Phát hiện nhiều sai phạm, Kiểm toán kiến nghị Habeco tăng nộp ngân sách 1.847 tỉ đồng

Theo kết luận của Kiểm toán nhà nước (KTNN), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và các đơn vị thành viên được kiểm toán phải tăng nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) 1.847 tỉ đồng. Thêm vào đó, Habeco có nhiều thiếu sót và sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn, chính sách giá mua bia, chính sách tiêu thụ sản phẩm...

Trong Báo cáo kiểm toán phát hành ngày 6.2.2018, KTNN cho biết trong số 1.847 tỉ đồng kiến nghị tăng nộp NSNN nêu trên bao gồm tăng nộp thuế giá trị gia tăng gần 4,5 tỉ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 441 tỉ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9 tỉ đồng; thuế thu nhập cá nhân 381 triệu đồng và các khoản phải nộp khác gần 1.392 tỉ đồng; đồng thời, giảm các khoản phải thu NSNN gần 5,8 tỉ đồng.

Theo kết quả kiểm toán, doanh thu bán hàng năm 2016 của Công ty mẹ đạt gần 7.676 tỉ đồng, tăng 12,3% (tương đương 844 tỉ đồng) so với năm 2015, trong đó doanh thu từ việc bán 525,9 triệu lít bia là 6.629 tỉ đồng, doanh thu từ bán vật tư, nguyên liệu là 1.037 tỉ đồng, doanh thu từ kinh doanh khác hơn 9,5 tỉ đồng.

Nhiều sai phạm của Habeco trong quản lý và sử dụng vốn

KTNN đã chỉ ra những bất cập, sai sót trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại Tổng công ty này.

Cụ thể, Habeco đã không thực hiện mua nguyên vật liệu chính thông qua đấu thầu mà thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho lô hàng trên 5 tỉ đồng. Điều này vi phạm Quyết định số 173/QĐ-HABECO do chính Habeco đặt ra ngày 1.4.2016 là việc mua sắm nguyên vật liệu phải “vận dụng các quy định của pháp luật về đấu thầu trong mua sắm hàng hóa dịch vụ”.

Hơn nữa, Habeco không tổ chức đấu thầu mua nguyên liệu Malt, chỉ chào hàng hạn chế, sau đó chọn giá chào thấp nhất để làm giá mua, số lượng mua không dành toàn bộ cho nhà cung cấp có giá thấp nhất mà phân bổ cho nhiều nhà cung cấp theo giá thấp nhất.

“Điều này hạn chế tính cạnh tranh và tiềm ẩn nhiều rủi ro thông đồng giữa các nhà cung cấp”, KTNN cho biết.

Trong phân bổ sản lượng bia Hà Nội gia công cho các đơn vị thành viên, về nguyên tắc, Habeco thực hiện dựa trên kế hoạch tiêu thụ tại các khu vực, năng lực sản xuất, thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của năm trước… Nhưng trên thực tế, Habeco chưa có tài liệu thuyết minh việc phân bổ này. Đáng chú ý hơn, KTNN phát hiện việc phân bổ chỉ tiêu sản xuất cho các đơn vị thành viên của Habeco có sự khác biệt rất lớn giữa năng lực sản xuất với sản lượng được phân bổ.

Cụ thể, đối với nhóm công ty có hợp đồng chuyển giao bia hơi License (li-xăng), Công ty CP Bia Hà Nội - Thái Bình được phân bổ chỉ tiêu cao nhất là 47,2% công suất, công ty được phân bổ thấp nhất là Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Phòng 12,3% công suất. Đối với nhóm công ty không có hợp đồng chuyển giao bia hơi li-xăng, công ty được phân bổ chỉ tiêu sản xuất cao nhất là Công ty CP Habeco - Hải Phòng là 106,9% công suất; công ty được phân bổ thấp nhất là Công ty CP Bia Thanh Hóa 18,5%.

Chính sách tiêu thụ sản phẩm, giá mua bia nhiều thiếu sót

Về chính sách giá mua bia của Công ty mẹ đối với các công ty con, KTNN chỉ ra rằng Habeco chưa có sự liên hệ giữa giá mua với giá thành hay lợi nhuận của nhà sản xuất, việc xác định giá mua đều dựa trên cơ sở giá mua của năm trước được điều chỉnh theo yếu tố thuế hoặc giá đầu ra.

Về chính sách tiêu thụ sản phẩm, Công ty mẹ Habeco ban hành giá bán các sản phẩm cho Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco và Công ty CP Thương mại Bia Habeco và chỉ đạo giá bán ra thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện vẫn còn nhiều thiếu sót.

Công ty TNHH Thương mại Habeco bán bia lon/chai cho hệ thống các đại lý cấp I theo hình thức mua đứt bán đoạn và ràng buộc giá bán ra của đại lý cấp I không cao hơn 7% giá mua của Công ty, nhưng thực tế Công ty chưa kiểm soát được giá bán ra của đại lý.

Với sản phẩm bia hơi, trong mô hình hệ thống phân phối Habeco ban hành không có đối tượng “nhà phân phối”, nhưng trong Hợp đồng ký kết giữa Công ty mẹ với Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội và Hợp đồng Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội ký với khách hàng lại chấp thuận Công ty được phép bán cho “nhà phân phối”.

Năm 2016, Habeco thực hiện 8 hợp đồng li-xăng với 8 công ty trong hệ thống với sản lượng 68,5 triệu lít. Tại các hợp đồng li-xăng quy định các công ty phải bán với giá cao hơn giá sàn nhưng Habeco không thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện giá bán, chỉ căn cứ vào báo cáo của các công ty. Vì vậy, giá báo cáo và giá bán thực tế có sự khác nhau nhưng không được kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định hợp đồng.

Theo P.M/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều