Phát triển nông nghiệp bền vững từ các hình thức liên kết kinh tế: Nhìn từ mô hình “Hội quán nông dân” ở tỉnh Đồng Tháp

Phát triển nông nghiệp bền vững là xu hướng của thế giới và Việt Nam. Việc liên kết kinh tế giữa các chủ thể trong nền nông nghiệp là một phương cách tạo nên sự phát triển bền vững. Hình thức liên kết kinh tế - mô hình “Hội quán nông dân” - xuất hiện ở tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam là một trong những mô hình được đánh giá là khá thành công.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem các loại hoa quả và sản phẩm nông nghiệp tại Tâm quê hội quán, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp_Ảnh: TTXVN
Phát triển nông nghiệp bền vững là vấn đề cấp bách hiện nay của nền nông nghiệp Việt Nam do đòi hỏi của thị trường thế giới và trong nước đối với chất lượng, số lượng nông sản và khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam không ngừng tìm kiếm hướng đi mới để xây dựng nền sản xuất hàng hóa lớn nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, với cách tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của nông hộ truyền thống ở Việt Nam khó đáp ứng nhu cầu trên.

Do đó, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết kinh tế trong nông nghiệp theo các hình thức khác nhau, như mô hình liên kết theo tổ hợp tác, trang trại hạt nhân, cánh đồng lớn, liên kết bốn nhà và gần đây nhất là sự xuất hiện của mô hình “Hội quán nông dân” tại tỉnh Đồng Tháp. Với những tên gọi khác nhau, trong các ngành, nghề khác nhau, nhưng các hội quán đều hướng đến thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết cho thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng chế biến, hình thành liên kết “bốn nhà”, tạo nền tảng để ra đời các hợp tác xã kiểu mới và xây dựng làng thông minh. Quan trọng hơn, mô hình liên kết kinh tế này giúp người nông dân có đủ khả năng tiếp cận, áp dụng và làm chủ khoa học - công nghệ, tri thức hóa cho người dân và chia sẻ những hoạt động để duy trì một nền văn hóa nông nghiệp cộng đồng.

Mô hình “Hội quán nông dân” ở tỉnh Đồng Tháp

Xuất hiện từ năm 2016, chỉ với 7 hội quán, sau đó số lượng hội quán không ngừng tăng lên. Năm 2017, thành lập mới 25 hội quán; năm 2018, thành lập mới 35 hội quán; năm 2019, thành lập mới 22 hội quán. Tính đến tháng 2-2020, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 89 hội quán, với hơn 4.994 thành viên tham gia. Khi mới thành lập, các hội quán chủ yếu tập trung sản xuất, kinh doanh nông sản, như xoài, chanh, nhãn. Dần dần mở rộng sang các mặt hàng nông sản khác, như lúa, cây có múi, khoai lang, tre, trúc, hoa kiểng, sinh vật cảnh, bột; chăn nuôi, du lịch homestay, nhà trọ, thậm chí thành lập cả “Hội quán văn nghệ sĩ”. Điều đó cho thấy, mặc dù mới ra đời, nhưng các mô hình hội quán nông dân đã phát huy hiệu quả thiết thực, lan tỏa mạnh mẽ đến các huyện trong tỉnh Đồng Tháp. Dựa vào thế mạnh của từng địa phương, các hội quán thành lập, hoạt động ở nhiều lĩnh vực nhưng chủ yếu là liên kết theo mặt hàng và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Đa số hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Kinh phí hoạt động và số lần sinh hoạt của các hội quán cũng linh hoạt,  khác nhau với từng hội quán. Nhiều hội quán được hỗ trợ kinh phí từ địa phương nhưng cũng có nhiều hội quán tự đóng góp kinh phí hoạt động. Số lần sinh hoạt tùy theo sự thống nhất của mỗi hội quán. Đây chính là nơi người nông dân tìm đến nhau để hợp tác, liên kết một cách tự nguyện.

Hội quán nông dân là hình thức liên kết ngang trong các hình thức liên kết kinh tế. Đó là sự liên kết giữa các chủ thể có cùng một ngành nghề hoặc lĩnh vực hoạt động. Liên kết theo mô hình “Hội quán nông dân” giúp chủ thể liên kết đạt những lợi ích, như ứng dụng khoa học - công nghệ, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn; giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; tăng cường năng lực của người sản xuất, kinh doanh (năng lực về vốn, nguồn lực, tiếp cận thị trường, quy mô sản xuất,….); tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tiến tới mô hình hợp tác, liên kết kiểu mới.

Thuận lợi và khó khăn đối với các mô hình “Hội quán nông dân” ở tỉnh Đồng Tháp

Người nông dân tham gia hội quán sản xuất nông nghiệp đã biết cách sáng tạo các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao công nghệ chế biến nông sản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, người nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất khi từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đã thực hiện việc mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo mô hình mẫu lớn, lấy giá trị gia tăng trong từng công đoạn của chuỗi ngành hàng nông sản làm mục tiêu hướng tới. Ngoài ra, từng thành viên hội quán còn biết tận dụng, chia sẻ cùng phát triển, tạo ra thương hiệu, thích ứng với thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, các thành viên còn tích cực tham gia thực hiện an sinh xã hội hướng tới phát triển bền vững, giúp đỡ những người yếu thế, giúp cho nhiều hộ gia đình có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, mô hình “Hội quán nông dân” ở tỉnh Đồng Tháp cũng nhận được sự hỗ trợ cụ thể của địa phương trên nhiều phương diện, như:

Một là, hỗ trợ kinh phí. Hầu hết các hội quán đều được hỗ trợ kinh phí từ chính quyền địa phương và doanh nghiệp từ khi thành lập về cơ sở vật chất, như máy vi tính, đường truyền cáp quang, ti-vi, máy chiếu, máy kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, máy đo độ PH, điện thoại thông minh,…

Hai là, hỗ trợ tập huấn kinh nghiệm tổ chức, quản lý sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ. Các hội quán được chính quyền địa phương hỗ trợ tập huấn kinh nghiệm tổ chức, quản lý, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, được tham quan và học tập kinh nghiệm các mô hình tiêu biểu, điển hình trong ứng dụng khoa học - công nghệ. Tập huấn các kỹ năng tổ chức, quản lý sản xuất, như hỗ trợ tạo thư điện tử, hướng dẫn cập nhật bản tin phục vụ sinh hoạt, được hỗ trợ kết nối in-tơ-nét để đăng tải thông tin giao thương mua bán, kết nối với các doanh nghiệp…

Ba là, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa. Các sở, ban, ngành có liên quan hỗ trợ các hội quán xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù, như xoài Cao Lãnh, xoài cát chu Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung, kiệu Hội An Đông, khoai môn Mỹ An Hưng, …

Thu hoạch quýt hồng Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp_Ảnh: Tư liệu 
Bốn là, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ. Bước đầu thực hiện liên kết, các hội quán đã ký kết với hệ thống siêu thị Coopmart, Vinmart, Công ty TNHH Long Uyên, Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt Đức,… trong tiêu thụ sản phẩm. Liên kết với Công ty phân bón hữu cơ vi sinh Hiệp Thắng cung cấp trước 4 tháng cho các thành viên không tính lãi.

Năm là, hỗ trợ kết nối trực tiếp với chính quyền địa phương, nhà khoa học, các chuyên gia,… Các hội quán đã được giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn thông qua việc kiến nghị trực tiếp đến địa chỉ email của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp hoặc điện thoại trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học. Chính quyền còn hỗ trợ để người nông dân liên kết, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các thành viên với các nhà khoa học, chuyên gia.

Sáu là, tạo lập môi trường nông thôn văn minh, an toàn, chủ động, tự giác đáp ứng nguyện vọng của nông dân, đáp ứng mục tiêu quan trọng là cùng nhau làm giàu hợp pháp.

Tuy nhiên, mô hình “Hội quán nông dân” ở tỉnh Đồng Tháp khi hoạt động cũng gặp không ít khó khăn:

Thứ nhất, về tập quán sản xuất tiểu nông. Mặc dù chỉ tồn tại trong một bộ phận thành viên của hội quán, nhưng về lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của mô hình khi nông dân vẫn duy trì những nếp canh tác cũ.

Thứ hai, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tư tưởng này khi gặp thêm những thách thức từ bên ngoài, như sự biến động giá cả thị trường đối với các mặt hàng nông sản, nhất là những thời điểm nông sản không được giá, sẽ gây ra tình trạng dao động, mất niềm tin vào sự liên kết, vào chính quyền địa phương.

Thứ ba, việc chính quyền địa phương các nơi trực tiếp giải quyết từng vấn đề của hội quán, mặc dù trước mắt đã tạo điều kiện để hỗ trợ các hội quán thể hiện được vai trò chủ đạo của Nhà nước trong thực hiện liên kết, nhưng về lâu dài khó duy trì tính bền vững, do quy mô càng ngày càng mở rộng và phụ thuộc vào tâm huyết của người lãnh đạo ở mỗi giai đoạn khác nhau và từng địa phương khác nhau.

Một số khuyến nghị từ mô hình “Hội quán nông dân” ở tỉnh Đồng Tháp

Một là, để xây dựng và phát triển hội quán cần phải có sự quyết tâm, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

Hai là, các cấp ủy cần tập trung lãnh đạo thống nhất nguyên tắc tổ chức và hoạt động hội quán là “3 không”, “3 tự”, “3 cùng”, tức là không bộ máy, không ngân sách, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc của hội quán; cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng.

Ba là, chính quyền các cấp hỗ trợ mời nhà khoa học, định hướng nội dung sinh hoạt, hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, chọn địa bàn, chọn ngành nghề phù hợp để thành lập hội quán và xây dựng nòng cốt để thành lập ban vận động.

Bốn là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tham gia sinh hoạt hội quán, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những phản ánh của hội viên, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Năm là, ban chủ nhiệm hội quán phải là những người thật sự có tâm huyết, uy tín, thật sự là thủ lĩnh nông dân để tập hợp, dẫn dắt và duy trì hội quán; khai thác, sử dụng tốt công nghệ thông tin phục vụ sinh hoạt.

 Các sản phẩm OCOP trưng bày tại Hội chợ triển lãm Nhịp cầu xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh Đồng Tháp, với chủ đề “Sản phẩm OCOP - phát huy giá trị bản địa”_Ảnh: TTXVN
Về chính sách, để hoàn thiện mô hình hội quán cần tập trung thực hiện những vấn đề sau:

Thứ nhất, các cấp, ban, ngành cần xác định cơ sở khoa học của mô hình để đưa ra những định hướng phù hợp và học tập kinh nghiệm từ các nước đi trước, từ đó có định hướng phát triển phù hợp với từng đối tượng, trong từng mô hình cụ thể. Thực chất đây là mô hình liên kết trung gian nhằm tiến tới ký kết hợp đồng nông sản đã được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu.

Thứ hai, các cấp lãnh đạo, quản lý, sở, ban, ngành liên quan cần có chiến lược xây dựng khu công nghiệp chế biến nông sản, kho bãi dự trữ nông sản. Khi sản phẩm chưa kịp xuất khẩu hoặc gặp biến động của thị trường thì có thể dự trữ, chế biến, tạo điều kiện cho liên kết giữa công nghiệp chế biến với nông nghiệp. Từ đó, việc liên kết sẽ được thực hiện dễ dàng hơn và duy trì, thu hút được các chủ thể tham gia mô hình.

Thứ ba, việc liên kết phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của người nông dân, trên cơ sở người nông dân tự nhận thức tầm quan trọng của liên kết và tham gia các mô hình liên kết. Không dùng mệnh lệnh hành chính để liên kết một cách khiên cưỡng. Thường xuyên có sự tổng kết, kế thừa kinh nghiệm của các mô hình đi trước, dần hoàn thiện và lựa chọn các mô hình liên kết tối ưu.

Thứ tư, xây dựng mô hình liên kết dọc bổ trợ cho hình thức liên kết ngang, trên cơ sở kết nối trực tiếp hội quán nông dân với nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học, nhà phân phối, ngân hàng, hướng tới liên kết bền vững, hiệu quả. 

Thứ năm, cần có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu và kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước để tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản thông qua thị trường nội địa. Cần xem thị trường trong nước là cơ sở, là nền tảng để tiêu thụ nông sản nhằm tránh những rủi ro khi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Kết hợp hài hòa giữa phát triển thị trường trong nước và ngoài nước.

Thứ sáu, lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực, có trách nhiệm với xã hội để tham gia thực hiện liên kết với các hội quán nhằm bảo đảm tính ổn định, gắn kết, chia sẻ giữa doanh nghiệp và nông dân, từ đó khai thác được vốn xã hội đối với việc phát triển kinh tế, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp bền vững./.

Theo PGS, TS. ĐỖ PHÚ TRẦN TÌNH - NCS. HUỲNH KIM THỪA/Tạp chí Mặt trận

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều