“Lùm xùm” quanh các dự án BT tại Điện Bàn, Quảng Nam: Đừng vì “bầy sâu mà làm rầu nồi canh”

(Mặt trận) - Liên quan đến các dự án BT tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến nhận định, đa số các dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao đều phát huy hiệu quả góp phấn thay đổi bộ mặt đô thị, phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Qua đó, cần có cách nhìn đầy đủ và đúng đắn về câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng hiện nay ở Điện Bàn, Quảng Nam, đừng vì một vài “con sâu làm rầu nồi canh” mà ảnh hưởng đến tất cả các dự án BT trên địa bàn.

Dự án DT603 do Tập đoàn Đất Quảng thi công xây dựng.

Dự án BT với tên gọi là dự án “đổi đất lấy hạ tầng” là cơ chế để giải quyết vấn đề phát triển hạ tầng. Thực tế, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ khiến nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia cũng như ở các địa phương tăng cao. Thế nhưng, ngân sách lại phải đối mặt với áp lực giảm bội chi và nợ công khiến cho việc thu hút đầu tư theo hình thức BT có sự tăng cường trở lại.

Hiện nay, hình thức ở một số địa phương bị bóp méo, biến tướng, tạo lỗ hổng trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, trục lợi do thiếu công khai minh bạch, có dấu hiệu lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất “vàng” đắc địa. Nhà nước bị thất thoát, lãng phí tài sản, đất đai.

Có thể thấy, đây là cơ chế khá linh hoạt nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội ở các địa phương, trong đó có thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Rõ ràng, một mặt sẽ thấy mang lại lợi ích cho hạ tầng đô thị nhưng mặt trái của BT đến nay vẫn chưa thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Tuy nhiên, việc triển khai một hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và quy trình để nhà đầu tư được đối ứng đất liệu có dễ dàng?

Qua quá trình tìm hiểu những nhà đầu tư các dự án đầu tư BT tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Tập đoàn Đất Quảng tại Quảng Nam đã những chia sẻ rất thẳng thắn về quy trình đầu tư các dự án BT tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.

Là doanh nghiệp đi đầu thực hiện đầu tư xây dựng vào thị xã Điện Bàn, khi mảnh đất này vẫn đang là “viên ngọc thô chưa được mài giũa”, nghe lãnh đạo Tập đoàn Đất Quảng trải lòng mới thấy hết được, các dự án BT tại Quảng Nam thuở sơ khai không phải  toàn “màu hồng”.

Theo đó, từ năm 2013, với cơ chế thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là khu vực Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Ban Quản lý Phát triển Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng tại Dự án tuyến đường trục chính đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Đây được coi là trục đường xương sống của đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Ban đầu, nơi đây có mật độ dân cư thấp, cơ sở hạ tầng khá nghèo nàn, lạc hậu. Nhận thức được vấn đề, giúp địa phương phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, từng bước nâng cao an sinh xã hội cũng là tự giúp mình, là trách nhiệm và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, Tập đoàn Đất Quảng đã mạnh dạn xin nhận làm nhà đầu tư để thực hiện thi công hai lý trình của tuyến đường xương sống của Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc.

Cụ thể, Dự án DT603, lý trình Km0 + 00 - Km0 + 400 (đoạn 400m) được kêu gọi đầu tư từ năm 2013, thời điểm bất động sản đang xuống đáy, hàng loạt doanh kinh doanh bất động sản rơi vào khó khăn.

Sau 4 năm, với quyết tâm và nỗ lực của Tập đoàn Đất Quảng, doanh nghiệp đã thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng đoạn từ ngã tư Điện Ngọc đến qua Trường Dũng Sĩ Điện Ngọc và đã bàn giao đưa vào sử dụng năm 2017.

Dự án DT603, lý trình Km0 + 00 - Km0 + 400 (đoạn 400m) là dự án BT đầu tiên tại thị xã Điện Bàn được doanh nghiệp bàn giao và đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ được ký kết, qua đó, khẳng định uy tín, cam kết đầu tư lâu dài của Tập đoàn Đất Quảng.

Nói một cách khách quan, dự án này đã làm thay đổi bộ mặt đô thị thị xã Điện Bàn nói chung và Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc nói riêng theo hướng rất tích cực. Dọc tuyến đường này đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, làm tăng thu ngân sách cho địa phương.

 

Dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) do Tập đoàn Đất Quảng triển khai đã làm cho bộ mặt đô thị Điện Nam – Điện Ngọc thay đổi rất tích cực.

Năm 2017, Tập đoàn Đất Quảng tiếp tục xin được làm nhà đầu tư thi công xây dựng phần tiếp theo của trục đường nói trên, lý trình Km2 + 280 - Km2 + 926 (đoạn 646m). Hiện nay, vì vướng công tác giải phóng mặt bằng nên công ty đã triển khai đạt khoảng 30% hạ tầng dự án.

Phương án thanh toán cho nhà đầu tư đối với đoạn 646m này là nhà nước cân đối quỹ đất trong khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc gồm một phần diện tích khu đô thị số 6, Khu dân cư Phố Chợ Điện Ngọc (giai đoạn 2), một khu đất tại khối phố Giang Tắc, Hà Dừa và xác định giá trị quỹ đất để giao thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT theo quy định.

Việc thanh toán thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước. Trường hợp giá trị thanh toán quỹ đất nhỏ hơn giá trị dự án BT thì nhà nước thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư bằng tiền mặt hoặc bằng quỹ đất khác theo quy định.

Cũng với việc thi công xây dựng trục đường, trước nhu cầu phục vụ chỗ ở cho người dân trên địa bàn và phát triển hạ tầng khu đô thị, Tập đoàn Đất Quảng đã chủ động thực hiện đầu tư xây dựng dự án Khu dân cư phố chợ Điện Ngọc (giai đoạn 2). Công ty Tập đoàn Đất Quảng đã nộp toàn bộ tiền sử dụng đất tương ứng với diện tích đất được giao vào ngân sách nhà nước để được xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Dự án. 

Sau này, khi dự án BT đoạn 646m hoàn thành và được nghiệm thu thanh toán, nếu giá trị quỹ đất đã thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì Tập đoàn Đất Quảng sẽ nộp phần chênh lệch còn lại vào ngân sách. 

Theo lãnh đạo Tập đoàn Đất Quảng chia sẻ, riêng khu đất tại khối phố Giang Tắc, Hà Dừa có diện tích khoảng 45ha để phục vụ BT nhưng khi tiến hành khảo sát thực địa, phần lớn là đất ở, mật độ dân cư dày đặc. Việc đền bù giải phóng mặt bằng là rất khó khăn, thậm chí là không thực hiện được.

Do đó, doanh nghiệp này chỉ thực hiện được từ 5-6ha làm dự án để thu hồi vốn, tương đương với khoảng 11% diện tích đất, trong đó có cả quỹ đất dành cho cây xanh và đường nội bộ…

Chia sẻ thêm với PV, đại diện Tập đoàn Đất Quảng cho biết, gần đây có một số thông tin gây hiểu lầm cho người dân là việc triển khai các dự án BT sẽ được doanh nghiệp sẽ lấy không quỹ đất để làm dự án, khiến nguồn lợi chảy vào túi tư nhân còn người dân không được hưởng lợi gì từ các dự án này. Đây là cách hiểu sai, ảnh hưởng đến nhiều các dự án BT đang triển khai và tạo dư luận không tốt cho các cấp quản lý và cho cả doanh nghiệp đầu tư đứng đắn.

Các dự án BT là một giải pháp quan trọng để nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bản chất hình thức đầu tư BT là tốt, song khi thực hiện có một số dự án đã đi sai hướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu. Đây là những dự án được ví như những “bầy sâu làm rầu nồi canh”.

Từ đó, phải giám sát, đánh giá lại các dự án này, dự án nào tốt, dự án nào chưa tốt, nguyên nhân, bất cập thế nào, nếu sai, phải kiên quyết sửa để giữ tài sản, đất đai cho Nhà nước và người dân.

Rõ ràng, bản chất hình thức đầu tư BT là tốt, song khi thực hiện một số dự án đã đi sai hướng so với mục đích tốt đẹp ban đầu. Vì thế, nếu dự án nào sai, chây ỳ thực hiện thì phải kiên quyết xử lý triệt để, không thể vì những trường hợp cá biệt mà ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, danh tiếng, uy tín của những nhà đầu tư chân chính.

Phan Anh Tuấn

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều