Kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế

Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”(1). Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
 Ảnh minh hoạ
Trước hết, khi Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế và “khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh”(2) là thông điệp vô cùng quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng làm giàu của toàn xã hội. Từ đó, tạo cơ sở cho việc huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Bởi kinh tế tư nhân bản chất là thành phần kinh tế mà toàn dân có thể tham gia; luôn năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường và mang sẵn tố chất “cần cù và linh hoạt” của người Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước còn họa ngoại xâm, cho dù bị tư bản Pháp, Mỹ chèn ép khốc liệt nhưng vẫn có những doanh nhân đất Việt vươn lên kinh doanh thành công. Sự tồn tại bền bỉ của kinh tế hộ cá thể, tiểu chủ trong suốt thời bao cấp cũng là một minh chứng cho “năng lực nội sinh” bền bỉ của kinh tế tư nhân. Với cơ hội mới được tạo ra từ Đại hội XIII, chắc chắn kinh tế tư nhân ở nước ta sẽ vươn tới những thành công mới, ngày càng có đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng của đất nước. Song, kinh tế tư nhân dù có phát triển đến đâu cũng không thể thách thức vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; doanh nhân Việt Nam dù giàu có và thành đạt trong kinh doanh đến đâu chăng nữa thì cũng không bao giờ có thể trở thành nhân tố thách thức sự điều tiết kinh tế của Nhà nước. Đó là một vấn đề có tính quy luật trong sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Hai là, quan điểm của Đại hội XIII về vai trò “động lực quan trọng của nền kinh tế” của kinh tế tư nhân thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân trước những đóng góp to lớn của thành phần kinh tế này vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng.

Thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế tư nhân đã phát triển rộng khắp trong cả nước; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước. 

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội(3). 

Bên cạnh những thành tựu “rất quan trọng” về kinh tế, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được nâng cao trong đời sống chính trị, xã hội. Hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến kinh tế đều được Quốc hội, Chính phủ yêu cầu phải có ý kiến cộng đồng doanh nghiệp tư nhân thông qua Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) trước khi ban hành. 

 Xét ở khía cạnh quốc phòng, sự phát triển của kinh tế tư nhân những năm qua đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần củng cố “thế trận lòng dân”, ổn định môi trường chính trị - xã hội, tăng cường các tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng toàn dân. Sự phát triển rộng khắp của kinh tế tư nhân, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo đã trực tiếp góp phần hoàn thiện thế trận quốc phòng toàn dân; từng bước đáp ứng tốt nhu cầu thường xuyên và đột xuất của lực lượng vũ trang. Các chủ hộ kinh tế cá thể, tiểu chủ và doanh nghiệp tư nhân trên mọi miền Tổ quốc đã tham gia thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hậu phương quân đội, “đền ơn đáp nghĩa” các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng; hỗ trợ các hoạt động của dân quân, tự vệ... Điều đó cho thấy tiềm lực, vai trò, giá trị đóng góp của kinh tế tư nhân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vô cùng to lớn. Và, quan điểm kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng của nền kinh tế” được Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định là khách quan, khoa học, hợp lòng dân.

Ba là, khi ghi nhận kinh tế tư nhân có vai trò là “động lực quan trọng của nền kinh tế”, sẽ có cuộc cách mạng mới về tư duy, thống nhất tư tưởng, nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, cũng như toàn xã hội về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Bởi, kinh tế tư nhân với tư cách là “một động lực quan trọng”, thì về mặt cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải tạo mọi điều kiện để phát huy tốt nhất động lực đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải coi phát triển kinh tế tư nhân là một bộ phận của công cuộc phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; là một trong những phương tiện cần được ưu tiên để đạt đến mục đích nâng cao năng suất lao động xã hội - yếu tố quyết định sự thắng lợi của công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Quán triệt quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời thiết thực tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều đóng góp lớn hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng ở nước ta, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, làm tốt hơn công tác tư tưởng, thống nhất nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao nhận thức, hiểu đúng chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của Đảng là vấn đề chiến lược, nhất quán, lâu dài trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là sự vận dụng đúng đắn quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ lực lượng sản xuất ở nước ta. Đồng thời, cần thống nhất nhận thức rằng, sự ghi nhận và khẳng định đóng góp của kinh tế tư nhân dù quan trọng thế nào đối với phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay, không phải là căn cứ để “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”,hay khẳng định kinh tế tư nhân“đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế đất nước”. Từ đó, khắc phục cả sự nghi kỵ lẫn ảo tưởng vào sự phát triển của kinh tế tư nhân. Nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh trước âm mưu, thủ đoạn lợi dụng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân để cổ xuý cho tư nhân hóa nền kinh tế nước ta, hòng làm chệch hướng xã hội chủ ngĩa trong sự phát triển của đất nước.

Hai là, trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, Nhà nước cần tập trung cải cách thể chế kinh tế một cách đồng bộ, gồm: Các thể chế kinh tế tương thích và tuân thủ các cam kết hội nhập quốc tế (điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật kinh tế phù hợp với các cam kết hội nhập); các thể chế phòng vệ nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng, giảm thiểu các tác động không thuận lợi khi thực hiện các cam kết hội nhập (chống độc quyền, bảo vệ cạnh tranh lành mạnh, tiêu chuẩn công nghệ - môi trường, hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương…); các thể chế hỗ trợ để tranh thủ cơ hội, lợi ích của hội nhập quốc tế (khuyến khích cạnh tranh, sáng tạo, đổi mới công nghệ…). 

Đồng chí Phạm Minh Chính kiểm tra bản đồ Dự án khu tái định cư xã Hạ Long (Vân Đồn) năm 2014. 
 
 
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà trọng tâm là Luật Quốc phòng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Pháp luật dân quân tự vệ… để tạo hành lang pháp lý ổn định cho các chủ thể sản xuất kinh doanh hoạt động. Trong đó, phải có những chế tài quy định rõ nghĩa vụ và quyền lợi của các chủ doanh nghiệp tư nhân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng; tăng cường việc giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh nghĩa vụ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. 

Ba là, đẩy mạnh hỗ trợ việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, cụ thể cần tập trung hỗ trợ có hiệu quả cho hai nhóm doanh nghiệp là: doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có các quy định, chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, quản trị… các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng được thành lập về mặt hành chính, gia nhập thị trường trong cạnh tranh, phát triển và tiêu thụ các sản phẩm mới. 

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm số lượng đông đảo nhất, năng động nhất, với những đóng góp không thể phủ nhận cho kinh tế - xã hội, nhưng cũng là khu vực dễ bị tổn thương, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể được luật định rõ ràng, xóa bỏ mọi gánh nặng không chính thức, dễ dàng tiếp cận và được phép khai thác hiệu quả các nguồn lực quốc gia. 

Bốn là, cùng với khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, cần phải đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, củng cố và phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, để kinh tế nhà nước làm tốt vai trò chủ đạo cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Cần tăng cường hơn nữa sự quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân, để phát huy vai trò tích cực, ngăn ngừa có hiệu quả những động thái tiêu cực của kinh tế tư nhân; nhằm làm cho sự phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một nhân tố làm tăng sức mạnh toàn dân bảo vệ Tổ quốc. 

Năm là, cần tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng tổ chức tự vệ trong các doanh nghiệp tư nhân nhằm thiết lập trên thực tế thế trận quốc phòng toàn dân trong phạm vi cả nước. Để làm việc đó, trước hết cần quan tâm phát triển các tổ chức chính trị - xã hội: đảng, đoàn thanh niên, công đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân và luật hoá hoạt động của các tổ chức đó trong các doanh nghiệp này. 

Kinh tế tư nhân ở nước ta hoạt động trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chịu sự chi phối, điều tiết của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có trách nhiệm tham gia xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng,vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta đã được nâng lên, coi đó là động lực của nền kinh tế. Cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, nhất là chỉ đạo tổ chức thực tiễn để thực hiện đúng đường lối, chính sách, phát huy hơn nữa tiềm năng của kinh tế tư nhân.

Đầu tư cho kinh tế tư nhân phát triển không phải là mục tiêu đạt tới, mà là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

-----------------

(1) (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, t.1, tr.240, tr.240.

(3) Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ngày 3/6/2017.

Theo TS. Nguyễn Quang Tạo-ThS. Nguyễn Thị Ly/Tạp chí Tuyên giáo

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều