Một huyện mỗi năm bán ra 14 triệu con gà đồi, thu 1.250 tỷ đồng

Đó là đánh giá chung của nhiều đại biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị”. Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp UBND huyện Yên Thế, Sở NNPTNT Bắc Giang tổ chức cuối tuần qua.

Chăn nuôi gà đạt hiệu quả cao

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, những năm qua, mặc dù ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng chăn nuôi gà vẫn tăng trưởng đều đặn. Chăn nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ đang dần được thay thế bằng chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô lớn. Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay: "Thời gian qua, hoạt động khuyến nông đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ".

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn đồi đang mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Lý Văn Tiệp ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên).  Ảnh: Trần Quang

Đại diện doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến gà ở huyện Yên Thế, bà Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn mong thời gian tới có sự tăng cường hợp tác hơn nữa giữa 4 nhà, nhất là giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi trong việc cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua hoạt động khuyến nông, các địa phương đã xây dựng được các mô hình trình diễn, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng thành công các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới làm tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi, nâng cao hiệu quả, phát triển chăn nuôi gà một cách bền vững.

Theo bà Hạnh, từ năm 2011 đến 2017, hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gà chú trọng đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi thông qua việc xây dựng mô hình trình diễn, đã tăng hiệu quả so với chăn nuôi đại trà và từ đó nhân rộng mô hình vào thực tiễn sản xuất.

Cũng theo bà Hạnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai và quản lý 6 dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gà với quy môtrên 1 triệu con con, với 9.297 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho 6.816 lượt người trong và ngoài mô hình; tổ chức cho 2.510 người tham quan nhân rộng mô hình.

"Trong đó, có nhiều dự án, mô hình triển đã và đang triển khai có hiệu quả cao như: Dự án Xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm quy mô xã; Dự án Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh biên giới phía Bắc; Mô hình chăn nuôi gà thịt và nuôi cá tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai; Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu” - bà Hạnh nói.

Theo ông Thân Minh Sâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế (Bắc Giang), kết thúc năm 2017, tổng đàn gia cầm của huyện đạt 4,6 triệu con (trong đó đàn gà là 3,74 triệu con), tính đến thời điểm hiện tại đàn gia cầm của huyện là trên 3,5 triệu con; hàng năm huyện xuất bán ra thị trường được từ 12-14 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất đạt trên 1.250 tỷ đồng.

Theo ông Sâm, hiện tại, số lượng hộ chăn nuôi quy mô từ 500 - dưới 1.000 con tại huyện có trên 2.000 hộ; nuôi quy mô từ 1.000 - 2.000 con là trên 700 hộ; quy mô trên 2.000 con có trên 230 hộ; cá biệt đã có những hộ nuôi trên 7.000 - 9.000 con/lứa và nhiều lứa/năm.

"Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đàn gà và nâng cao chất lượng giống gà đồi đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất; Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu phương thức chăn nuôi gà thương phẩm; Quan tâm tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm” - ông Sâm nói.

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao

Ông Dương Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết, chăn nuôi gà theo phương thức thả vườn đồi đã góp phần tích cực trong phát triển sản xuất chăn nuôi của Bắc Giang theo hướng chuyển dịch cơ cấu, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính.

Thời gian tới tỉnh sẽ tập chung vào một số giải pháp chính. Cụ thể như về quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo các huyện thực hiện có hiệu quả hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030, đồng thời tham mưu đề xuất điều chỉnh bổ sung các khu chăn nuôi tập trung mới đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các chính sách, đề án đã được phê duyệt, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh cho xây dựng và phê duyệt chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giống gà thả vườn đồi nhằm hạn chế những tồn tại về công tác giống hiện nay.

“Cùng với đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chuỗi khép kín, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, kịp thời cung cấp thông tin thị trường cho người chăn nuôi” - ông Tùng nói.

Để nâng cao được hiệu quả chăn nuôi gà vườn đồi theo chuỗi giá trị, ông Dương Sơn Hà - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho rằng: "Các địa phương cần ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, chuồng trại, quy trình nuôi dưỡng, các công nghệ tiên tiến trong khu vực để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm".

Theo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều