Mua sắm thiết bị phòng COVID-19 dựa theo các quy định nào?

Trước băn khoăn của nhiều địa phương lo ngại về giá cả khi mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị y tế và cho rằng cần chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Đây là các mặt hàng không thuộc diện Nhà nước định giá nên thực hiện theo Luật Đấu thầu. Việc lựa chọn chỉ định thầu hay các hình thức khác do chủ đầu tư quyết định.
 

Hệ thống xét nghiệm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh quản lý và sử dụng. Ảnh: Văn Đức/TTXVN.

Trước đó, lãnh đạo y tế tại một số địa phương đã than phiền về sinh phẩm để xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 không thiếu nhưng thủ tục đấu thầu rất khó khăn. Nguồn sinh phẩm hiện tại chủ yếu dựa vào viện trợ, chưa có đơn vị nào đứng ra hướng dẫn, nhiều địa phương không dám tự mua vì sợ vi phạm.

Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay: Giá các mặt hàng khẩu trang, trang thiết bị, sinh phẩm chuẩn đoán, xét nghiệm và các vật tư y tế không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, bình ổn giá, kê khai giá.

“Trong Luật Đấu thầu đã quy định các điều khoản về việc mua sắm trong điều kiện dịch bệnh. Chúng tôi đề nghị các địa phương dựa trên các quy định mua sắm trong điều kiện dịch bệnh, để chúng ta có thể mua sắm được tốt nhất, giá cả hợp lý nhất, phục vụ cho công tác chống dịch, nhất là trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp”, Cục trưởng Cục Quản lý giá nói.

Liên quan đến quy định mua sắm theo Luật Đấu thầu, ông Bùi Anh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để mua sắm trang thiết bị, trong đó có trang thiết bị vật tư y tế đã khá đầy đủ, gồm Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn, trong đó có Thông tư 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

“Hệ thống các văn bản đã quy định rất rõ, đầy đủ về quyền hạn, quy trình thủ tục và các căn cứ xác định trong đó có xác định giá. Căn cứ xác định giá, thẩm quyền quyết định giá của các gói thầu, các chủ đầu tư (là các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương được giao dự toán) chủ động thực hiện theo đúng quy định, để xác định giá mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm chuẩn đoán, xét nghiệm theo quy định”, ông Bùi Anh Bình nói.

Theo ông Bùi Anh Bình, hệ thống các văn bản đã quy định rõ quy trình và căn cứ xác định giá nên các bộ, địa phương, sau khi giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc (chủ đầu tư), căn cứ các quy định để xác định giá mua. Giá mua phải dựa vào thông tin Bộ Y tế, là cơ quan quản lý Nhà nước về trang thiết bị, vật tư y tế công bố trong giai đoạn trước và căn cứ vào tình hình thực tiễn của thị trường để quyết định mua.

“Các mặt hàng này không thuộc mặt hàng do Nhà nước định giá nên không thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính. Bộ Y tế công khai thông tin về mua sắm các mặt hàng mua sắm tương tự trên thị trường giai đoạn trước và trong khi thực hiện, trách nhiệm chính thuộc về các chủ đầu tư”, ông Bùi Anh Bình khẳng định.

Việc mua sắm những mặt hàng trên theo Bộ Tài chính là từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (kể cả Trung ương và địa phương) theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập...; Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập (áp dụng từ ngày 1/9/2020).

Ngoài ra, tại điểm a khoản 5, Nghị định số 36/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị, Bộ Y tế công khai các thông tin về giá trúng thầu mua sắm trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế nhà nước trên phạm vi toàn quốc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. 

Liên quan đến giá dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 , ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Thực hiện quy định tại Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan ban hành các thông tư quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (nay là Thông tư số 14/2019/TT-BYT), trong đó có giá dịch vụ xét nghiệm để thu của người bệnh khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm y tế theo cơ chế đồng chi trả, không áp dụng trong trường hợp đấu thầu cung cấp dịch vụ hoặc đặt hàng dịch vụ xét nghiệm COVID-19.

Bộ Y tế đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đặt hàng dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 thanh toán từ ngân sách Nhà nước. Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đặt hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thanh toán từ ngân sách trung ương, thì Bộ Tài chính quy định giá tối đa, Bộ Y tế quy định giá cụ thể theo quy định hiện hành tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và pháp luật về giá.

Việc đặt hàng cung cấp dịch vụ, quyết định giá đặt hàng thanh toán từ ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, tại Thông báo của Văn phòng Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã chủ đạo thực hiện thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 từ nguồn bảo hiểm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bảo đảm chặt chẽ, đúng chế độ. Trong trường hợp này, sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế quy định tại luật và các văn bản hướng dẫn.

Như vậy theo Bộ Tài chính, đối với việc mua sắm các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, các chủ đầu tư có thể lựa chọn, áp dụng các hình thức mua sắm phù hợp với điều kiện của địa phương và các quy định của Luật Đấu thầu. Trong đó có hình thức đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh theo các quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Mỗi hình thức mua sắm lại có các căn cứ hướng dẫn xác định giá khác nhau. Vì thế, việc lựa chọn chỉ định thầu hay các hình thức mua sắm khác hoàn toàn do chủ đầu tư quyết định. Chủ đầu tư trong trường hợp này là các đơn vị mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm chuẩn đoán, xét nghiệm có quyền quyết định, mà không cần hướng dẫn của các bộ, ngành.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều