Lợi ích và những lưu ý khi mua bảo hiểm nhân thọ: Bài học minh bạch thông tin, giảm thiểu rủi ro

(Mặt trận) - Bảo hiểm nhân thọ được tạo ra để bảo vệ tài chính của người mua bảo và gia đình trong trường hợp rủi ro xảy ra, ảnh hưởng tới khả năng làm việc, cung cấp tài chính của các thành viên trong gia đình. Nhưng bảo hiểm nhân thọ chắc chắn không chỉ có lợi khi rủi ro xảy ra. Đây cũng là một giải pháp để quản lý tài chính, chuẩn bị cho các kế hoạch và mục tiêu tương lai dù có rủi ro xảy ra hay không. 

Đây là lý do vì sao việc xác định mục tiêu luôn được khuyến khích trước khi ký vào hợp đồng bảo hiểm, để bạn có thể chắc chắn về kế hoạch người mua và gia đình muốn đạt được với gói bảo hiểm mình đã lựa chọn.

Ảnh minh họa.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một video của một khách hàng tại Nghệ An, cho rằng đã bị công ty bảo hiểm nhân thọ chi trả chưa chi trả hợp lý số tiền.

Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm (BMBH) là bà NTT*, tham gia bảo hiểm cho ông N.V.V* là chồng bà từ năm 2015, với số tiền bảo hiểm 200 triệu đồng.

Tại giấy yêu cầu bảo hiểm và Hồ sơ kiểm tra sức khỏe khi yêu cầu tham gia bảo hiểm, cả 2 ông bà đều trả lời "Không" tất cả các câu hỏi về tiền sử sức khỏe, trong đó xác nhận không bị bệnh lý nào, trong 1 năm qua không khám bệnh hay làm xét nghiệm nào, chưa từng nằm viện điều trị... Với kê khai như trên, ông bà đã được chấp nhận bảo hiểm với mức phí chuẩn.

Ngày 10/8/2018, người được bảo hiểm (NĐBH) là ông NVV tử vong do bệnh. Ngày 12/9/2018, bà NTT yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, công ty bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm cho bà NTT là hơn 124 triệu đồng.

Tại thời điểm xảy ra rủi ro tử vong, ông bà đã đóng tổng phí bảo hiểm là hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, bà NTT sau khi đã nhận chi trả, không đồng ý với số tiền chi trả và đã đưa video lên mạng xã hội.

Theo nguồn tin riêng, NĐBH là ông N.V.V đã từng điều trị tại bệnh viện cuối năm 2014 trước khi tham gia bảo hiểm là đầu năm 2015, và đã có tiền sử điều trị bệnh trước đó. Cơ quan lưu giữ thông tin điều trị có thể cung cấp bằng chứng liên quan đến sự việc này khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thông tin với báo chí, luật sư Nguyễn Trung Thành - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, đối với trường hợp như trên, khách hàng là người được bảo hiểm chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình: “Nghĩa vụ cung cấp thông tin của khách hàng theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm đã được quy định rõ tại quy tắc điều khoản sản phẩm bảo hiểm và Bộ luật Dân sự, cũng như tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, Điều 18, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định rõ: “Bên mua bảo hiểm (BMBH) có nghĩa vụ kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm. Khoản 1, Điều 19 Luật này cũng quy định: “Bên mua bảo hiểm (BMBH) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó”.

Theo quy định, việc doanh nghiệp thực hiện kiểm tra y tế hoặc đưa người được bảo hiểm đi khám tại cơ sở y tế (nếu có) là không bắt buộc, phụ thuộc vào quy trình giảm thiểu rủi ro chấp nhận bảo hiểm của công ty bảo hiểm, và không thể thay thế nghĩa vụ kê khai trung thực. Trên thực tế, có nhiều bệnh khó phát hiện thông qua 1 đến 2 lần khám.

“Trong hợp đồng bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, sẽ có điều khoản quy định BMBH có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và trung thực tất cả những thông tin có liên quan đến NĐBH và Hợp đồng theo yêu cầu của công ty bảo hiểm nhân thọ; đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về những thông tin đã cung cấp. Việc công ty bảo hiểm nhân thọ kiểm tra sức khỏe của NĐBH không thay thế cho nghĩa vụ này. Trường hợp BMBH/NĐBH vi phạm nghĩa vụ về cung cấp thông tin, Công ty bảo hiểm nhân thọ có quyền chấm dứt hiệu lực Hợp đồng, không hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng và không chịu trách nhiệm về rủi ro đã phát sinh đối với NĐBH.” – Luật sư Thành nêu.

Đại diện của công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết, trường hợp NĐBH cung cấp thông tin đã từng điều trị bệnh trước khi tham gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ yêu cầu cung cấp bổ sung hồ sơ y tế điều trị trước đó và có thể chấp nhận bảo hiểm nhưng có tỷ lệ phí phụ trội đối với phí bảo hiểm rủi ro của hợp đồng chính, chứ không áp dụng mức phí chuẩn như đã áp dụng đối với hợp đồng này.

Như vậy, trong trường hợp NĐBH không kê khai bệnh, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định tại Điều khoản sản phẩm mà BMBH đã tham gia, công ty bảo hiểm có quyền chấm dứt hiệu lực hợp đồng, không hoàn phí và không chi trả QLBH tử vong. Luật sư Nguyễn Trung Thành - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, việc không chi trả như trên là đúng luật.

Tuy nhiên, trên tinh thần thiện chí, công ty bảo hiểm nhân thọ đã xem xét phương án điều chỉnh số tiền bảo hiểm với tỷ lệ phí phụ trội áp dụng trong trường hợp khách hàng có kê khai đầy đủ về bệnh đã điều trị, xác định STBH mới của hợp đồng được điều chỉnh là 124.250.411 đồng.

Như vậy thay vì chấm dứt hiệu lực hợp đồng và không hoàn phí, công ty bảo hiểm nhân thọ đã thông báo, tiếp đón, giải thích và giải quyết chi trả QLBH là số tiền bảo hiểm điều chỉnh 124.250.411 đồng vào ngày 03/01/2019. Tại thời điểm xảy ra rủi ro tử vong, khách hàng đã đóng tổng phí bảo hiểm là hơn 40 triệu đồng.

Đại diện công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết công ty này đã chi trả quyền lợi bảo hiểm và đáo hạn cho khách hàng với tổng giá trị lên đến gần 35.000 tỷ đồng với trường hợp chi trả bảo hiểm lớn nhất ghi nhận được có tổng giá trị chi trả hơn 11 tỷ đồng cho một khách hàng và công ty cam kết thực hiện đúng các nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

Bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang phát triển với tốc độ nhanh. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành luôn duy trì trên 25%, và dự báo sẽ tăng trưởng 22 - 23% trong năm 2018.

Ưu điểm lớn nhất của bảo hiểm nhân thọ là giải pháp này sẽ giúp bạn thực hiện các mục tiêu, kế hoạch mà vẫn bảo vệ bạn trước những rủi ro trong tương lai như tai nạn giao thông, bệnh hiểm nghèo, và rủi ro khuyết tật. Với bảo hiểm nhân thọ, người sẽ đảm bảo được rằng dù mình không thể làm việc và duy trì thu nhập thì tài chính của gia đình cũng sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề và các kế hoạch tương lai sẽ vẫn được thực hiện.

Tuy nhiên, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, người mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cũng cần lưu ý những vấn đề sau đây:

Một là, người mua cần xem xét nhu cầu là bảo hiểm có kỳ hạn hay bảo hiểm trọn đời để có định hướng đúng đắn khi tìm hiểu đến chính sách bảo hiểm của cả hai loại.

Hai là, người mua nên nhớ rõ mục đích chính khi mua bảo hiểm nhân thọ chính là bảo vệ tài chính cho gia đình, nhất là người thụ hưởng, nếu người mua bảo hiểm xảy ra tai nạn bất ngờ dẫn đến tử vong hay bị thương;

Ba là, khi chọn mua một sản phẩm bảo hiểm, người mua bảo hiểm cần tìm hiểu kỹ các quyền lợi...

*Ghi chú: Danh tính của người tham gia bảo hiểm đã được thay đổi

Hà Tâm Hằng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều