Nếu BOT không cần khoảng cách tối thiểu 70km?

Điều gì sẽ xảy ra nếu các trạm thu giá đường bộ (BOT) không cần lấy ý kiến người dân? Không có cả quy định khoảng cách tối thiểu 70km?

Trạm BOT Cai Lậy. Ảnh: Báo Đấu thầu.

Bộ GTVT vừa gây sốc dư luận khi bản dự thảo sửa đổi Thông tư 49/2016 đang “bỏ ra ngoài” những quy định mang tính chất tối thiểu.

Cụ thể, theo quy định mới, đối với quốc lộ, trạm thu giá phải nằm trong phạm vi dự án và có ý kiến thống nhất của các cơ quan địa phương (HĐND, UBND). Bỏ yêu cầu lấy ý kiến của Hiệp hội Vận tải ôtô và ý kiến của nhân dân địa phương như quy định cũ.

Về quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu giá 70km, dự thảo lần này cũng bỏ luôn.

Trên báo Pháp luật TPHCM, Bộ GTVT giải thích: Nguyên nhân bỏ là trước đó Bộ Tài chính có ý kiến cần cân nhắc sự cần thiết khi đưa thêm tiêu chí “lấy ý kiến của nhân dân địa phương”. Trường hợp nếu đưa tiêu chí lấy ý kiến tham gia của nhân dân địa phương phải xây dựng thêm tiêu chí định lượng tỉ lệ thống nhất/không thống nhất để có cơ sở thực hiện.

Còn việc bỏ quy định khoảng cách tối thiểu 70km là vì: Tiếp thu các ý kiến cho rằng việc quy định khoảng cách gặp khó khăn vì có thể rơi vào khu vực dân cư đông, chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định, không phù hợp với các thông tư hiện hành…

Cần phải nói ngay: Những lý do bỏ các quy định cũ là hết sức chủ quan.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những đối tượng chịu tác động trực tiếp của các trạm BOT không được quyền có ý kiến?

Điều gì sẽ xảy ra khi khoảng cách 70km, vốn thiết kế để đảm bảo người dân, doanh nghiệp không phải chịu một tình trạng, một mật độ thu phí/giá quá dày trên các tuyến đường, một khoảng cách mang tính chất tối thiểu, cũng bị bỏ qua?

BOT là phương thức huy động vốn xã hội hóa cần thiết cho hạ tầng giao thông, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà  nước khó khăn. Nhưng một văn bản pháp lý không để sửa đổi chỉ đề tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BOT.

Mỗi một chiếc ôtô khi ra đường đã phải chịu phí đường bộ, và khi dân kêu phí chồng phí, không giải thích,  Bộ GTVT đổi tên từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”, một cách để tránh “phí chồng phí”. Nhưng lần này, với việc đưa ra khỏi các ràng buộc có tính chất pháp lý việc lấy ý kiến đối tượng bị tác động trực tiếp, bỏ quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí/giá, chắc chắn họ sẽ không nhận được sự đồng tình của người dân.

Theo Anh Đào/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều