Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bao giờ được tiếp tục triển khai?

“Hãy cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Tập thể lãnh đạo PVN sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về mặt kỹ thuật, đảm bảo nhà máy vận hành thương mại đúng tiến độ”.

Đó là khẳng định của ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch HĐTV PVN trong buổi làm việc ngày 28/7/2019 tại Thái Bình về tình hình triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Trong buổi làm việc này có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, cùng nhiều cán bộ các bộ, ngành, lãnh đạo Ban quản lý dự án, Tổng thầu EPC và các nhà thầu tham dự.

Được biết, sau gần 2 năm với 5 lần tổng hợp báo cáo xây dựng phương án đề xuất, nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành Trung ương… nhưng những vướng mắc của dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa được tháo gỡ và giải quyết. Nhiều người hy vọng với buổi làm việc này, với sự có mặt của các cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm, tâm huyết, trên cơ sở phân tích tính khoa học và thực tiễn, chắc chắn dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ được tháo gỡ, sớm cung cấp, bổ sung một nguồn điện lớn cho quốc gia, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội đất nước nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra dự án.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, tính đến tháng 7/2019 tiến độ tổng dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đạt khoảng 84,19%. Trong đó, thiết kế đạt 99,63%; ký các hợp đồng mua sắm đạt 99,71%; gia công chế tạo, vận chuyển đạt 93,79%; thi công đạt 82,14%; chạy thử đạt 3,52%. Dự kiến tổ máy 1 đưa vào hoạt động tháng 6/2020, tổ máy 2 đưa vào hoạt động tháng 10/2020. Khi đi vào hoạt động, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ cung cấp ổn định cho hệ thống điện quốc gia 7,2KWh điện thương phẩm/năm. Đây là nhà máy có ý nghĩa quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mang lại công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động.

Cũng theo báo cáo của Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư (phê duyệt điều chỉnh lần 2) là 41 ngàn tỷ đồng. Tính đến 30/6/2019, giá trị giải ngân từ khi khởi công là hơn 32,6 ngàn tỷ - đạt 78,22% giá trị vốn trong tổng mức đầu tư.

Hiện nay, dự án đã chậm tiến độ và có nhiều nguy cơ nếu không được giải quyết kịp thời về vốn. Vì đối với nguồn vốn vay nước ngoài, tổng giá trị vay theo hợp đồng đã ký là 937 triệu USD, đến nay đã giải ngân được 610 triệu USD (đã hết hạn giải ngân từ 28/9/2018). Việc gia hạn đối với hợp đồng vay nước ngoài chậm do chưa được cấp có thẩm quyền chấp nhận. Đối với vốn vay trong nước chưa được các Ngân hàng trong nước xem xét, cấp tín dụng, do vượt hạn mức, dự án chưa được đưa vào danh sách cấp tín dụng.

Theo tính toán của Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, để nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động thì cần phải tiếp tục đầu tư khoảng 2,5 ngàn tỷ đồng. Con số này tuy không lớn so với tổng mức đầu tư nhưng nó quyết định sự sống còn của nhà máy.

Cũng theo Bộ Công Thương và chủ đầu tư, Ban quản lý dự án: Nếu chậm tiến độ mỗi tháng Ban quản lý phải chi ra 3,5 tỷ đồng gồm lương và các chi phí khác như vậy nếu chậm 1 năm thì phải mất 40 tỷ đồng; chưa hết, theo ông Trần Sỹ Thanh “Một ngày chậm phải trả lãi ngân hàng hơn 6 tỷ đồng với các khoản đã vay”; Theo Bộ Công Thương: Nếu nhà máy chậm vận hành từ năm 2020 mỗi năm ngành Điện phải tốn chi phí khoảng 35 tỷ đồng để chạy dầu bù sản lượng điện của nhà máy.

Bài toán kinh tế đối với nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 như vậy đã rõ; nếu chậm bỏ ra 2,5 ngàn tỷ đồng trong một thời gian ngắn thì chúng ta cũng đã tính được thiệt hại. Nếu việc chậm trễ khoảng 2 – 3 năm tiếp theo thì nhiều chi tiết máy móc sẽ trở thành phế tích và những thiệt hại là không lường hết được. Bài học 12 dự án “khủng” của Bộ Công Thương đang làm nhức nhối xã hội, đây là hồi chuông cảnh báo để những người có trách nhiệm cần sớm ra một quyết định.

Theo nhiều nguồn thông tin, Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện cấp bách được hưởng cơ chế đặc biệt theo Quyết định 2414 của Chính phủ ký ngày 11/12/2013. Tính đến nay, Quyết định đã có hiệu lực gần 7 năm nhưng vẫn chưa có hướng dẫn của một số bộ, ngành có thẩm quyền vì vậy trong triển khai gặp nhiều vướng mắc, chủ đầu tư cũng đã xin ý kiến những vẫn chưa được một số bộ, ngành trả lời. Sự thiếu hướng dẫn này có thể dẫn đến việc các chủ đầu tư vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai.

Đã đến lúc Thủ tướng Chính phủ cần phải làm rõ trách nhiệm này thuộc bộ, ngành nào và xử lý trách nhiệm. Trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm pháp luật thì cũng cần xem xét trách nhiệm pháp luật đối với các bộ, ngành thiếu trách nhiệm trong việc hướng dẫn.

Chúng tôi cho rằng việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành liên quan thống nhất cao; Ban quản lý dự án, tổng thầu xây dựng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; đặc biệt PVN, thông qua ý kiến của Chủ tịch HĐTV Trần Sỹ Thanh đã thể hiện trách nhiệm, quyết tâm trong việc tiếp tục hoàn thiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và sớm đưa vào sử dụng. Đã đến lúc cần một quyết định của người có thẩm quyền, dù sao quyết định này cũng được các bộ, ngành và nhân dân ủng hộ và hiệu quả của dự án là đã rõ ràng, đặc biệt là hiệu quả xã hội.

Được biết, tại dự án này, một số sai phạm đã và đang được cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra. Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc để thanh tra một số nội dung của dự án đã thực hiện. Chúng tôi cho rằng đây là những việc làm cần thiết nhưng vẫn hoàn toàn độc lập trong việc triển khai dự án nhằm sớm đưa dự án đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Theo Duy Nguyên/Báo Xây dựng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều