Phan Thành sẵn sàng hợp tác để khai thác công nghệ chế biến cát biển thành cát sạch

(Mặt trận) - Với mong muốn tạo ra sản phẩm cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng để vừa nâng cao chất lượng công trình vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, sau nhiều năm trăn trở, ông Võ Tấn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch Phan Thành (gọi tắt là Công ty Phan Thành) đã nghiên cứu thành công công nghệ chế biến cát nhiễm mặn thành cát sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn của cát xây dựng.

Công nghệ tiên phong “biến” cát bẩn, cát nhiễm mặn thành cát xây dựng

Công ty Phan Thành (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) là đơn vị sáng chế công nghệ rửa cát xây dựng được ứng dụng thực tiễn từ năm 2007. Khả năng rửa sạch tạp chất và sàng lọc phân loại cát bằng dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành đã được kiểm chứng qua kết quả xử lý thành 3 loại cát thành phẩm như: Cát to sạch hơn cát gốc dùng cho bê tông; loại cát nhỏ hơn dùng cho xây, trát; phần cát cực mịn dùng cho san lấp nền.

Dây chuyền biến cát biển thành cát xây dựng đạt chuẩn của Phan Thành. Thiết bị sàng tuyển rửa cát sạch này mỗi giờ có thể xử lý từ 150 - 300m3 cát.

Trên cơ sở thành công của các dây chuyền rửa, sàng, lọc cát bẩn thành cát xây dựng, Công ty Phan Thành tiếp tục nghiên cứu, sáng chế thành công công nghệ xử lý cát nhiễm mặn, cát biển thành cát sạch xây dựng, theo nguyên tắc bóc tách triệt để lượng muối ion clo- trong cát mà không sử dụng bất kỳ một chất hóa học nào.

Để rửa tách tạp chất bám dính trên bề mặt hạt cát, Công ty nghiên cứu chế tạo cụm thiết bị rửa tách tạp chất bám dính trên bề mặt hạt cát, đặc biệt là tách muối ion clo- ra khỏi cát. Để làm được việt này, cát biển nhiễm mặn phải trải qua các công đoạn như:

Công đoạn 1: Tạo áp lực đẩy ép hổn hợp cho cát biển và nguồn nước ngọt va đập, chà xát vào thành ống bơm, làm tách rời kết cấu tạm thời của hạt cát và tạp chất hữu cơ, phèn, muối,… tạo thuận lợi loại muối (ion clo) khỏi bề mặt qua khe nút của hạt cát.

Công đoạn 2: Loại bỏ tạp chất rắn, tạp chất hữu cơ dạng cục, sỏi qua hệ thống lưới sàng.

Công đoạn 3: Tiếp tục bổ sung lượng nước ngọt tùy theo độ mặn, độ bẩn của cát. Tạo áp lực dòng chảy, tạo va đập chà xát bề mặt và thành ống lần cuối để loại bỏ tạp chất muối ion clo ra khỏi hạt cát.

Công đoạn 4, 5: các loại hạt cát to sạch, cát mịnh được thu hồi theo các đường ống khác nhau. Tại đây tiếp tục bổ sung lượng nước ngọt để rửa lại một lần nữa (nước này được tái tạo sử dụng cho công đoạn 1).

Công đoạn 6: Thu hồi cát to sạch, cát mịn vào kho, lấy mẫu đưa vào phòng thí nghiệm và công bố chất lượng cát hàng hóa trước khi cung cấp ra thị trường.

Công đoạn 7: lượng nước thải có mang theo cát nhỏ, bụi theo dòng chảy vào hồ lắng. Tại đây các thành phần lắng lại được thu hồi để sử dụng cho san lấp nền, bùn và tạp chất hữu cơ có thể trồng cây. Lượng nước thải trước khi được thoát ra ngoài theo cống thoát sẽ được theo dõi xử lý có độ phèn phải dưới mức cho phép.

Đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của cát xây dựng tại Việt Nam

Công ty Phan Thành đã thực hiện nghiêm chỉnh việc công bố hợp chuẩn hợp quy cho sản phẩm cát sạch được chế tạo từ nguồn cát biển theo QCVN 16:2017/BXD được thực hiện chế tạo theo công nghệ Phan Thành.

Hiện nay, Công ty Phan Thành đã triển khai nhiều thiết bị ứng dụng sản xuất cát sạch theo quy mô công nghiệp tại: Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hóa, đảo Phú Quốc, Kiên Giang. 

Mới đây nhất, năm 2019, Phan Thành đã hoàn tất việc lắp đặt và vận hành thiết bị xử lý nguồn cát biển Vùng 5 Hải Quân. Với nguồn nguyên liệu cát biển đầu vào có hàm lượng muối ion clo- bằng 0,38% cao gấp 7,5 lần tiêu chuẩn cho phép và qua thiết bị xử lý sàng tuyển rửa bởi công nghệ Phan Thành cho ra cát sạch xây dựng với hàm lượng muối ion clo- bằng 0,009%, thấp hơn tiêu chuẩn cho phép < 0,01% đối với bê tông dùng trong các kết cấu bê tông cốt thép ứng lực trước; đồng thời nguồn cát nước ngọt được vận chuyển ra đảo Phú Quốc có hàm lượng muối ion clo- bằng 0,004% và được xem là hàm lượng ngang bằng với cát biển, nhiễm mặn sau khi xử lý.

Các chuyên gia thu mẫu cát nhiễm mặn nguyên khai, thí nghiệm ghi nhận: sau chế biến bằng dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành, hàm lượng clo- trong cát chỉ còn ở mức 0,018%.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật, ngày 22-01-2019, phân Viện chuyên ngành Bê tông thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo chính thức, nhận xét: “Mẫu cát nhiễm mặn Phú Quốc khi được lọc rửa bằng công nghệ Phan Thành thì lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và hàm lượng Cl- đạt yêu cầu kỹ thuật sử dụng cho các loại bê tông và vữa theo yêu cầu kỹ thuật trong TCVN 7570:2006”.

Cũng theo đánh giá của Viện Chuyên ngành bê tông tại “Báo cáo kết quả lấy mẫu và thí nghiệm cát nhiễm mặn”, cùng với các kết quả thí nghiệm của Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ, cát sạch được sản xuất bởi công nghệ Phan Thành có hàm lượng muối ion clo- thấp hơn rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Do đó, sau thời gian dài cũng không phát sinh muối trong cát.

TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định, công nghệ này được đưa vào ứng dụng trong thực tế sẽ tích cực giải quyết nhu cầu cát xây dựng cho các dự án, đặc biệt là các dự án đang triển khai tại các khu vực biển đảo như ở Phú Quốc, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển cát sông ra đảo, giải quyết vấn nạn sạt lở do thiếu hụt trầm tích tại nhiều địa phương đất liền.

TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nhận xét, so với cát sông thì cát biển có đặc tính tự nhiên ưu việt hơn như nhanh khô, không chứa các sinh vật nguy hại cho sức khỏe con người. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sử dụng cát biển để sản xuất bê tông cho phép giảm tỷ lệ xi măng mà vẫn đạt được chất lượng. Cát biển có nhiều ưu thế để thay thế hoàn toàn cát khai thác từ sông hay mỏ, nhất là trong điều kiện nước ta hạn chế khai thác cát sông thì lượng cát biển khổng lồ sẽ đáp ứng được các nhu cầu xây dựng khi được chế biến sạch.

Còn theo ông Võ Tấn Dũng, tác giả sáng chế công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành, việc chế biến thành công cát nhiễm mặn thành cát đạt tiêu chuẩn xây dựng sẽ góp phần tích cực để khắc phục cơn sốt cát xây dựng trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tận dụng nguồn cát biển đưa vào phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình biển đảo, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật của quốc gia, phát huy lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí cát và vận chuyển cát trong đầu tư xây dựng công trình đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng công trình.

“Hiện công nghệ đã hoàn thiện, và được ứng dụng vào thực tiễn tại nhiều địa phương, được các nhà khoa học và doanh nghiệp đánh giá cao về hiệu quả thực tế mang lại. Tuy nhiên, nếu chỉ mình Công ty sẽ thì sẽ có nhiều hạn chế trong việc phổ biến ứng dụng vào thực tiễn, do đó hiện Công ty sẵn sàng hợp tác với các đối tác để khai thác công nghệ này, mang lại lợi ích nhiều hơn cho đất nước, cho các địa phương và doanh nghiệp”. Ông Võ Tấn Dũng bộc bạch.

 

Ông Võ Tấn Dũng (thứ 2, từ phải qua) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, tháng 1 năm 2020.

Thiếu cát xây dựng là vấn đề gây đau đầu cho các nhà xây dựng, nhất là ở các vùng ven biển, hải đảo; trong khi nguồn cát tự nhiên thì ngày một cạn kiệt. Trong bối cảnh đó, ngày 25 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025. Theo đó, phát triển các cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp, các cơ sở sản xuất tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các công trình ven biển và hải đảo.

Với việc xử lý cát bẩn, nhiễm mặn, cát biển thành cát sạch xây dựng, công nghệ Phan Thành có ý nghĩa to lớn trong thực tế hiện nay khi góp phần quan trọng vào việc tận dụng nguồn tài nguyên cát biển, hải đảo, cát nhiễm mặn để xử lý thành cát sạch xây dựng cung cấp cho chế biến bê tông và vữa, làm giảm giá thành vận chuyển từ vài chục đến vài trăm nghìn cho mỗi khối cát; đồng thời các sản phẩm liên quan đến cát xây dựng như: Cống, kè và đặc biệt là dùng để sản xuất gạch không nung thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho biển đảo là giải pháp tối ưu trong việc giảm chi phí, giảm giá thành vận chuyển để giải quyết bài toán cát sạch xây dựng cho biển, hải đảo trong thời gian tới.

Công nghệ Phan Thành đạt nhiều giải thưởng khoa học danh giá

Với tính sáng tạo và mang lại hiểu quả cao, giải pháp “Công nghệ tuyên rửa cát biển nhiễm mặn thành cát sạch xây dựng đạt tiêu chuẩn TCVN 7570 : 2006” đã xuất sắc đoạt giải nhất ở Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ lần thứ X, năm 2018-2019.

Phan Thành cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành công hệ thống thiết bị sàng rửa cát nhiễm mặn và phân loại cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng theo TCVN 7570:2006.

Trước đó, dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch của ông Võ Tấn Dũng cũng đã đạt giải Nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.Cần Thơ lần thứ VI; giải Nhất hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc lần thứ XI; được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải WIPO về “Giải pháp kỹ thuật xuất sắc nhất năm 2011”. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền cho ông Võ Tấn Dũng vào ngày 3-11-2016.

Tuấn Đông

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều