Làm giàu trên “lưng” người trồng lúa

Ở một góc độ nhất định, thì người trồng lúa và doanh nghiệp (DN) lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đang cùng “canh tác” trên những thửa ruộng lúa. Vậy ở đây có thể dễ dàng nhận ra rằng, doanh thu, lợi nhuận của các DN là do “ăn” vào chính những khoản lợi nhuận mà đáng lẽ “ân nhân” của họ được hưởng.

 Người trồng lúa ở ĐBSCL đang chịu gánh nặng do chi phí đầu vào tăng cao.

“Ăn mòn” nhà nông

“Ba cùng”, người trồng lúa có “khốn cùng”?

Không thể phủ nhận rằng, đối với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và người nông dân trồng lúa nói riêng thì những chương trình liên kết ba, bốn nhà hay thực hiện cánh đồng lớn đã mang lại hiệu quả nhất định, tạo ra cách làm mới và thổi một luồng gió mới trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện những chương trình này đã bị không ít các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật lợi dụng! Nói về vấn đề này, có lần Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Cao Văn Trọng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Các DN tham gia vào chương trình này chủ yếu để bán phân, thuốc bảo vệ thực vật”.

Thực tế, sau khi đã thực hiện nhiều mô hình liên kết thì đến năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chính thức đẩy mạnh thực hiện chương trình “cánh đồng mẫu lớn” và được phát triển rộng rãi tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong đó, Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời) là đơn vị tiên phong thực hiện chuỗi giá trị từ “cánh đồng mẫu lớn”. Một trong những điểm để gắn kết được với người nông dân là Tập đoàn Lộc Trời đã đẩy mạnh chương trình “cùng nông dân ra đồng” hay còn gọi là lực lượng “ba cùng” với mô hình đưa các kỹ sư nông nghiệp cùng ăn, cùng ở và cùng làm với người nông dân. Mô hình “ba cùng” được xây dựng từ năm 2006, ban đầu triển khai đồng loạt tại các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Đến nay được triển khai rộng các tỉnh, thành phố, có sự tham gia đầu tư của Tập đoàn Lộc Trời.

Kể từ khi triển khai lực lượng “ba cùng” (với ba nhóm ngành hoạt động chính là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thu mua chế biến lúa gạo và một phần sản xuất lúa giống), tập đoàn có những bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô, doanh thu và lợi nhuận. Năm 2006, tổng doanh thu của Tập đoàn Lộc Trời mới chỉ đạt 1.470 tỷ đồng; đến năm 2011 là 4.869 tỷ đồng và năm 2016 đạt 7.783 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt hơn 347 tỷ đồng (gấp bảy lần doanh thu và hơn ba lần về lợi nhuận khi cổ phần hóa năm 2004). Đến thời điểm hiện tại, tập đoàn này là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất về thuốc bảo vệ thực vật với hơn 20% và là DN tư nhân đầu tiên xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo từ nghiên cứu, ứng dụng đến chuyển giao và phối hợp với nông dân sản xuất. Hiện tập đoàn có Trung tâm nghiên cứu thuộc công ty tư nhân lớn nhất, đồng thời có hơn 1.300 kỹ sư nông nghiệp (trên tổng số khoảng 3.400 cán bộ, nhân viên tập đoàn) cùng ăn, cùng ở và cùng làm với 40.000 nông dân để sản xuất gạo hữu cơ, gạo sạch và chất lượng cao.

Nhìn vào những số liệu nêu trên thì có thể thấy được, đó là mơ ước của tất cả các tập đoàn, DN đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng ngược lại nhìn vào những “đối tác” là những nông dân trồng lúa luôn được coi là “ân nhân” của Tập đoàn Lộc Trời thì sao?

Theo thống kê từ tập đoàn này tại các xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Bình, Vĩnh Long thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang; tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp (vùng trọng điểm trong liên kết cánh đồng lớn của Tập đoàn Lộc Trời), vụ hè thu năm 2016, năng suất lúa trung bình là 5,39 tấn/ha, giá lúa 3.199 đồng/kg, người trồng lúa thu về 30 triệu đồng/ha, trừ chi phí (giống, phân, thuốc và công) khoảng 17,2 triệu đồng và lợi nhuận là 12,8 triệu đồng/ha; vụ đông xuân 2016 - 2017, năng suất lúa đạt trung bình 4,8 tấn/ha, giá 3.425 đồng/kg, người dân thu về 28,2 triệu đồng/ha, lợi nhuận 12,2 triệu đồng. Do vụ thu đông (vụ ba) năng suất lúa thấp, chi phí cao lên người trồng lúa chỉ hòa hoặc lỗ. Giải thích về mức tính lợi nhuận này ông Nguyễn Tường Chinh, Phó Giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời cho biết: “Phần chi phí này chưa bao gồm tiền thuê đất. Trong đó, có những nông dân thuê đất để trông lúa và có nông dân trồng lúa trên đất của mình”.

Theo khảo sát của phóng viên, tại các địa phương có nhiều diện tích lúa trong liên kết “cánh đồng lớn” của Tập đoàn Lộc Trời để thuê đất trồng lúa, có giá khoảng 30 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, nếu tính hết các khoản phí và được tính theo thị trường thì người trồng lúa tại vùng ĐBSCL không hề có lời mà bị thua lỗ. Trước những diễn biến thực tế thì con số lỗ sẽ ngày càng tăng bởi phải đội giá vật tư nông nghiệp luôn tăng cao và tác động của biến đổi khí hậu.

Một vấn đề đặt ra là: Liệu lực lượng “ba cùng” có giúp gì cho người trồng lúa hay chỉ là “cánh tay” nối dài để các DN áp dụng chính sách bán hàng của mình? Khi được hỏi về vai trò chính của lực lượng “ba cùng” tại các HTX nông nghiệp, giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, nằm trong chuỗi liên kết của Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng: “Vai trò chính là tư vấn về kỹ thuật cho người trồng lúa”. Vậy cả hàng chục năm nay lực lượng “ba cùng” đã tư vấn như thế nào mà người trồng lúa ngày càng nghèo đi và Tập đoàn Lộc Trời lại có những bước tăng trưởng đột biến?

Lối thoát nào cho người trồng lúa

Với những gì đang diễn ra, liệu có phải là bản “lỗi” của cơ chế, chính sách về nông nghiệp trong quá trình phát triển về cây lúa mà trong đó đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại? Trong này, có thể thấy được các DN đang mải mê “làm giàu” mà bỏ “qua” những bước phát triển bền vững. Nói về điều này, GS, TS Mai Văn Quyền, nguyên Phó Viện trưởng Nông nghiệp miền Nam cho rằng: “Việc phát triển trong sản xuất, kinh doanh hay tổ chức thực hiện các mô hình liên kết trong nông nghiệp như hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức kinh doanh của các DN, cán bộ quản lý. Bởi trong tay các DN đều có rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kỹ sư nông nghiệp nhưng nhiều chính sách, giải pháp đưa ra đều hướng đến có lợi cho DN”.

Mặc dù số lượng về DN hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, thu mua chế biến lúa gạo tăng mạnh nhưng tại vùng ĐBSCL thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu giống lúa chất lượng. Tình trạng phân bón và thuốc bảo vệ kém chất lượng vẫn bao phủ lên những cánh đồng lúa. Bộ NN&PTNT đã rất nhiều khuyến cáo về việc dư thừa phân bón trên đồng lúa. Cụ thể, tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình 1.000 kg/ha/năm đất sản xuất nông nghiệp, 750 kg/ha diện tích gieo trồng; hiệu quả của việc sử dụng phân bón hiện nay đạt 40 - 45% với phân đạm, 25 - 30% với phân lân và 55 - 60% với phân kali, trung bình hiệu quả sử dụng phân bón chỉ đạt 45 - 50%. Như vậy, có thể hiểu được rằng hiện người nông dân đang sử dụng dư thừa khoảng 50% lượng phân bón các loại. Với những DN thực tế thường xuyên gắn với những cánh đồng lúa các nhà khoa học và hàng nghìn kỹ sư nông nghiệp là lực lượng “ba cùng” tại Tập đoàn Lộc Trời, chỉ cần đưa ra giải pháp phù hợp để tiết giảm lượng dư thừa này đã có thể giúp cho người trồng lúa cắt giảm rất lớn chi phí đầu vào. Nhưng cắt giảm chi phí này cho người trồng lúa thì liệu có ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của DN?

Theo GS, TS Mai Văn Quyền, với thực tế hiện nay thì chi phí đầu vào liên tục tăng đang “ăn mòn” nhà nông. Và để tăng lợi nhuận cho người trồng lúa thì điều trước tiên cần tập trung tiết giảm chi phí vật tư nông nghiệp. Có một minh chứng thực tế từ bài học về tiết kiệm chi phí đầu vào cho người trồng lúa đang tạo ra hiệu ứng rất lớn tại vùng ĐBSCL là việc giảm lượng lúa giống gieo xạ. Xuất phát từ chủ trương giảm chi phí đầu vào cho người trồng lúa từ vụ Đông xuân 2016 - 2017, HTX nông nghiệp Vinacam Tri Tôn, tỉnh An Giang đã ứng dụng việc gieo xạ từ 100 đến 120 kg lúa giống/ha (giảm khoảng 100 kg lúa giống so trước đây) và ngay từ vụ đầu tiên không chỉ năng suất lúa đạt trên 10 tấn/ha mà còn giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Sau khi được nhân rộng, việc giảm lượng giống lúa gieo xạ tại một số địa phương đã cho thấy không chỉ năng suất lúa tăng mà đã cắt giảm khoảng 4,5 triệu đồng/ha từ giảm lúa giống, phân bón, thưốc bảo vệ thực vật do cây lúa khỏe, phát triển tốt và ít sâu bệnh hơn. Một bài toán rất đơn giản, giảm khoảng 100 kg lúa giống/ha, với giá 15 nghìn đồng/kg thì người trồng lúa đã tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu đồng/ha. Với diện tích gieo xạ tại vùng ĐBSCL từ 1,6 đến 1,8 triệu ha/vụ thì người trồng lúa tại đây có thể tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng/vụ.

Theo Viết Đoàn, Quang Nhung, Thanh Phong/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều