Quảng Nam: Cần xem xét lại các cán bộ làm quy trình tham mưu liên quan đến Quyết định phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh

(Mặt trận) - Dù có nhiều điểm chung về phân khu quy hoạch và cơ cấu sử dụng đất dự án tại phường Điện Dương - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thế nhưng các cán bộ của một số các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam lại tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đưa ra các mức thu tiền sử dụng đất có sự khác biệt giữa các dự án theo Quyết định số 4208/QĐ-UBND và 4267/QĐ-UBND.

Quyết định số 4267/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất dự án xây dựng nhà ở Khu tái định cư các dự án tại các phường Điện Ngọc và Điện Dương (phân khu 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do  Công ty TNHH Hoàng Tiên làm chủ đầu tư.

Quyết định số 4208/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất dự án đầu tư xây dựng nhà ở  Khu đô thị Ngọc Dương Riverside tại phường Điện Dương và phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị Đất Quảng - Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp tại thị xã Điện Bàn, địa phương này đang xuất hiện tình trạng nhiều dự án được có sự chênh lệch bất thường trong mức thu tiền sử dụng đất mặc dù diện tích và cơ cấu sử dụng đất tương tự như nhau.

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, tại Dự án xây dựng nhà ở Khu tái định cư trên địa bàn các phường Điện Ngọc và Điện Dương (phân khu 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do Công ty TNHH Hoàng Tiên làm chủ đầu tư, đối với loại đất khai thác có đường rộng giống nhau nhưng đây được coi là khung giá dễ chịu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp cùng vị trí tương tự (phân khu 2), đang phải gánh chịu mức thu tiền sử dụng đất cao hơn so từ 400.000 - 500.000 đồng trên mỗi m2 đất.

Không chỉ dừng lại ở đất khai thác, đối với loại đất tái định cư, phân khu 1 cũng chịu mức thu tiền sử dụng đất ít hơn phân khu 2.

Từ 2 quyết định nêu trên của UBND Quảng Nam cho thấy, ở cả hai dự án đều sử dụng gần 20 ha đất, có cùng vị trí và cơ cấu sử dựng đất như nhau, thế nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị Đất Quảng - Quảng Nam phải nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách sau khi trừ chi phí bồi thường hỗ trợ và tái điện cư tạm tính là 59,3 tỷ đồng/7,3 ha đất kinh doanh, còn Công ty TNHH Hoàng Tiên chỉ phải nộp gần 26,9 tỷ đồng/8,7 ha đất kinh doanh (mức chênh lệch là hơn 32,4 tỷ đồng chưa nói đến diện tích kinh doanh tăng hơn).

Bên cạnh đó, thông qua các môi giới bất động sản, việc mua bán đất đai tại đây đang diễn ra khá sốt, hiện giá đất tại phường Điện Dương - Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang được giao dịch trong khoảng giá thấp cũng 5 - 6 triệu đồng/m2, vị trí đẹp hơn cũng nằm trong khoảng 7- 10 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào từng vị trí.

Nhưng thực tế lại có diễn biến khác hẳn, đất đai nằm trong diện thu hồi tại một số dự án đang bị định giá khá thấp, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng, ngân sách nhà nước cũng đối mặt với nguy cơ thất thu từ việc định giá chưa chuẩn xác này.

Theo đại diện của một đơn vị hoạt động trên lĩnh vực khai thác, kinh doanh bất động sản đánh giá, đây là những bất cập trong cơ chế thỏa thuận với người bị thu hồi đất. Vị này cho rằng, với các dự án công trình sản xuất - kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân. “Theo người dân thì giá đất thỏa thuận phải sát với giá chuyển nhượng trên thị trường, trong khi đó pháp luật chưa quy định bất kỳ thời gian nào cho sự thỏa thuận đó. Một số trường hợp người dân đòi hỏi quá cao, hoàn toàn không có cơ sở dẫn đến chủ đầu tư gặp khó khăn để thỏa thuận các thửa đất còn lại trong dự án. Có những trường hợp dự án không thể thực hiện được vì một hai hộ đòi hỏi giá bồi thường... “trên trời”. Dó đó, UBND tỉnh cần khảo sát, điều tra kỹ để đưa ra giá đất cụ thể, phù hợp với thị trường nhằm tránh việc người dân khiếu nại quyền lợi” – vị này gợi mở.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, việc các cán bộ của một số sở, ban, ngành tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam ban hành mức giá thu tiền sử dụng đất đang diễn ra khá “tùy hứng, làm như kiểu bốc thuốc”, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, đồng thời sẽ làm tăng giá suất đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng, từ đó, các doanh nghiệp chịu mức chi phí lớn hơn sẽ chịu nhiều thua thiệt mất đi lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

“Rõ ràng, trong trường hợp này, các cán bộ của một số các cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Nam đã chưa khảo sát, điều tra kỹ lưỡng và đưa ra mức thu tiền sử dụng đất rất khác nhau cho các dự án có vị trí tương đương như nhau, là bất cập, không phù hợp với thị trường, để cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư vào Quảng Nam cảm thấy bức xúc, bất công vì quyền lợi chưa được đảm bảo” - một đại diện kinh doanh bất động sản tại Quảng Nam cho biết.

Thông điệp của Chính phủ là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ, tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một chính phủ mạnh, một nền công vụ chuyên nghiệp, gọn nhẹ, minh bạch, luôn sáng tạo và lấy sự công hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc làm chính, một Chính phủ thân thiện, cùng với đó là phải tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Để hưởng ứng tinh thần đó của Chính phủ, cũng như phòng, chống nguy cơ thất thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo quyền lời của người dân, đảm báo tính khách quan, công bằng giữa các doanh nghiệp, giữ gìn môi trường đầu tư tỉnh Quảng Nam được trong sạch, lành mạnh, đã đến lúc, UBND tỉnh Quảng Nam cần xem xét, đánh giá lại năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác, tham mưu đề xuất việc phê duyệt mức thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Ánh Sáng

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều