Phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam: Cần sự đột phá

(Mặt trận) - Xác định công nghiệp hỗ trợ là ngành tạo giá trị gia tăng cao trong sản phẩm, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, chính vì vậy những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở một số lĩnh vực, trong đó chủ yếu là công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, phục vụ sản xuất ô tô và ngành dệt may. Tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập, để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam cần có sự đột phá.
Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam
Trong những năm qua, ngành công nghiệp Quảng Nam tập trung phát triển chủ yếu theo chiều rộng, trong đó chú trọng các ngành công nghiệp chủ lực như: lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử, cơ khí, dệt may, da giày... Tuy nhiên các ngành này sản xuất gia công là chủ yếu, các nguyên phụ liệu, thiết bị linh kiện máy móc hầu hết nhập từ nước ngoài nên giá trị gia tăng không cao.

Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tỉnh Quảng Nam ước đạt 38.068 tỷ đồng (gồm sản xuất, sữa chữa xe có động cơ và phương tiện vận tải khác), chiếm 43% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, nhà sản xuất ô tô chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, đã đầu tư tổ hợp công nghiệp cơ khí ô tô tại Khu kinh tế mở Chu Lai với tổng số vốn đầu tư khoảng 780 triệu USD với các nhà máy sản xuất ô tô tải, ô tô du lịch, ô tô khách, các nhà máy cơ khí, sản xuất phụ tùng và công nghiệp hỗ trợ với công suất năm 2017 là trên 87.000 xe. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, Tập đoàn Trường Hải, thu hút 27 nhà máy sản xuất linh kiện và phụ tùng phục vụ cho việc lắp ráp ô tô du lịch, ô tô tải, xe buýt… Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô của Trường Hải khá cao, bình quân khoảng 52% đối với xe khách, 46% đối với xe tải và xe du lịch đạt 16,2%.

Về công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực điện - điện tử, hiện nay chỉ có Công ty CCI Việt Nam sản xuất sản phẩm chíp điện tử (tuy nhiên đây là doanh nghiệp chế xuất, xuất khẩu 100% sản phẩm) và Công ty Cáp Việt Hàn sản xuất cáp viễn thông. Công nghiệp điện - điện tử phục vụ ngành ô tô có Công ty TNHH MTV Sản xuất và Lắp ráp điện lạnh Trường Hải trong tổ hợp công nghiệp ô tô, do Trường Hải đầu tư.

Sản xuất dệt may và da giày xuất khẩu đóng góp lớn vào sự phát triển của công nghiệp tỉnh, góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm. Năm 2017, giá trị sản xuất ngành dệt may và da giày đạt 7.363 tỷ đồng, chiếm10,5%  giá trị sản xuất toàn tỉnh với hơn 2.000 cơ sở sản xuất, thu hút trên 50.000 lao động.

Tỉnh Quảng Nam đã ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư chuyên sản xuất các ngành công nghiệp hỗ trợ như sản xuất chi tiết linh kiện, thiết bị máy móc và nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp như  lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử, cơ khí, dệt may, da giày... nhưng kết quả đạt được khá khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Quyết định số 1286/QĐ - UBND, ngày 24/4/2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Quyết định số 285/QĐ - UBND ngày 22/1/2014 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 các văn bản này được các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng bộ triển khai. Kết quả sơ bộ cho thấy, với sự hỗ trợ đầu tư và các chương trình, dự án được đưa ra, đến nay đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề đầu tư các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may trên địa bàn tỉnh. Hiện tại Quảng Nam đang triển khai hình thành khu công nghiệp hỗ trợ dệt may đảm bảo xử lý môi trường để kêu gọi nhà đầu tư; đồng thời đang phê duyệt Đề án phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành).

Bên cạnh những thành quả đạt được, nhìn chung phát triển công nghiệp hỗ trợ của Quảng Nam còn thấp, do dung lượng thị trường nhỏ và hệ thống doanh nghiệp ngoài nhà nước còn non yếu; chính sách khuyến khích ưu đãi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa cụ thể, hiệu quả, nên các doanh nghiệp ít quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này; Tỷ lệ nội địa hóa của một số sản phẩm chưa cao… công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên phụ liệu cho các ngành này lại thiếu và yếu. Phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất hàng gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài, nên bị lệ thuộc về thị trường và chịu thua thiệt hơn so với doanh nghiệp sản xuất làm hàng FOB (mua đứt, bán đoạn). Giá trị xuất khẩu hàng dệt may tuy lớn nhưng chủ yếu là hàng gia công nên giá trị gia tăng rất thấp. Có những nguyên phụ liệu tưởng chừng như đơn giản, như: kim chỉ, dây néo, móc áo, bao bì, nhãn mác... nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất ô tô, các ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh mới phát triển với công nghệ lạc hậu; Chủng loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nghèo nàn, chủ yếu vẫn là các sản phẩm dệt thô, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa đơn giản; Sức cạnh tranh của sản phẩm hỗ trợ thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định, thời hạn giao hàng không đảm bảo. Hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo hầu như chưa hình thành...

Mặc dù có khu kinh tế mở Chu Lai với nhiều điều kiện ưu đãi hấp dẫn hơn các khu công nghiệp thông thường, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh còn hạn chế cả về số lượng và quy mô dự án. Ngay cả trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô với sự hiện diện và hỗ trợ rất lớn của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải cho công nghiệp hỗ trợ, song tỉnh hầu như chưa thu hút được doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng trong lĩnh vực này. Cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh vẫn còn hạn chế, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ trực tiếp các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Cần sự đột phá để phát triển

Để khắc phục những yếu kém, hạn chế, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế, trong thời gian tới, theo chúng tôi tỉnh Quảng Nam cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung hoàn thành và phát triển Trung tâm cơ khí ô tô quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai; hình thành các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ như: dệt, nhuộm,… Đồng thời khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo; hình thành hệ thống doanh nghiệp địa phương có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn tại địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Thứ hai, tỉnh cần tăng cường thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cơ khí công nghệ cao và hiện đại; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, thu hút đầu tư các nhà máy sợi, dệt nhuộm và sản xuất các loại phụ liệu, song song với hình thành Trung tâm dệt may tại huyện Quế Sơn.

Thứ ba, tập trung đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, phát triển đào tạo các ngành nghề phục vụ công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, có kế hoạch đào tạo cho đội ngũ quản lý và các chủ doanh nghiệp kiến thức về công nghiệp hỗ trợ, chính sách và chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh và cả nước.

Thứ tư, trong bối cảnh Quảng Nam đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, để phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, định hướng đến năm 2020, tỉnh tập trung đầu tư phát triển một số ngành quan trọng có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu để tạo ra các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn. Theo đó, trước mắt tỉnh tập trung tăng trưởng mạnh ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may – da giày. Cụ thể trong phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo sẽ là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.

Thứ năm, quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến để phục vụ sản xuất công nghiệp hỗ trợ, trong đó quan trọng nhất là cung ứng nguyên liệu như cây bông vải… Ngành dệt may được coi là một trong những ngành có nhiều lợi thế khi Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, Quảng Nam cần đẩy mạnh việc đầu tư vào địa bàn tỉnh những dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may với quy mô lớn, hiện đại để chủ động cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành may trong nước.

Thứ sáu, Quảng Nam cần chú trọng ban hành các chính sách cụ thể hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận, như: chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất; tín dụng, sử dụng kết cấu hạ tầng và các chính sách hỗ trợ về phát triển kết nối thị trường, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Võ Văn Lợi

Tiến sĩ, Học viện Chính trị khu vực III


Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều