Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19

(Mặt trận) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược 2021-2030 với những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mới. Dù phải cân nhắc những kịch bản diễn biến dịch bệnh, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khi COVID-19 kết thúc.

Đại dịch COVID-19 kể từ đầu năm 2020 đã có những tác động bất lợi, sâu rộng, cả trực tiếp và gián tiếp đối với kinh tế toàn cầu. Đến thời điểm cuối năm 2021, đại dịch vẫn có những diễn biến hết sức khó lường, cho dù nhiều nước đã bắt đầu quá trình phổ biến vắcxin.

Quan ngại về suy giảm kinh tế, mất việc làm do đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến nhiều quốc gia thực thi các chính sách nới lỏng tiền tệ và triển khai các gói hỗ trợ tài khóa với quy mô chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh tác động làm gia tăng rủi ro nợ toàn cầu và khả năng phục hồi không đều giữa các nền kinh tế, các biện pháp hỗ trợ này cũng đặt ra quan ngại về việc nhiều nước giảm sự lưu tâm đối với cải cách thể chế kinh tế. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Cảng container quốc tế Lạch Huyện, tháng 12/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế. Ở thời điểm khó khăn - năm 2020 - kinh tế Việt Nam đã cho thấy sức bật và vị thế tương đối tốt để thoát khỏi “bẫy kinh tế” của khủng hoảng COVID-19.

Điểm tích cực trong bức tranh kinh tế Việt Nam chín tháng đầu năm 2021 là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được giữ vững. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực; chi ngân sách đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân trong khi vẫn thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế phí, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân.

Kết quả này là nhờ cộng hưởng của thành công trong kiểm soát dịch bệnh và những thành tựu, động lực tăng trưởng kinh tế được tích lũy từ trước đó. Năm 2021, với nền tảng đã có kết hợp với việc tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp tục thực thi các FTA thế hệ mới và sự thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại.

Với mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” từ Nghị quyết 128 của Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Sự chuyển hướng từ tập trung phòng, chống dịch là chủ yếu sang thích ứng và từng bước hướng đến “sống chung” đã phản ánh sinh động quyết tâm của Chính phủ và cả cộng đồng các doanh nghiệp cho một nền kinh tế linh hoạt và thích nghi.

Tuy nhiên, với những ảnh hưởng nặng nề và kéo dài của đại dịch COVID-19 gây ra đã làm cho bức tranh kinh tế cũng có nhiều gam màu xám và đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh kéo dài. GDP quý III giảm 6,17%, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các trụ cột tăng trưởng là công nghiệp và xây dựng; dịch vụ đều giảm mạnh. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình hình hoạt động của khu vực sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng tới động lực phục hồi tăng trưởng trong thời gian tới nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Việc làm, sinh kế, đời sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tại khu vực thành thị; “sức khỏe” của doanh nghiệp suy yếu, nguồn lực cạn kiệt, mất sức cạnh tranh và nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động. Nhiều chuỗi sản xuất, ngành hàng phải “đứt gãy” trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu của năm 2021 chưa đạt mục tiêu đề ra, sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm.

Để hồi phục kinh tế hiệu quả, không chỉ dựa vào chính sách giải cứu doanh nghiệp, người dân trong ngắn hạn mà cần "tư duy lại", "thiết kế lại" và "xây dựng lại" toàn bộ nền kinh tế.

Trước hết, cần hoạch định lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Mức độ tăng trưởng phục hồi ở mức nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào lộ trình thích ứng, sống chung an toàn với Covid-19. Trong đó, các giải pháp để thúc đẩy được các động lực của nền kinh tế sẽ đóng vai trò rất lớn để giúp tăng trưởng kinh tế đạt được mức cao nhất có thể.

Việt Nam hiện đã có đầy đủ chiến lược về cải cách tổng thể nền kinh tế, gồm cải cách thể chế, cấu trúc kinh tế, đổi mới sáng tạo, tận dụng hội nhập, dịch chuyển chuỗi cung ứng... Thế nhưng, hầu như các chính sách vẫn còn nằm trên bàn giấy. Nhiệm vụ cấp bách là cần đi sâu vào từng chiến lược, hiện thực hóa chiến lược vào đời sống.

Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài không chỉ về quy mô vốn đầu tư và thị trường, mà các yếu tố này còn đóng vai trò neo giữ kỳ vọng cho các nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa. Bên cạnh đó, với chiến lược hướng ngoại của nền kinh tế thì giới hạn tăng trưởng chủ yếu đến từ phía cung. Khả năng tăng cung sẽ đóng vai trò quyết định. Vì vậy, động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế Việt Nam sẽ là: Đầu tư để vừa tăng cầu nhưng cũng để tăng sản lượng tiềm năng (tăng khả năng tăng cung); xuất khẩu (XK); tiêu dùng trong nước. Trong đó đầu tư là điều kiện cần và XK là điều kiện đủ còn tiêu dùng nội địa là yếu tố tăng thêm.

Trong khi đó, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì khai thác thị trường nội địa sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh. Do quy mô thị trường nội địa nhỏ và tăng chậm vì vậy muốn tăng nhanh thì phải khai thác thị trường thế giới. Theo kinh nghiệm của các nền kinh tế đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan và Trung Quốc thì tăng trưởng nhanh đều phải dựa vào tăng trưởng xuất khẩu, và tăng tiết kiệm để tăng đầu tư. 

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, cần nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt; đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI.Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu tập trung quá mức vào các biện pháp tài chính và tiền tệ để thúc đẩy phục hồi kinh tế mà không tính tới điểm dừng/“bình thường hóa” phù hợp thì có thể dẫn tới rủi ro “cạn kiệt” không gian chính sách kinh tế vĩ mô, gia tăng áp lực lạm phát, và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.

Trong trung và dài hạn, cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế như đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ, đô thị hóa, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng mới dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn.

Sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương do đại dịch chính là những gợi ý cho chúng ta về cách tiếp cận mới cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Có thể xây dựng thêm nhiều đô thị trung tâm và các chuỗi đô thị vệ tinh tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm các cực tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, phát triển kinh tế số là một trong những mục tiêu giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững. Việc tái cấu trúc mô hình phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi số phù hợp theo chủ trương của Đảng, Chính phủ. Theo thống kê, bình quân nguồn lực cho chuyển đổi số của các nước khoảng 15%, tuy nhiên ở Việt Nam con số này mới khiêm tốn khoảng 10%. Như vậy, dư địa cho việc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia còn rất lớn.

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu hiện nay trong phục hồi lại nền kinh tế là giao thông phải đảm bảo thông suốt. Bởi khi giao thông bị ách tắc thì sẽ tạo ra hàng loạt các điểm nghẽn, chuỗi sản xuất bị phá vỡ, đổ gãy… vì giao thông được xác định là “mạch máu” của nền kinh tế.

Ở các nước phương Tây, lịch sử cho thấy cứ mỗi lần khủng hoảng các DN đóng cửa hàng loạt. Sau mỗi lần như vậy, tốc độ phục hồi kinh tế thường diễn ra rất nhanh, những DN còn tồn tại cũng phát triển nhanh chóng. Vì vậy, hỗ trợ DN cần căn cứ vào quy luật tất yếu này của thị trường. Những DN có khả năng phát triển, tồn tại được trong dịch Covid-19 là DN khỏe mạnh thực sự. Do đó, trong chính sách trợ giúp họ Chính phủ không nên cào bằng mà cần có sự lựa chọn. Bởi lẽ những DN đã bị sàng lọc, đào thải không có khả năng phục hồi, dù có hỗ trợ cũng không có hiệu quả, trong khi nguồn lực của Nhà nước hạn chế, không thể ôm đồm tất cả. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên theo hướng hỗ trợ DN có khả năng tồn tại và bứt phá, tránh chính sách đồng đều.

Năm 2022 không đơn giản là năm thứ hai trong kế hoạch 5 năm 2021-2025, mà là năm đầu tiên trong chương trình phục hồi kinh tế đang được Chính phủ thiết kế, đòi hỏi những giải pháp đặc biệt. Để phục hồi kinh tế, bên cạnh các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát tình hình dịch Covid-19, trong trung và dài hạn Việt Nam cần cải thiện động lực tăng trưởng để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó 2 trọng tâm cơ bản là cải thiện chất lượng thể chế nội tại và tận dụng tốt cơ hội từ bên ngoài. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép và  “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo nên những động lực mới cho nền kinh tế; cùng với sự nỗ lực, bản lĩnh và quyết tâm của các doanh nghiệp thì việc tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ đã ban hành cần được làm ngay.

ThS. Nguyễn Mạnh Tiến

Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều