Phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(Mặt trận) - Doanh nghiệp Việt Nam là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động. Thực hiện Đề án của Chính phủ về Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp Việt Nam phải luôn chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, để các sản phẩm Việt luôn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động.
Doanh nghiệp Việt Nam tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Với lực lượng gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp Việt Nam là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp trên 60% vào GDP của cả nước; có những doanh nghiệp lớn trở thành niềm tự hào cho quốc gia và cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu khẳng định thương hiệu, uy tín trong nước và mang thương hiệu Việt đến với thế giới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nêu rõ: “Thực hiện nhất quán một chế độ pháp lý kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế. Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế”. Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu, bền vững, đưa nền kinh tế Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt, tận dụng được những thời cơ, thuận lợi do hội nhập quốc tế, làn sóng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Chủ trương của Chính phủ đối với phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay là: Nuôi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác liên kết khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI; thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Sản xuất, kinh doanh hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường.

Năm 2018, Chính phủ tiếp tục nỗ lực thực hiện thông điệp “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Qua đó, đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, tăng thêm năng lực hoạt động, cạnh tranh của doanh nghiệp. Để cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương và Hội đồng Thi đua khen thưởng các cấp tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, có cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, có đóng góp lớn cho xã hội.

Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cả nước quan tâm lựa chọn và mua sắm hàng hóa thương hiệu Việt. Kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách, quy định tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất kinh doanh. Năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận 107 ngày 10/4/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong Kết luận tại điểm 2 nhấn mạnh: Các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hành động của cấp ủy về thực hiện Cuộc vận động và triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ về Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, thông qua cuộc vận động, các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng vươn lên để đáp ứng với yêu cầu của thị trường và sự tin tưởng, quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam. Thường xuyên nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã tích cực tham gia chuỗi liên kết giá trị, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, đáp ứng việc cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam những hàng hóa ngày càng có chất lượng, giá thành hợp lý, mẫu mã đẹp. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam được nâng cao. Nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa được người tiêu dùng yêu thích, mua sắm và sử dụng. Có những sản phẩm không những khẳng định trên thị trường trong nước, mà có uy tín trên thị trường quốc tế, như: cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản, hàng may mặc… Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu hàng hóa, uy tín của doanh nghiệp; từ đó góp phần đề xuất các giải pháp bảo vệ hàng hóa thương hiệu Việt. Với sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương thức phân phối, bán hàng, tạo nhiều kênh bán lẻ… nhằm đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị lớn, tỉ lệ hàng hóa thương hiệu Việt luôn đảm bảo đạt trên 70%.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện Cuộc vận động; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng, ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh một số thuận lợi về sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ của Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước thì vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết là các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các mặt hàng nhập khẩu có thuế suất xuống còn 0%-5%. Việc Việt Nam cùng các nước ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hướng đến một nền kinh tế mở…thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt. Đây là thách thức lớn đối với nền kinh tế quốc gia, cũng là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt. Việc tiếp cận vốn còn khó, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp Việt vẫn cao, khả năng ứng dụng công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất để tăng hiệu quả, hạ giá thành vẫn còn khó khăn với doanh nghiệp Việt. Nhiều kênh thông tin chưa vào cuộc cùng với Cuộc vận động, chính vì vậy công tác truyền thông còn nhiều vấn đề bất cập, vẫn hướng đến quảng bá cho các sản phẩm ngoại nhập…cùng với đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng tinh vi trên thị trường…

Một số giải pháp phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động

Năm 2019 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), là năm tổng kết 10 năm thực hiện Thông báo kết luận 264 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ nhận thức, sự thành công của cuộc vận động phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, sự hưởng ứng của người tiêu dùng trên cả nước. Đặc biệt sự sáng tạo, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp. Do đó, rất cần những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264 - TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị; Kết luận số 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hai là, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cuộc vận động. Công tác tuyên truyền cần tập trung vào nội dung gì để tiếp tục tạo động lực cho doanh nghiệp, thu hút nhân dân tiếp tục quan tâm và sử dụng hàng Việt Nam. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động.

Ba là, tập trung nghiên cứu, đề xuất chính sách nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hóa trong sản phẩm hàng hóa Việt. Mở rộng các kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý thị trường, xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh để mang tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập trái phép.       

Bốn là, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng.

Sau gần 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành, đông đảo các doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân hưởng ứng và bước đầu đạt được những kết quả thiết thực, góp phần phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt, khẳng định tiềm năng dồi dào về năng lực kinh doanh, phân phối của các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam; đồng thời phát huy được lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân trước những khó khăn, thách thức của đất nước, góp phần huy động nội lực trong nước để thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Trương Thị Ngọc Ánh

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều