ nợ không thay đổi quan điểm, đặc biệt nếu như chủ nợ là các tổ chức tài chính tư nhân chứ không phải tổ chức quốc tế hay chính phủ các quốc gia. Vì vậy, cùng với việc phải dành nguồn lực để chống đỡ và phục hồi trước đại dịch, nhiều nền kinh tế mới nổi đang gặp gánh nặng kép trong việc đáp ứng các nghĩa vụ về tài chính. Tỷ lệ nợ Chính phủ/GDP của Ai Cập và Nam Phi dự báo sẽ tăng hơn 20% chỉ trong vòng hai năm, năm 2020 và năm 2021. Một số nền kinh tế khác như Ác-hen-ti-na, Pa-kít-xtan, Thổ Nhĩ Kỳ, U-cờ-rai-na đang cạn dần nguồn lực ngoại hối. Theo đánh giá của IMF, các nền kinh tế mới nổi cần khoảng 2.500 tỷ USD để chống đỡ và phục hồi kinh tế trong khi IMF chỉ có khả năng huy động tối đa được 1.000 tỷ USD. Vì vậy, dịch bệnh càng kéo dài, kinh tế thế giới càng suy thoái thì nguy cơ khủng hoảng nợ càng lớn.

Các chính phủ chuẩn bị cho viễn cảnh ảm đảm của kinh tế thế giới

Đại dịch COVID-19 xảy ra vào lúc kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn do sự thay đổi của bối cảnh quốc tế. Căng thẳng địa - chính trị tại nhiều khu vực, tình trạng bạo loạn xã hội bùng phát tại nhiều quốc gia, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân túy quay trở lại. Đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, vấn đề có ảnh hưởng lớn nhất đến triển vọng kinh tế thế giới, vẫn tiếp tục leo thang bất chấp diễn biến của đại dịch. Trong động thái mới nhất, Mỹ đe dọa sẽ loại bỏ các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn chứng khoán New York, đồng thời không công nhận quy chế đặc biệt của Hồng Kông (Trung Quốc) sau khi Chính phủ Trung Quốc áp dụng Luật An ninh mới dành cho vùng lãnh thổ này. Sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng, các chuỗi sản xuất, tình trạng giảm cầu, xu hướng “giải toàn cầu hóa” khiến cho hoạt động thương mại toàn cầu dự báo sẽ suy yếu cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trước viễn cảnh đó, nhằm bù đắp cho sự sụt giảm từ đóng góp của các hoạt động kinh tế quốc tế, chính phủ nhiều nước đang tính đến các giải pháp phát triển thay thế từ nền kinh tế trong nước. Dịch vụ và nông nghiệp được dự báo sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp được đưa ra nhằm hấp thụ lực lượng lao động mất việc làm từ khu vực thương mại xuất khẩu. Môi trường kinh doanh cũng sẽ được phát triển theo hướng số hóa nhanh hơn, ứng dụng các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data). Nhìn chung, hoạt động của nền kinh tế toàn cầu dự báo sẽ có những biến đổi mới, diễn ra trên quy mô lớn và chưa từng có tiền lệ.

Kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm 2020

 

Hoạt động sản xuất ở Công ty ITM Semiconductor Vietnam tại khu công nghiệp Vsip, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh)_Ảnh: TTXVN

Trong sáu tháng đầu năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên đánh dấu bằng sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 với nguy cơ cao về lây nhiễm trong cộng đồng và Chính phủ đã thực hiện “giãn cách xã hội”. Giai đoạn tiếp theo, nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau thời kỳ giãn cách xã hội và các gói hỗ trợ được triển khai. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thì kết quả của nền kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2020 được thể hiện dưới các khía cạnh sau:

Về tăng trưởng kinh tế, trong quý II-2020, tăng trưởng kinh tế tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong 10 năm qua (2011 - 2020), điều này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm sụt giảm chuỗi cung ứng và suy giảm nhu cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu). Sau khi giai đoạn giãn cách xã hội kết thúc và đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế được phép khởi động trở lại. Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế được ví như lò-xo bị nén trong đợt giãn cách thì nay có dịp bung ra, tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV được dự báo sẽ cao hơn so với quý I và quý II; nếu trong sáu tháng cuối năm 2020, đại dịch COVID-19 vẫn được kiểm soát tốt thì với nền kinh tế như “cái lò-xo bị nén” cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng và đầu tư công, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức khả quan. Nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng đạt hơn 5%. Tuy nhiên, ngày 26-7-2020, Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới sau 99 ngày cả nước không có ca nhiễm trong cộng đồng có thể ảnh hưởng tới những dự báo trên. 

Về tỷ lệ lạm phát, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2020 tăng 0,66% so với tháng trước, bình quân sáu tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,19% so với cùng kỳ năm trước, đây cũng là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Lạm phát cơ bản tháng 6-2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đầu năm 2020 tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ lạm phát các tháng đầu năm 2020 chưa tăng cao do một số nguyên nhân như giá dầu thế giới xuống thấp làm cho giá xăng dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm. Thu nhập người dân giảm kéo theo nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm và giá cả giảm. Bên cạnh đó, còn có những nhân tố đẩy giá cả tăng, như giá thịt lợn tăng cao, giá gạo tăng và giá xăng dầu đang có chiều hướng tăng khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đạt thỏa thuận về cắt giảm sản lượng gắn với thực trạng một số nền kinh tế bắt đầu phục hồi trở trở lại khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng.

Về thương mại quốc tế, trong sáu tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt 4,7 tỷ USD, giảm 50,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ du lịch đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 51,5% tổng kim ngạch), giảm 56,1%; dịch vụ vận tải đạt 636 triệu USD (chiếm 13,4%), giảm 70,6% do các đường bay quốc tế ngừng khai thác. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ sáu tháng đầu năm nay ước tính đạt 8,9 tỷ USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 41,8% tổng kim ngạch), giảm 2,4%; dịch vụ du lịch đạt 2,1 tỷ USD (chiếm 23,6%), giảm 32,6%. Nhập siêu dịch vụ trong sáu tháng đầu năm 2020 đạt 4,2 tỷ USD, bằng 88,6% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Vì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên việc giảm xuất khẩu của khu vực này kéo theo đó là suy giảm tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Về hoạt động doanh nghiệp, đây là khía cạnh quan trọng để đo lường sức khỏe hiện tại và triển vọng của nền kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung trong sáu tháng đầu năm 2020, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong sáu tháng đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 25,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với sáu tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong sáu tháng lên 87,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng có 14,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Các con số này cho thấy nền kinh tế nửa đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 nhưng xu hướng hồi phục là khá rõ ràng.

Nói chung, nền kinh tế đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất của đại dịch COVID-19 và đang có dấu hiệu phục hồi, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch vốn chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch này. Tuy nhiên, Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế toàn cầu, trong khi nhiều nước, khu vực trên thế giới vẫn đang cố gắng kiểm soát tình hình đại dịch COVID-19, quan hệ quốc tế của một số nước lớn tiếp tục căng thẳng nên rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam vẫn còn lớn, nhất là khi dịch COVID-19 đã quay trở lại nước ta.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020 và các năm tới

 

Vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa sản xuất sợi tại Công ty Dệt Hà Nam_Ảnh: TTXVN

Trong năm 2020, khả năng tăng trưởng kinh tế ở mức trên 5% là cao nếu Việt Nam có thể kiểm soát tốt dịch bệnh và các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước hoạt động bình thường trở lại. Các năm tiếp theo, khả năng tăng trưởng cao và ổn định cũng tương đối rõ ràng khi các động lực, nhân tố cho tăng trưởng kinh tế được củng cố.

Thứ nhất, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Các hiệp định này mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vào nhiều thị trường khó tính như EU và Nhật Bản, đồng thời cũng sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các năm tới.

Thứ hai, căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc sang các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Việt Nam. Việt Nam được xác định là một trong những điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia khi rời khỏi Trung Quốc. Điều này cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ ba, với trọng tâm hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, trong các năm tới nếu kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định (lạm phát ở mức thấp, cán cân thương mại thặng dư, nợ xấu, nợ công và bội chi ngân sách trong tầm kiểm soát) sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ tư, Chính phủ đang quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế; điều này được thể hiện rõ trong những năm qua và đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2019.

Kiến nghị các giải pháp phục hồi kinh tế

Để nền kinh tế nước ta phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững trong năm 2020 và những năm tiếp theo, cần tập trung vào hai nhóm giải pháp chính sau:

Giải pháp củng cố nền tảng cho tăng trưởng kinh tế

Thứ nhất, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vì đây vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Do đó, cần bảo đảm tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, ổn định (dưới 4%/năm); chú ý giải quyết vấn đề bội chi ngân sách, nợ công và nợ xấu sau đại dịch COVID-19. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn do đại dịch không thể trả được nợ ngân hàng, làm cho nợ xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung giải quyết những nhân tố gây bất ổn kinh tế này để kịp thời có các giải pháp giải quyết.

Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh với chi phí giao dịch thấp. Đây là vấn đề được Chính phủ chú trọng trong những năm qua, tuy nhiên cải thiện môi trường kinh doanh cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian sắp tới khi những nước cạnh tranh trực tiếp với nước ta trong thu hút FDI như Thái Lan, Ma-lai-xi-a vốn đã mạnh lại đang có những chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và giảm thiểu chi phí giao dịch cần phải ứng xử công bằng, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Thứ ba, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, gồm có hạ tầng cứng (đường giao thông) và hạ tầng xã hội (trường học, hệ thống y tế). Kết cấu hạ tầng cứng như hệ thống giao thông đường bộ, cảng, đường sắt, hàng không, đường thủy mặc dù đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây nhưng còn khoảng cách tương đối lớn so với nhu cầu phát triển. Hơn nữa, sự phát triển kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ tại các vùng, miền đang làm cản trở tăng trưởng kinh tế của toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cho thấy việc nâng cấp kết cấu hạ tầng xã hội trong đó có hệ thống y tế cơ sở và y tế công cộng đóng vai trò quan trọng đến việc phòng và chống những cú sốc y tế tương lai. Hệ thống y tế cơ sở cần được củng cố lại từ hạ tầng (cơ sở khám, chữa bệnh) cho đến năng lực của đội ngũ y bác sĩ.

Giải pháp trong ngắn hạn nhằm phục hồi nền kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội

Cần nâng cao hiệu quả của các gói hỗ trợ theo nguyên tắc đúng địa chỉ, đúng thời điểm và đúng liều lượng. Ngay trong đại dịch COVID-19, Việt Nam đã thảo luận về gói hỗ trợ cho nền kinh tế và các nhóm yếu thế trong xã hội. Các gói tiền tệ - tín dụng, gói tài khóa, đặc biệt là gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng cho 20 triệu lao động đã được thiết kế và triển khai. Các gói được triển khai nhanh (đúng thời điểm) và có thể coi là đúng liều lượng nhưng việc đến đúng địa chỉ người nhận (người dân và doanh nghiệp) vẫn là vấn đề cần được tính toán kỹ hơn, muốn vậy Chính phủ cần có sự giám sát, hỗ trợ công khai, minh bạch. Cùng với việc quyết tâm kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, nếu nền kinh tế dần ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi căn bản, Chính phủ có thể thực hiện chiến lược rút dần các gói hỗ trợ nhằm củng cố cho ngân sách, nợ công./.

 

Theo PGS, TS. BÙI NHẬT QUANG/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều