Nhiều bất cập trong quản lý nhà đất công tại TP. Hồ Chí Minh

(Mặt trận) - Nhiều địa chỉ nhà, đất công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang được sử dụng lãng phí, sai mục đích và có nguy cơ thất thoát nhưng chưa được xử lý nghiêm, gây bức xúc xã hội.

Nhà hàng cà phê trong công viên Bình Phú, Q.6, TPHCM. Ảnh: M.Q

Theo báo cáo của Sở TN&MT TPHCM, trên địa bàn thành phố có hơn 12.800 địa chỉ nhà, đất công gồm nhà, đất do UBND TP và các bộ, ngành trung ương quản lý; trong đó, khoảng 10.800 địa chỉ nhà, đất do nhiều đơn vị cùng quản lý.

Theo khảo sát 10 công ty và tổng công ty nhà nước, Sở TN&MT phát hiện 112 trường hợp sử dụng không đúng như báo cáo mà cho thuê lại hoặc bỏ trống nhưng vẫn kê khai là đất đang sử dụng vào mục đích hoạt động của đơn vị.

Trong năm 2016-2017, Thanh tra TPHCM và Thanh tra Sở TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các công ty, tổng công ty nhà nước. Kết quả, phát hiện 99 mặt bằng sai phạm; đã xử phạt, kiến nghị xử lý thu hồi tiền, tài sản về ngân sách nhà nước gần 11,5 tỉ đồng.

Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TPHCM mới đây, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải cho rằng, hiện nay công tác quản lý nhà đất công có nhiều bất cập vì nhiều đầu mối. Nhiều bất cập, sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công đã được chỉ ra nhưng thành phố chưa có giải pháp quyết liệt.

Nhà hàng tiệc cưới xây trên đất Công viên Phú Lâm, Q.6, TPHCM.

Trong khi đó, ông Trương Lâm Danh - Trưởng Ban Pháp chế HĐND Thành phố - cho rằng, nhà đất công cho thuê, hết hợp đồng mà chưa thu hồi được là vấn đề nan giải. Giá cho thuê có nhiều bất cập, có nơi cho thuê giá năm 1994.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận công tác quản lý nhà đất công hiện nay còn nhiều hạn chế, gây bức xúc xã hội.

Đó là giao đất nhưng quản lý không chặt, có biểu hiện khoán trắng, tin tưởng vào việc quản lý trực tiếp của doanh nghiệp. Một số đơn vị tùy tiện chuyển nhượng, cho thuê nhưng đến nay vẫn xử lý chưa nghiêm.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP còn nêu một số hạn chế khác như chậm triển khai quy hoạch, chậm mời gọi đầu tư, giao đất cho chủ đầu tư mà chưa đánh giá đúng năng lực… "Đáng lo ngại hơn là nhiều người không biết sợ là gì mặc dù thanh - kiểm tra đã xử lý” - ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cho biết, trong thời gian tới, trừ những trường hợp chỉ định làm công ích, quốc phòng, còn lại phải đấu giá, đấu thầu công khai, minh bạch. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực điều hành của thành phố, tăng cường quản lý chặt chẽ tài nguyên đất, có cơ chế giám sát việc kê khai, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.

Theo M.Q/Lao Động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều