Liên tiếp các vụ trúng thầu bất thường tại huyện Thạch Thất: Bài học kinh nghiệm phòng tránh thất thoát, lãng phí, sai phạm trong đầu tư, xây dựng cơ bản

(Mặt trận) - Dưới lớp vỏ bọc đấu thầu rộng rãi thông qua “Hệ thống mạng đầu thầu quốc gia”, thế nhưng kết quả lựa chọn của nhiều gói thầu do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất phê duyệt lộ rõ sự bất thường khi một số cái tên quen thuộc là doanh nghiệp địa phương hay vùng phụ cận lại liên tiếp trúng thầu. Trái lại, nhiều “ông lớn” có tiếng trên thị trường đều bị “đá văng” ra khỏi các gói thầu một cách tức tưởi. 

Các quy định của pháp luật về đấu thầu khá hoàn chỉnh đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Tuy vậy, trong thực tiễn, tại nhiều địa phương, hồ sơ mời thầu “cài cắm” nhiều điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, hiện tượng doanh nghiệp “quen mặt” tại địa phương liên tiếp trúng thầu khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về sự minh bạch trong công tác đấu thầu.

Tìm hiểu của PV được biết, các gói thầu do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư hầu hết đều do doanh nghiệp trên địa bàn và các vùng phụ cận trúng thầu. Trong đó, có đến 8 gói thầu được Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất tổ chức đầu thầu rộng rãi nhưng kết quả đầu thầu cũng chỉ xoay quanh 3 cái tên quen thuộc là “ruột” của chủ đầu tư. Còn các “quân xanh” khác xuất hiện để “làm vui” thêm gói thêm cho các gói thầu.

 

 

Một trong rất nhiều Quyết định phê duyệt lựa chọn được ông Phùng Khắc Sơn – Giám đốc ký ban hành cho một số nhà thầu "ruột" của BQL DA ĐTXD huyện Thạch Thất.

Với cùng một kịch bản tương tự, ông Phùng Khắc Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất (thuộc UBND huyện Thạch Thất) đã ký phê duyệt hàng loạt gói thầu có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng bất chấp sự hoài nghi từ phía dư luận.

Cụ thể, tại Quyết định số 644/QĐ-BQLDA ngày 06/12/2019, ông Phùng Khắc Sơn - Giám đốc Ban Quản lý DA ĐTXD huyện Thạch Thất đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu  gói thầu số 2 thi công xây dựng dự án Đường giao thông Thạch Xá - Canh Nậu cho Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Tâm Phúc (địa chỉ: Cụm 11 xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với giá trúng thầu là 4,796 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đây là phiên chợ “1 mình 1 sân” của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Tâm Phúc bởi gói thầu trên chỉ có duy nhất doanh nghiệp này tham gia nộp hồ sơ dự thầu.

Tại Dự án THPT Minh Hà, dự án được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt tại các Quyết định: số 1161/QĐ-KH&ĐT ngày 23/9/2019 về việc phê duyệt  kết quả chỉ định  thầu gói thầu số 01: Tư vấn lựa chọn nhà thầu dự án: Xây dựng Trường THPT Minh Hà, huyện Thạch Thất; số 3868/QĐ-UBND ngày 07/10/2019 về việc phê duyệt dự toán các gói thầu; số 3986/QĐ-UBND ngày 21/10/2019 của UBND huyện Thạch Thất về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu số 06: Thi công xây dựng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, hạng mục chung (không bao gồm hạng mục PCCC và mua sắm thiết bị đấu thầu tập trung của thành phố) dự án: Xây dựng Trường THPT Minh Hà, huyện Thạch Thất.

Các doanh nghiệp mua hồ sơ mời thầu bao gồm: Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Tâm Phúc, Công ty TNHH Tân Tiến; Công ty TNHH Mạnh Quân; Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ thương mại Vinh Quang; Công ty TNHH Xây dựng Hòa An.

Tại gói thầu nay, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Tâm Phúc là đơn vị trúng thầu, với điểm kỹ thuật 75,5 điểm. UBND huyện Thạch Thất đã ban hành quyết định phê duyệt nhà thầu với giá trúng thầu: 50,111 tỷ đồng.

Có 2 nhà thầu khác nộp hồ sơ nhưng bị loại gồm: Công ty TNHH Mạnh Quân (xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) do không đạt yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm về yêu cầu nhân sự chủ chốt và thiết bị thi công chủ yếu cho gói thầu; Liên danh Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng Thanh Hải - Công ty TNHH Tân Tiến (địa chỉ: Cụm 2, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ) lý do không đạt về yêu cầu năng lực và kinh nghiệm về doanh thu bình quân hằng năm từ hoạt động xây dựng, nguồn lực tài chính cho gói thầu, kinh nghiệm hợp đồng xây lắp, nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu, thí nghiệm hiện trường.

Tại Dự án THPT Phùng Khắc Khoan, một lần nữa Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Tâm Phúc được xướng tên. Nhưng lần này, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Tâm Phúc phải thực hiện liên danh với Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ thương mại Vinh Quang (xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Số điểm kỹ thuật 75 điểm. Dự án này đã được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 4879/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 với giá trúng thầu: 42,364 tỷ đồng.

Hai nhà thầu nộp hồ sơ nhưng bị loại tức tưởi là Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng An Bình (Cụm 8 thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với lý do không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, về quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp, nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động, thiết bị thí nghiệm; Công ty Cổ phần Xây dựng Hải Phát (địa chỉ: số 71 TT1 khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) bị “đá văng” khỏi gói thầu với lý do “không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, về quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp, nhân sự chủ chốt, thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động, thiết bị thí nghiệm”.

Cũng trong năm 2019, Công ty TNHH Minh Tiến (địa chỉ tại Khu A, tái định cư Nông trường Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng “nhanh chân” trúng 2 gói thầu do Ban Quản lý DA ĐTXD huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư.

Theo đó, ngày 15/02/2019, ông Phùng Khắc Sơn - Giám đốc Ban Quản lý DA ĐTXD huyện Thạch Thất đã ký Quyết định số 25/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 02: Thi công xây dựng Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông thị trấn Liên Quan với giá trúng thầu (làm tròn): 4,272 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 230 ngày.

Hai nhà thầu bị loại là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Lũng Lô (Số 14, đường 19/5 phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) và Công ty Đầu tư sản xuất và xây dựng Trường Xuân (số 228, đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội), với cùng lý do không đáp ứng yêu cầu năng lực tài chính, năng lực nhân sự, thiết bị.

Tới ngày 29/11/2019, ông Phùng Khắc Sơn - Giám đốc Ban Quản lý DA ĐTXD huyện Thạch Thất tiếp tục ký Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Công ty TNHH Minh Tiến tại Dự án Kè đê bao từ Dốc Ngòi đi Đắp Ba và đổ mặt đường từ Đắp Ba vào Thiễu (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) có giá trị (làm tròn): 5,173 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến đầy 10 tháng, ông Phùng Khắc Sơn - Giám đốc Ban Quản lý DA ĐTXD huyện Thạch Thất đã ký 2 quyết định cho Công ty TNHH Minh Tiến trúng thầu có giá trị gần 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại Thạch Thất, còn có một “tay to” khác thường xuyên tham gia các dự án đầu thầu là Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ thương mại Vinh Quang.

Trong năm 2019, các gói thầu tại Thạch Thất dường như bị Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ thương mại Vinh Quang “thao túng” khi doanh nghiệp trúng liên tiếp đến 4 gói thầu lớn trên địa bàn. Bao gồm: Dự án THPT Phùng Khắc Khoan, Dự án từ Trường THCS Di Nậu đi Hiệp Thuận, Dự án Nhà văn hóa, câu lạc bộ thôn 8 xã Phùng Xá và Dự án Xây dựng trụ sở Đảng ủy - UBND xã Phùng Xá với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Ban Quản lý DA ĐTXD huyện Thạch Thất.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trung - Phó Giám đốc Giám đốc Ban Quản lý DA ĐTXD huyện Thạch Thất cho biết, công tác đầu thầu tại huyện Thạch Thất đều được tổ chức qua mạng, chúng tôi còn không biết mặt các nhà thầu là ai. Chúng tôi đưa ra một dãy các nội dung, công việc để đánh giá đạt hay không đạt, sau đó chấm điểm. Tuy nhiên, ông Trung thừa nhận để trúng thầu cần phải có nhiều “tiêu chí”… Các nhà thầu có số điểm cao là khó, rất ít, nhưng có số điểm trên 70 điểm là đã đủ điều kiện theo quy định.

Khi được hỏi vì sao công tác đấu thầu tại huyện Thạch Thất lại thường xuyên xuất hiện một số nhà thầu “quen mặt” tại địa phương trúng thầu thì ông Trung tỏ rõ thái độ lảng tránh và trả lời lòng vòng vấn đề.

Có thể thấy, việc nhà thầu “ruột” trúng thầu với số điểm kỹ thuật thấp hay một mình một ngựa khi tham gia đấu thầu là vấn đề gây bức xúc ở các địa phương trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Những doanh này là ai mà có thể dễ dàng ẵm trọn những gói thầu béo bở đến vây? Công tác tổ chức, tư vấn, đánh giá các gói thầu diễn ra như thế nào? Tại sao huyện Thạch Thất tổ chức đấu thầu rộng rãi nhưng kết quả trúng thầu lại rơi vào vài ba gương mặt quen thuộc? Liệu có hay không việc nhà thầu có mối quan hệ gần gũi với chủ đầu tư và được “xi nhan” từ đơn vị mời thầu, tư vấn thầu cũng như chính quyền địa phương để có sự phối kết hợp nhịp nhàng, dễ bề thao túng? Có hay không sự móc nói giữa chủ đầu tư và nhà thầu để cài căm các tiêu chí, thông thầu trong các gói thầu trên?

Trên đây mới chỉ là lát cắt rất nhỏ về những dấu hiệu bất thường, hiện tượng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu thầu đã xảy ra rất nhiều năm trên địa bàn huyện Thạch Thất làm dấy lên những nghi ngại về sự không minh bạch, rõ ràng, có “sân sau”, “chỉ điểm” cho nhà thầu, không quan tâm đến chất lượng thi công công trình, làm tăng nguy cơ lãng phí đầu tư công cho ngân sách Nhà nước.

Do đó, đề nghị UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cần sớm vào cuộc để làm rõ có những khuất tất như thế nào và kịp thời xử lý nghiêm, tránh dư luận xấu, ngăn chặn thất thoát ngân sách Nhà nước cũng như không để những gói thầu được phê duyệt dễ dàng, ảnh hưởng chất lượng công trình khi đi vào sử dụng.

Hai là, để minh bạch vấn đề xây dựng cơ bản, các dự án đều phải được công khai, đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, hoạt động chất lượng, uy tín, chi phí thấp nhất, tiết kiệm cao cho ngân sách, ngăn cản lợi ích nhóm giữa đơn vị tổ chức đấu thầu và nhà thầu.

Ba là, ngoài công bố công khai đấu thầu rộng rãi thì cần để các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và cả nhân dân ở địa phương cùng giám sát nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong công tác đấu thầu.

Bốn là, hiện nay, “Quân xanh” trong đấu thầu vẫn còn “đất sống”, thậm chí “sống” tốt vì còn nhiều chủ đầu tư hoặc móc ngoặc với nhà thầu hoặc nhắm mắt làm ngơ để tạo ra “mảnh đất” thiếu cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu. Đội ngũ nhà thầu “quân xanh” vẫn còn sinh sôi nảy nở nếu sự giám sát, kiểm tra, thanh tra cũng như sự vào cuộc xử lý của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu còn hình thức, chiếu lệ. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình đấu thầu đã được làm đúng, đủ, công khai, minh bạch hay chưa? Cũng như cần chỉ mặt, bêu tên rõ những nhà thầu thường xuyên dự thầu nhưng bị loại bởi tư cách hợp lệ hoặc những lý do khó chấp nhận. Những thông tin về các nhà thầu này cần phải được công khai rộng rãi, phải được lọc ra để cơ quan quản lý dễ dàng nhận diện.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin.

Gần 2.000m2 đất công bị chiếm dụng xây dựng biệt thự: Bài học đắt giá trong quản lý đất đai tại huyện Thạch Thất

(Mặt trận) - Chiếm dụng gần hai nghìn mét vuông đất công (do UBND xã Cần Kiệm quản lý), tự ý chuyển đổi mục đích...

Phan Anh Tuấn

()

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều