Nhìn lại 5 năm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách phát triển đặc thù

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 24-11-2017, của Quốc hội, “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết số 54), Thành phố đã đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khơi thông mọi nguồn lực, đưa Thành phố ngày càng phát triển. 
 Một góc Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: nhiepanhdoisong
Những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 54

Nghị quyết số 54 của Quốc hội đã trao một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, với 18 nội dung thuộc 4 lĩnh vực quản lý, gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Thành phố đã triển khai thực hiện với 21 nội dung, đề án cụ thể.

Về quản lý đất đai, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 3 nghị quyết, thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên và một nghị quyết để hủy bỏ dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha. Cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết số 54 đã giúp cho Thành phố rút ngắn thời gian làm hồ sơ gửi các bộ liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong 32 dự án đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua, hiện nay, có 9/32 dự án chậm tiến độ và cần đưa ra khỏi danh mục, có 2 dự án trên 200ha đã tổ chức bồi thường xong… Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54, Thành phố được hưởng 50% khoản tiền từ việc thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở Thành phố, nhưng đến nay chỉ có 2 căn nhà và đất được phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… Như vậy, mặc dù nhiều nội dung của Nghị quyết chưa có kết quả thực sự rõ ràng, nhưng quá trình thực hiện đã có hiệu ứng tích cực.

Về quản lý đầu tư, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua 3 nghị quyết để quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách, với tổng mức vốn đầu tư hơn 12.954 tỷ đồng, gồm: Xây dựng Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, kinh phí 1.491 tỷ đồng; xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch có kinh phí 1.508,121 tỷ đồng; bồi thường giải phóng mặt bằng Khu liên hợp thể dục, thể thao quốc gia Rạch Chiếc, phường An Phú, thành phố Thủ Đức với kinh phí 8.004,062 tỷ đồng; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí 958,611 tỷ đồng; xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 - 2025 với 992,537 tỷ đồng. Trên cơ sở Nghị quyết số 54, Thành phố nhanh chóng điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách Thành phố, đó là xây dựng đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, tổng mức đầu tư tăng từ 1.402,810 tỷ đồng lên thành 4.849,320 tỷ đồng.

Về cơ chế phân cấp, ủy quyền, từ Nghị quyết số 54, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã ủy quyền 85 đầu việc cho các sở, ngành, ủy ban nhân dân quận, huyện và thủ trưởng các đơn vị, đồng thời tổ chức hội nghị sơ kết việc ủy quyền trên. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố thống nhất ban hành 7 nội dung quy định các nhiệm vụ, quyền hạn mà chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện được ủy quyền cho chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã. Đối với việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ, xã hội hoá ở một số lĩnh vực, nội dung chủ yếu là đề xuất các giải pháp về tài chính, như khai thác các nguồn lực tài chính, mở rộng nguồn thu cho đơn vị sự nghiệp công lập trên từng lĩnh vực cụ thể, gồm: Rà soát điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo lộ trình do Chính phủ quy định; rà soát các khoản thu phí; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực bên ngoài; khai thác các nguồn lực tiềm tàng về nhà, đất, trang thiết bị, tài sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công như “vốn mồi” để phát triển năng lực cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; đổi mới phương thức giao dự toán ngân sách nhà nước từ cấp phát sang đặt hàng, giao nhiệm vụ theo đơn giá tính đủ chi phí; mở rộng xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công… Qua thực hiện ủy quyền đã giúp cho các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động trong công tác thực hiện nhiệm vụ được giao cũng như phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Thành phố đã phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương để tăng vốn cho đầu tư phát triển. Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành, điều chỉnh mức thu phí để bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, từ đó có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Về triển khai thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND, ngày 16-3-2018; Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND, ngày 9-12-2019, về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và chi thu nhập tăng thêm của Thành phố trong thời gian qua được hầu hết các cơ quan, đơn vị triển khai đầy đủ nội dung theo quy định, cũng như các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố; đối với khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo các hướng dẫn và văn bản của Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Các sở, ngành, quận, huyện ban hành quy định đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, cụ thể hóa các tiêu chí của Thành phố theo đặc thù từng lĩnh vực, tổ chức và bộ phận. Việc đánh giá, phân loại hằng quý cơ bản được triển khai nghiêm túc, có chất lượng và công khai, minh bạch. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trung bình hằng quý đạt 97,5% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức (của cả khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và khối Nhà nước); trong đó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trung bình 70,76%; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 26,74%. Số hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hằng quý chỉ chiếm 2,19%; số không hoàn thành nhiệm vụ là 0,34%. Từ quý III-2019, Thành phố áp dụng quy định đánh giá, phân loại sửa đổi, đồng thời triển khai thực hiện nguyên tắc tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của lãnh đạo, quản lý không quá 50% số lượng lãnh đạo, quản lý của cơ quan, đơn vị để từng bước nâng cao chất lượng đánh giá theo hướng phản ánh chính xác năng lực và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Dù chưa đạt tối đa là 1,8 lần mức lương theo ngạch bậc, nhưng chính sách trên phù hợp với năng suất thực tế của người lao động Thành phố vốn cao gấp 2,7 lần bình quân chung cả nước, đã tạo động lực, cải thiện đời sống, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo cũng như hiệu quả làm việc, nhất là trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Những “điểm nghẽn” cần sớm tháo gỡ

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 54 cũng còn những “điểm nghẽn” cần sớm tháo gỡ:

Thứ nhất, Nghị quyết số 54 cho phép Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, do một số cơ quan đã đấu giá nhưng chưa được phê duyệt và ngược lại hoặc đã đấu giá nhưng chưa có kết quả...

Thứ hai, Trung ương quy định số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức chưa tương xứng với khối lượng công việc thực thi. Khối lượng công việc của Thành phố phải giải quyết rất lớn, nhưng định biên lại rất hạn hẹp, trong khi Thành phố lại chưa được phân bổ biên chế cho các đơn vị nên khá bị động.

Thứ ba, chính sách áp dụng cho chuyên gia chưa thật sự có sức thu hút. Trong 5 năm thực hiện chính sách này, Thành phố chỉ thu hút được 5 chuyên gia, trong đó hiện chỉ có 1 chuyên gia đã ký hợp đồng và đang làm việc tại Khu Công nghệ cao của Thành phố. Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng chính sách đặc thù và tổ chức thực hiện, nên cần thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện quy trình.

Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện phân cấp, ủy quyền còn hạn chế. Hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền, nhưng luật chuyên ngành lại chưa có. Đơn cử, trong lĩnh vực xây dựng, cần quy định rõ những vấn đề phải xin ý kiến của bộ, ngành trung ương, những nội dung địa phương được tự quyết; những việc địa phương được làm thì các cơ quan trung ương chỉ giám sát, tránh tình trạng phải chuyển hồ sơ xin ý kiến từng nội dung dẫn đến rất lãng phí thời gian, công sức...

Thứ năm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa có quy định hướng dẫn sử dụng đất. Đến nay, Thành phố chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện gặp vướng mắc vì thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa.

Thứ sáu, việc chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực là khác nhau, nhất là một số ngành, lĩnh vực đặc thù, như giáo dục và đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Công chức, viên chức một số ngành dọc làm việc trên địa bàn Thành phố cũng chưa được thụ hưởng chính sách này, như ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự... Nghị quyết số 54 giúp thu nhập và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt, nhưng vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng.

Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi cần có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54. Nghị quyết mới phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể và sẽ không thí điểm cơ chế đặc thù, mà thực hiện dài hạn nhằm có thời gian triển khai và để thấy rõ được hiệu quả. Thời gian thí điểm cơ chế, chính sách quá ngắn thì rất khó lan tỏa trong xã hội. Đặc biệt, do là đô thị đặc biệt, nên Thành phố phải có cơ chế riêng trong nhiều lĩnh vực, như quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính ngân sách, đô thị, môi trường, tổ chức bộ máy, phân cấp, ủy quyền và một cơ chế riêng cho thành phố Thủ Đức. Nghị quyết mới thay thế phải xác định rõ ràng, minh bạch hơn nữa trong cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi chờ ban hành nghị quyết mới, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, nhất là trong bối cảnh đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đồng thời, tiếp tục triển khai các đề án, nội dung còn lại, bảo đảm chất lượng nội dung và tiến độ thực hiện.

Hai là, tiếp tục thực hiện công tác đánh giá, phân loại hằng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức làm căn cứ nâng cao hiệu quả chính sách thu nhập tăng thêm theo tinh thần Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND, của Hội đồng nhân dân Thành phố, đồng thời mở rộng đối tượng được hưởng chính sách, như cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan ngành dọc tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự đang sinh sống và công tác tại Thành phố.

Ba là, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nội dung ủy quyền tại các sở, ngành, quận, huyện theo quyết định ủy quyền cho các sở, ngành, thủ trưởng các sở, ngành, ủy ban nhân dân quận, huyện và chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã được ban hành.

Bốn là, thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Thành phố, hoàn thành thu ngân sách nhà nước, sắp xếp nhà, đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn để tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, từ đó có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng của Thành phố.

Năm là, rà soát nhu cầu, kịp thời ban hành chính sách đặc thù về trả lương, nhằm thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt theo nhu cầu của Thành phố, tạo sự bứt phá mạnh mẽ về nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đẩy mạnh tốc độ phát triển khoa học và công nghệ, đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương đi đầu cả nước trong thu hút nhân tài, phát triển kinh tế tri thức./.

Theo DƯƠNG HUY ĐỨC/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều