Lạm phát năm 2022: Sức ép lớn, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn. Để lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, sức ép là hiện hữu cần có những giải pháp đồng bộ để đạt kiểm soát lạm phát.
Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi cơn "bão giá" xăng dầu 

Tình hình toàn cầu biến động, áp lực tăng giá lớn

Tại hội thảo Diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và những tháng cuối năm 2022, do Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 5/7 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho biết, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trung bình 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. "Với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn", TS. Nguyễn Đức Độ nhận định. 

Phân tích về khó khăn khi giá xăng dầu tăng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 lần và trong một năm qua, giá xăng dầu tăng 51,83%. Có thể nói, vận tải là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn "bão giá" xăng dầu. Một số hãng đã buộc phải tăng giá dịch vụ vận tải.

Nghề đi biển, đánh bắt hải sản cũng là một trong những ngành, nghề chịu ảnh hưởng nặng nề không kém từ cơn "bão giá" xăng dầu, thậm chí không ít ngư dân đã phải cho tàu cá nằm bờ vì chi phí dầu lên quá cao. Cùng với đó, hàng loạt hệ thống dịch vụ ăn uống phải đóng cửa, hoặc thu hẹp hoạt động do chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi hoạt động kinh doanh trực tuyến bị ảnh hưởng nặng do giá chuyển hàng tăng cao...

Đánh giá cao sự đồng hành của Nhà nước với DN, người dân, TS. Ngô Trí Long cho hay, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội. 

Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/4/2022...

Dưới góc độ quản lý, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra ý kiến: Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu năm 2022 lên mức 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Áp lực lạm phát tăng cao tại các nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như CPI Mỹ tháng 5/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021 tiếp tục ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, CPI của khu vực đồng euro tháng 5/2022 tăng 8,1% gấp 4 lần so với lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương châu Âu. Tại châu Á, CPI tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước của một số nước như Hàn Quốc tăng 5,4%, Thái Lan tăng 7,1%, Indonesia tăng 3,55%...

Cục Quản lý giá cho rằng, ở Việt Nam, CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu. Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua. 

 Hội thảo diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022 - Ảnh:VGP/Huy Thắng

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Về công tác điều hành giá nửa cuối năm 2022, Cục Quản lý giá cho rằng, sẽ có nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; cùng với đó là chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao...

Ở chiều ngược lại, cũng có những yếu tố giảm áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát như: Các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào...

Theo Cục Quản lý giá, hiện tại đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể.

Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có các biện pháp bình ổn giá phù hợp; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Đưa ra dự báo, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích: Để lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.

Ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng: "Có 83% khả năng lạm phát trung bình trong năm 2022 sẽ ở mức dưới 4%, trong đó có 58% khả năng lạm phát trung bình trong năm nay sẽ ở mức dưới 3,5%. Lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát".

Có cùng quan điểm, TS. Ngô Trí Long cho rằng, mặt bằng giá ở nước ta vẫn trong tầm kiểm soát. Điểm đáng chú ý là hiện nay, sức mua bắt đầu giảm, trong khi đầu vào chi phí tăng cao, DN không thể tăng giá bán. Các DN gặp khó khi e ngại ký hợp đồng dài hạn, không tính toán được chi phí đầu vào biến động theo hướng ngày càng tăng cao, đây là thách thức lớn của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm còn khá lớn và căng thẳng.

Có 3 yếu tố chính gây áp lực lên lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Một là, kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỉ lệ 37% chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế. Khi nguyên, vật liệu đầu vào tăng là yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong những tháng cuối năm. 

Hai là, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, đặc biệt xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình. Theo tính toán của cơ quan chức năng, khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. 

Ba là, trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, khi tống cầu lại tăng đột biến, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang lan tỏa vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế... sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023. Khả năng "nhập khẩu" lạm phát là hiển nhiên trong bối cảnh tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng...

TS. Ngô Trí Long cho rằng, giải pháp là cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Cần đa dạng hóa nguồn cung. Bảo đảm nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường...

Nhấn mạnh vào yếu tố tổ chức phân phối, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, cần tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý và những biểu hiện dựa vào thế mạnh của doanh số và thương hiệu để ép chiết khấu các nhà cung ứng của một số đơn vị bán lẻ thao túng thị trường, gây thiệt hại cho người sản xuất và cả người tiêu dùng xã hội.

"Cần làm tốt hơn nữa công tác thống kê sát với tình hình thực tế để làm cơ sở chỉ đạo kịp thời góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nếu thực hiện tốt các giải pháp, khả năng lạm phát năm nay chỉ ở mức 4% như chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 làm tiền đề phát triển nhanh và vững chắc cho những năm tiếp theo", ông Vũ Vinh Phú nói.

Theo Baochinhphu.vn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều