Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phương thức chủ yếu để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển đất nước

(Mặt trận) - Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở nước ta đã có bước phát triển, các loại thị trường đã hình thành về cơ bản, các quyền kinh doanh được mở rộng, chủ thể kinh doanh phát triển đa dạng, thị trường mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng. Bài viết đánh giá sự hình thành cơ chế thị trường, sự phát triển của các loại thị trường và tác động đối với việc sử dụng các nguồn lực phát triển, chỉ ra những chỗ còn khiếm khuyết, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp cần thiết để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Sự phát triển kinh tế thị trường ở nước ta đến nay mới được 35 năm kể từ năm 1986, nhưng đã mang lại những kết quả rất to lớn trên nhiều mặt. Để tiếp tục phát triển hơn nữa, chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện các yếu tố kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Quan niệm về kinh tế thị trường

Phát triển kinh tế thị trường là vấn đề có liên quan đến hầu hết các vấn đề kinh tế - xã hội khác, là động lực quan trọng của sự phát triển, nếu thiếu sẽ không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng không thể hội nhập kinh tế quốc tế. Ở Việt Nam, Đảng ta đã lựa chọn xây dựng mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mô hình này được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo và thực hiện xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ XX (từ Đại hội IX của Đảng năm 2001). Đối với Việt Nam, mô hình này có ý nghĩa quyết định đến tương lai đất nước và vì vậy, tại Đại hội XI, Đảng ta coi đây là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và chủ động hội nhập quốc tế. Trong quá trình điều hành, hoàn thiện mô hình này, Đảng ta đã đưa ra cách tiếp cận tổng thể về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ làm rõ về nội hàm, đưa ra các quan điểm chỉ đạo đến xác định mục tiêu, lộ trình và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, mà điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, “Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”1. Thực hiện nhất quán lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này đã được các Đại hội Đảng ta cụ thể hóa trên một số mặt:

Về cơ chế thị trường: Phát triển đồng bộ cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản; Nhà nước tôn trọng nguyên tắc và cơ chế hoạt động khách quan của thị trường, sử dụng linh hoạt có hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở theo các nguyên tắc của thị trường, nâng dần và tiến tới thực hiện đầy đủ tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam.

Về các loại thị trường: Hình thành đồng bộ và tiếp tục phát triển, hoàn thiện các loại thị trường: Thị trường vốn và tiền tệ, nhất là thị trường vốn trung và dài hạn, thị trường bất động sản, thị trường lao động, dịch vụ khoa học, công nghệ, sản phẩm trí tuệ, dịch vụ bảo hiểm, các dịch vụ tư vấn... Mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Về phân bổ các nguồn vốn: Chuyển dịch cơ chế phân bổ các nguồn vốn vay Nhà nước mang tính hành chính sang cho vay theo cơ chế thị trường, triệt để xóa bao cấp trong kinh doanh, hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh. Phát triển thị trường chứng khoán thành một kênh thu hút phân bổ các nguồn cùng với sự phân bổ vốn qua các ngân hàng thương mại.

Về các chủ thể kinh doanh: Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là những bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Có các chính sách thích hợp tạo công bằng về cơ hội và bình đẳng trước pháp luật cho mọi công dân, mọi doanh nghiệp và nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong việc tìm và tự tạo việc làm, trong tiếp cận với thông tin kinh tế thị trường…

Về định hướng xã hội chủ nghĩa: Mục đích của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân, gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước thực hiện các chính sách xã hội hướng vào phát triển và lành mạnh hóa xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội, khuyến khích Nhân dân làm giàu hợp pháp.

Về hội nhập quốc tế: Chủ động tích cực hội nhập quốc tế và khu vực, thực hiện chính sách bảo hộ có lựa chọn, có thời hạn đối với các sản xuất trong nước.

Sự hình thành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế;... thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”2.

Các loại giá cả - giá cả hàng hóa và dịch vụ, tiền lương, lãi suất, tỷ giá đã được thị trường xác định. Giá cả hàng hóa và dịch vụ ở nước ta cho đến nay về cơ bản đã do thị trường xác định, nhưng một số giá cả của các hàng hóa đầu vào rất quan trọng như điện, nước, cước phí vận tải, liên lạc, viễn thông, sắt thép, xi măng, xăng dầu… đều do các Tổng công ty Nhà nước hoặc Tập đoàn Nhà nước chi phối. Có thể một số giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định, nhưng cũng phải theo các nguyên tắc của thị trường, nghĩa là phải tương đương với giá cả trung bình khu vực và quốc tế.

Tỷ giá tuy đã được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường, dao động theo một biên độ quy định, tuy có nới dần rộng ra, nhưng nhìn chung tính thị trường của tỷ giá vẫn còn hạn hẹp, do vậy đồng Việt Nam luôn bị đẩy giá lên. Lãi suất đồng Việt Nam đã được xác định theo cơ chế thỏa thuận. Tuy nhiên cơ chế thỏa thuận của lãi suất đồng Việt Nam về cơ bản là sự thỏa thuận giữa các ngân hàng thương mại quốc doanh. Từ năm 2002 đến nay, lãi suất đồng Việt Nam đã liên tục tăng, lãi suất đồng Việt Nam tăng tới 14%. Năm 2008, do yêu cầu chống lạm phát, đến cuối năm 2008 lãi suất đã giảm mạnh nhưng vẫn cao hơn lãi suất USD. Lãi suất cơ bản tuy không có ý nghĩa thực tế đối với lãi suất huy động, nhưng lại là trần đối với lãi suất cho vay, do vậy đã hạn chế tính thị trường của lãi suất này. Các ngân hàng thương mại quốc doanh là lực lượng chính huy động các nguồn tiền tiết kiệm trong dân, đồng thời cũng là lực lượng cho vay chủ yếu, do vậy lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay chủ yếu do các ngân hàng này chi phối.

Về các loại thị trường

Một nền kinh tế thị trường phải có các loại thị trường quan trọng: Thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường tiền tệ và vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường dịch vụ, thị trường khoa học và công nghệ… Mỗi một loại thị trường có một tầm quan trọng nhất định.

Thị trường hàng hóa ở nước ta hiện tương đối phát triển, giá cả các hàng hóa do thị trường định phổ biến, lưu thông hàng hóa được tự do trên phạm vi cả nước, tất cả các thành phần kinh tế được kinh doanh hàng hóa này. Thực tế nước ta cho thấy mức độ thị trường hóa càng cao thì hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại càng lớn.

Thị trường dịch vụ ở nước ta tuy chưa phát triển, nhưng cũng đã chiếm tới hơn 40% tổng GDP. Những dịch vụ đã phát triển ở nước ta là: vận tải, liên lạc, thương mại, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm… Theo phân loại của WTO, hiện có khoảng 150 lĩnh vực dịch vụ, trong đó nước ta mới chỉ có khoảng trên 50% nghĩa là hiện còn nhiều lĩnh vực dịch vụ nước ta chưa có, hay mới có ở mức chưa đáng kể.

Thị trường tài chính - tiền tệ, đã hình thành nhưng kém phát triển. Số lượng các loại hàng hóa trên thị trường tài chính - tiền tệ còn ít, số cổ phiếu bán trên thị trường còn nhỏ, thương phiếu hầu như chưa lưu hành đáng kể, trái phiếu công ty mới bắt đầu được phát hành, chỉ có trái phiếu nhà nước các loại được phát hành rộng rãi. Cơ cấu các nguồn vốn chưa hợp lý, phần lớn vốn huy động đều là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vay vốn lại là dài hạn.

Thị trường bất động sản đã hình thành rất sơ khai, chủ yếu sôi động ở các đô thị trong khu vực đất thổ cư và ven đô.

Thị trường lao động đã hình thành chủ yếu trong khu vực tư nhân với tiền lương đã có tính thị trường, lao động được di chuyển tự do trong nước.

Về định hướng xã hội chủ nghĩa

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta là một tiêu chí quan trọng để xem xét ta có đi đúng hướng xã hội chủ nghĩa không. Vì nếu tốc độ tăng trưởng của ta thấp kém hơn các quốc gia khác, thì khả năng tụt hậu so với họ là khó tránh khỏi, do vậy khó đảm bảo định hướng phát triển chủ nghĩa xã hội. Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng GDP đã duy trì ở mức 6%-8%, cao nhất khu vực ASEAN; tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập của người lao động đã được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cao hơn chưa khai thác hết, tỷ lệ thất nghiệp giảm chậm… chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng chưa được đảm bảo.

2. Đổi mới doanh nghiệp nhà nước tuy đã có Nghị quyết hội nghị Trung ương và kế hoạch của Chính phủ, nhưng đã được tiến hành quá chậm trễ so với kế hoạch đã được xác định, lại chỉ với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ đã chưa được cổ phần hóa theo đúng tiến độ cần thiết; chủ trương công ty hóa các doanh nghiệp nhà nước hầu như đã được triển khai chậm, chủ trương giao bán, khoán, cho thuê cũng tiến triển chậm chạp… Cho đến nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn là một gánh nặng cho nền kinh tế, là nơi nắm giữ hầu hết khoản nợ khó đòi của các ngân hàng, đòi bao cấp, đòi bảo hộ kéo dài, đòi được độc quyền kinh doanh, đòi ưu đãi về thuế, tín dụng… Các Tập đoàn Nhà nước tuy chỉ được thực hiện thí điểm, nhưng đến nay đã xuất hiện nhiều vấn đề về cả quy mô tập đoàn, cơ cấu ngành kinh doanh, bộ máy quản lý…

3. Chính phủ đã thực hiện tốt các chính sách, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng xa, ngập lụt, hỗ trợ các gia đình thuộc diện chính sách; phát triển giáo dục phổ cập… Sự quan tâm của Chính phủ về những mặt này đã thể hiện rõ bản chất của dân, do dân vì dân của Nhà nước ta. Tuy nhiên, phải thấy là phát triển thị trường cũng là một giải pháp quan trọng để làm cho đất nước giàu mạnh, xóa đói giảm nghèo.

Các giải pháp phát triển kinh tế thị trường

Đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết quốc tế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết

Việt Nam tham gia các hiệp định tự do (FTA) thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Những cam kết quốc tế về thực chất là những cam kết phát triển kinh tế thị trường cả về chiều rộng và chiều sâu. Với cách hiểu như vậy, Việt Nam phải lấy những cam kết đó làm mục tiêu phấn đấu phát triển kinh tế thị trường, làm sức ép buộc các nhà doanh nghiệp trong nước phải đổi mới phát triển. Việc thực hiện các cam kết quốc tế chính là phương hướng rất cơ bản để phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Giảm độc quyền, giảm bảo hộ, là những giải pháp căn bản để phát triển kinh tế thị trường

Cần có lộ trình 1-2 năm giảm độc quyền kinh doanh, trước hết là độc quyền định giá, bằng cách lấy giá cả trung bình khu vực làm chuẩn để định ra lộ trình giảm giá bắt buộc đối với các tổng công ty. Những giá cả các hàng hóa Việt Nam thấp hơn khu vực thì không nhất thiết phải có lộ trình tăng giá, vì đây là lợi thế của Việt Nam không nên giảm lợi thế này. Cần xác định lộ trình giảm bảo hộ, giảm thuế thu nhập, mở rộng quyền kinh doanh cho các công ty theo lộ trình cam kết quốc tế và đồng thời là lộ trình ta chủ động thực hiện, vì chính lợi ích của Việt Nam.

Hoạt động tiền tệ và tín dụng theo cơ chế thị trường

Xác định một lộ trình cho việc dãn dần và bỏ chế độ tỷ giá cố định, gia tăng tính thị trường của tỷ giá, đảm bảo tỷ giá luôn thấp hơn một chút so với giá trị thực của đồng Việt Nam. Hiện giá đồng Việt Nam có thể đã bị kích lên do mức lạm phát của Mỹ, lãi suất đồng Việt Nam cao hơn lãi suất USD, mức giảm giá đồng Việt Nam thấp so với mức lạm phát, cần có tính toán điều chỉnh phù hợp. Lộ trình này không thể quá dài.

Cần có những giải pháp và lộ trình thích hợp để đồng Việt Nam có thể chuyển đổi tự do trên các tài khoản vãng lai và tài khoản vốn. Giải pháp quan trọng nhất là phải chuyển mạnh theo hướng cân bằng xuất nhập khẩu và xuất siêu, điều này đòi hỏi phải mở cửa thị trường bên ngoài hơn nữa, điều chỉnh tỷ giá, ưu đãi cho xuất khẩu.

Điều chỉnh lãi suất theo hướng thỏa thuận phù hợp với thị trường, thực hiện lãi suất cơ bản theo hướng là lãi suất cho vay của ngân hàng Nhà nước trên thị trường.

Về phát triển các loại thị trường

+ Phát triển các hình thức tài chính phi ngân hàng, các công ty tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được bán trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty cổ phần mà nhà nước không cần nắm giữ, ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược.

+ Hạn chế và bãi bỏ chế độ bảo lãnh của các cấp chính quyền đối với các khoản cho vay xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, trừ một số rất ít các công trình trọng điểm quốc gia.

+ Chính quyền các cấp, kể cả các cơ quan của Đảng, các đoàn thể, quân đội, công an không được trực tiếp kinh doanh cạnh tranh với các công ty khác.

+ Giảm dần và tiến đến bãi bỏ chế độ cho vay ưu đãi, đối với mọi loại hình doanh nghiệp; chỉ có các ngân hàng chính sách mới làm nhiệm vụ cho vay ưu đãi trong những lĩnh vực hạn chế, ngoại trừ trường hợp hiện nay do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch bệnh.

+ Giá cả của quyền sử dụng đất dù do Chính phủ hay chính quyền các cấp xác định đều phải theo các nguyên tắc của thị trường, áp dụng phổ biến hình thức đấu thầu quyền sử dụng đất.

+ Tăng mức hạn điền đủ để phát triển các trang trại trồng lúa, tăng thời hạn giao đất, đồng thời phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn để tạo ra một sự phân công lao động mới trong nông thôn phù hợp với kinh tế thị trường.

+ Mở rộng chế độ hợp đồng lao động trong khu vực Nhà nước, phát triển mạnh hơn các trường dạy nghề, ban hành các chế độ ưu đãi để thu hút các nhân tài ở nước ngoài.

+ Cho phép các công ty nước ngoài được hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ đa dạng từ du lịch, xuất nhập khẩu, lưu thông phân phối, đến viễn thông với một lộ trình phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là ở những lĩnh vực dịch vụ mới mẻ ở nước ta chưa có như – các quỹ đầu tư rủi ro…

Ban hành thể chế

Nghiên cứu, soạn thảo sớm ban hành những bộ luật của kinh tế thị trường mà ta chưa có.

Sớm sửa đổi một số Luật: Luật Phá sản, Luật Khuyến khích cạnh tranh, Luật Dân sự… cho phù hợp với kinh tế thị trường, giao quyền soạn thảo luật cho Quốc hội.

Đẩy mạnh công tác giám sát thi hành luật, nhất là sự giám sát trực tiếp các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan ngôn luận. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác giám sát thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, gia tăng tính công khai, minh bạch của các thị trường có nhiều rủi ro này.

Kinh tế thị trường hiện đại là một nấc thang tất yếu mà nước ta phải trải qua để xây dựng nền kinh tế - xã hội chủ nghĩa, do vậy theo một ý nghĩa nào đó, bản thân kinh tế thị trường hiện đại cũng là một yếu tố của định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chú thích:

1,3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 114, 129.

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 102 - 103.

Võ Đại Lược

TSKH, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều