Lợi nhuận các lĩnh vực kinh doanh chính của Masan tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2018

(Mặt trận) - Ngày 25/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2018. Theo đó, lợi nhuận các lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2018 và MNS (Công ty TNHH Masan Nutri-Science) đang trên đà tăng trưởng trở lại.

“Tăng trưởng của Masan thật sự ấn tượng, nhưng điều mà tôi tự hào hơn cả là cách mà chúng ta đã đạt được những kết quả này. Tăng trưởng này là kết quả của việc chúng ta đã giữ vững niềm tin vào chiến lược dài hạn từ 5 năm trước và tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh xuyên suốt trong thời gian thị trường khủng hoảng cũng như khi đối mặt với các khó khăn trong vận hành. Chúng ta đã không hy sinh bất kỳ nền tảng kinh doanh dài hạn nào cho các tăng trưởng ngắn hạn. Mỗi lĩnh vực kinh doanh đều đang đi đúng với tầm nhìn chiến lược 5 năm, và điều này sẽ giúp tăng trưởng bền vững với hai chữ số của doanh thu và lợi nhuận. Masan kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ bắt kịp với mức tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2018 cùng sự phục hồi hoàn toàn của Masan Nutri-Science. Triển vọng tăng trưởng của chúng ta đang rất tốt, và tôi mong muốn sẽ tiếp tục tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông, đối tác và người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty nhấn mạnh.

Theo các số liệu báo cáo, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty trong nửa đầu năm 2018 đạt 3.031 tỷ đồng, tăng 566% so với nửa đầu năm 2017, trong đó gần một nửa đến từ các khoản thu nhập một lần do giả định bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank (TCB). Theo các chuẩn mực kế toán Việt Nam, khi một công ty liên kết phát hành cổ phiếu cho cổ đông mới với giá trị lớn hơn giá trị cổ đông hiện tại đang sở hữu, thì việc pha loãng cổ phiếu đồng nghĩa với một khoản thu nhập tài chính do giả định bán. Masan cho rằng khoản thu nhập một lần này là minh chứng cho quyết định đúng đắn khi Công ty vẫn giữ lợi ích kinh tế tại Techcombank xuyên suốt thời gian khủng hoảng tài chính và đặt niềm tin vào khả năng ngân hàng trở thành một tổ chức tài chính hàng đầu.

Bên cạnh đó, nếu loại bỏ lợi nhuận 1 lần vào nửa đầu năm 2018 và giả định tỷ lệ sở hữu tại TCB vào nửa đầu năm 2017 bằng tỷ lệ sở hữu trung bình nửa đầu năm 2018, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty tăng 5,3 lần trong nửa đầu năm 2018 so với nửa đầu năm 2017 lên 1.559 tỷ đồng. Điều này giúp cải thiện biên lợi nhuận thuần lên 8,9% trong nửa đầu năm 2018 so với 1,6% trong nửa đầu năm 2017. Lợi nhuận đến từ mảng kinh doanh chính cải thiện nhờ vào việc quản lý hiệu quả, giảm chi phí bán hàng và chi phí tài chính. Ban Điều hành tin rằng, tăng trưởng lợi nhuận của các lĩnh vực kinh doanh chính sẽ cao hơn nếu không bị giảm tỷ lệ sở hữu của Công ty tại TCB vào nửa đầu năm 2018. Nếu tỷ lệ sở hữu của Công ty tại TCB vào nửa đầu năm 2017 bằng tỷ lệ sở hữu trung bình nửa đầu năm 2018, lợi nhuận của lĩnh vực kinh doanh chính sẽ tăng 5,3 lần.

Một điểm đáng chú ý là Công ty đã giúp nâng cao tỷ suất sinh lời cho các nhà đầu tư: tỷ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình (“ROAE”) trong lĩnh vực kinh doanh chính là 22% trong nửa đầu năm 2018, không bao gồm khoản thu nhập một lần đề cập ở trên, so với mức 11% trong năm 2017.

EBITDA hợp nhất trong nửa đầu năm 2018 tăng 38,4% lên 5.147 tỷ đồng so với mức 3.718 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, nhờ vào quản lý hiệu quả chi phí quản lý và bán hàng (“SG&A”), tối ưu vận hành và kết quả kinh doanh ấn tượng của Techcombank.

- Chi phí SG&A hợp nhất giảm 400 điểm cơ bản từ 20,6% trong nửa đầu năm 2017 xuống còn 16,6% trong nửa đầu năm 2018. Ngoài ra, nhờ biên lợi nhuận EBITDA của MCH tăng từ 12,7% trong nửa đầu năm 2017 lên 25,4% trong nửa đầu năm 2018.

- Tăng trưởng EBITDA còn đến từ mức tăng trưởng lợi nhuận 44,1% Techcombank.

Masan Group đạt doanh thu thuần 9.184 tỷ đồng trong Quý 2/2018, tăng trưởng 11,0% so với Quý 1/2018 với 8.274 tỷ đồng, nhưng giảm 3,1% so với Quý 2/2017 do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo, vốn đã kết thúc vào tháng 4/2018. Do đó, doanh thu thuần hợp nhất trong nửa đầu năm 2018 giảm 3,1% xuống 17.458 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính MNS, doanh thu thuần của Công ty trong quý 2/2018 tăng 16,9% so với quý 1/2018 và tăng trưởng doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2018 tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2017.

- Doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings (MCH) tăng 36,9% trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017.

- Doanh thu thuần của MSR tăng mạnh lên 26,6% trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017.

- Giá heo hiện đang dao động ở mức khoảng 48.000 đồng/kg tại miền Nam và 52.000 đồng/kg tại miền Bắc. Hiện nguồn cung thịt heo cho thị trường đang thấp hơn nhu cầu và Ban Điều hành tin rằng mức giá hiện tại sẽ là mặt bằng giá mới cho toàn thị trường. Do đó, doanh thu thuần của MNS tăng 9,1% trong Quý 2/2018 lên 3.492 tỷ đồng so với mức 3.201 tỷ đồng trong Quý 1/2018. Ban Điều hành kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm 2018 khi người chăn nuôi bắt đầu tăng đàn và chuyển sang các sản phẩm thức ăn chăn nuôi công nghiệp năng suất cao. MNS đang đón đầu thị trường và các khoản đầu tư hỗ trợ người nông dân trong giai đoạn khủng hoảng giá heo bắt đầu mang lại hiệu quả.

Các kết quả kinh doanh nổi bật trong nửa của Công ty đầu năm 2018:

Tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, xây dựng thương hiệu, các phát kiến mới độc đáo đã giúp cho MCH đạt tăng trưởng doanh thu thuần 36,9% và tăng trưởng EBITDA 174,3% trong nửa đầu năm 2018:

- MCH trở lại Top 3 công ty đầu tư xây dựng thương hiệu nhiều nhất và việc tung các sản phẩm mới thành công trong nửa cuối năm 2017 đã giúp doanh thu thuần tăng lên 7.526 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 5.496 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017, và mức 6.354 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016. Tăng trưởng này đến từ tăng trưởng của ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi và người tiêu dùng cũng đang chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp của MCH. Về lĩnh vực đồ uống, dẫn đầu bởi nước tăng lực Wake-up 247, tăng trưởng bán hàng đến người tiêu dùng đạt 32,1% nhờ vào mạng lưới phân phối được mở rộng và sức mạnh thương hiệu được cải thiện. Việc tung sản phẩm bia cao cấp mới bước đầu đã thành công, tuy nhiên việc mở rộng quy mô sẽ phải mất từ 12 đến 18 tháng do phải xây dựng hệ thống phân phối bia hoàn chỉnh và đẩy mạnh dùng thử và tiêu thụ sản phẩm.

- MCH đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Jinju Ham, một công ty hàng đầu về thịt chế biến. Việc hợp tác chiến lược này giúp tạo nên sự cộng hưởng lớn: kết hợp công nghệ tiên tiến và khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm (“R&D”) của Jinju Ham kết hợp với sự thấu hiểu sâu sắc người tiêu dùng Việt và khả năng xây dựng thương hiệu của Masan. Các phát kiến mới từ sự hợp tác này sẽ được tung ra vào nửa cuối năm 2018.

- EBITDA tăng lên 1.908 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng 174,3% từ 696 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 và tăng trưởng 49,3% từ 1.278 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016. Kết quả là biên EBITDA tăng gấp đôi từ 12,7% trong nửa đầu năm 2017 lên 25,4% trong nửa cuối năm 2018 (nửa cuối năm 2016: 20%).

- Lợi nhuần thuần phân bổ cho cổ đông của Masan Consumer (“MSC”), công ty con đang niêm yết của MCH, tăng trưởng 57,4% từ 963 tỷ đồng năm 2016; tăng trưởng 145,1% từ 618 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 lên 1.515 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018.

- Tăng trưởng của MCH bền vững do mức tồn kho tại các nhà phân phối trên cả nước chỉ là khoảng 15 ngày tính đến cuối tháng 6/2018, so với giai đoạn đỉnh lên đến 80 ngày vào cuối tháng 12/2016.

MNS đặt triển vọng tăng trưởng cao hơn cho nửa cuối năm 2018: giá heo hơi tăng lên khoảng 48.000 đồng đến 52.000 đồng/kg:

- Những dấu hiệu cho thấy thị trường thức ăn chăn nuôi đang phục hồi bắt xuất hiện khi giá heo hơi bắt đầu duy trì ở mức trên 35.000 đồng/kg trong nhiều tháng qua và đã ổn định ở mức trên 48.000 đồng/kg tại miền Nam và 52.000 đồng/kg tại miền Bắc trong suốt tháng 6/2018. Trong bối cảnh thị trường phục hồi, MNS đã đạt doanh thu thuần là 3.492 tỷ đồng vào Quý 2/2018, tăng 9,1% so với 3.201 tỷ đồng trong Quý 1/2018.

- Ban Điều hành tự tin rằng nửa cuối năm 2018 sẽ đem lại tăng trưởng doanh thu thuần so với nửa đầu năm, tuy nhiên mức tăng trưởng này sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng đàn của người chăn nuôi và việc qua trở lại sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năng suất cao. Tuy nhiên, cám Bio-zeem “Đỏ” - dòng sản phẩm cao cấp và cho năng suất cao nhất của Masan đã đạt tăng trưởng doanh thu 35,5% trong tháng 6 so với tháng 4/2018 và điều này khẳng định niềm tin của Ban Điều hành.

- Vào tháng 5/2018, Matthys van der Lely trở thành Giám đốc Điều hành của MNS Meat nhằm xây dựng nền tảng phân phối và bán lẻ thịt của Masan và giúp đẩy nhanh chiến lược về thịt của MNS.

Masan Resources (“MSR”) đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thuần ấn tượng nhờ vào giá vonfram tăng cao và cải thiện thiệu quả vận hành:

- Giá vonfram tiếp tục tăng cao hơn trong nửa đầu năm 2018 do nhu cầu vượt cung và các hoạt động thanh tra môi trường tại Trung Quốc tiếp tục được thực hiện trong Quý 2/2018. Ngoài ra, việc nâng cấp quy trình tuyển vonfram giúp tăng tỷ lệ thu hồi vonfram 4,5%, qua đó giúp cải thiện doanh thu thuần của MSR lên 3.239 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 2.559 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng trưởng 26,6%.

- Lợi nhuận thuần phẩn bổ cho cổ đông của MSR tiếp tục tăng quý thứ hai liên tiếp, đạt 330 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng 377,4% so với cùng kỳ năm 2017. Ban Điều hành dự báo tăng trưởng doanh thu năm 2018 sẽ đạt hơn 40% và biên lợi nhuận thuần sẽ đạt mức hai chữ số do lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty dự kiến sẽ đạt từ 600 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng nếu giá vonfram duy trì ở mức hiện nay là trên 300 USD/mtu.

Techcombank (“TCB”) đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 90,1% lên 5.196 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 2.734 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017: Lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2018 tăng nhờ tổng thu nhập hoạt động (“TOI”) tăng 20% từ 7.210 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 lên 8.659 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 mà đã bao gồm khoản thu nhập một lần 894 tỷ đồng. Với việc niêm yết thành công tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (“HoSE”) vào ngày 4/6/2018, giúp tăng vốn điều lệ của TCB lên 47,4 nghìn tỷ đồng, đây là mức vốn điều lệ cao nhất trong khối ngân hàng thương mại tư nhân tại Việt Nam. Với kết quả đó, chỉ số an toàn vốn của TCB đã tăng lên 15,9% so với mức 14,6% trong nửa đầu năm 2017 và cao hơn rất nhiều quy định của NHNN là 9%, trong khi mức nợ xấu chỉ là 2,0% tính đến cuối tháng 6/2018.

Nhận xét của Ban Điều hành về các rủi ro và cơ hội tăng trưởng so với dự báo về các lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính cho năm 2018: Masan tái khẳng định mức dự báo kết quả kinh doanh trong năm 2018 sẽ vẫn tương tự như đã công bố đầu năm nay. Tuy nhiên, Công ty vẫn sẽ tiếp tục theo dõi các rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận thuần:

- MNS: Khủng hoảng giá heo kéo dài hơn dự kiến và tốc độ tái đàn có thể sẽ chậm hơn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Lợi nhuận cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.

- MCH: Việc tiêu thụ các sản phẩm mới của MCH có thể chậm và khả năng trì hoãn việc tung một số sản phẩm mới ra thị trường.

- MSR: Giá vonfram hiện đang cao hơn mức Công ty dự tính nên có khả năng doanh thu và lợi nhuận sẽ cao hơn.

- Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty trong hoạt động kinh doanh chính có khả năng tăng do Công ty có thể giảm nợ vay và giảm tỷ lệ cổ đông thiểu số.

Tuấn Hường

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều