Quyền lực Trần Bắc Hà và cái kết đã được định đoạt

Cựu Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà, một người đầy quyền lực đã đưa BIDV vào vị trí “Big 4” trong ngành ngân hàng Việt Nam. Thậm chí, cho đến khi nghỉ hưu, những tin đồn về ông vẫn khiến cho thị trường chứng khoán chao đảo, bị thổi bay 2 tỷ USD. Nhưng có lẽ, sứ mệnh của ông sẽ chấm dứt từ khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

Trong 35 năm làm việc tại BIDV, ông Trần Bắc Hà giữ vị trí chủ tịch HĐQT gần 9 năm. Trước đó, ông có thời gian dài gắn bó với BIDV từ lãnh đạo chi nhánh lên đến Tổng giám đốc

Ông Trần Bắc Hà được xem là người quyền lực nhất ở BIDV trong một thời gian dài và có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của BIDV - một trong 4 ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh có ảnh hưởng lớn trên thị trường tài chính.

Quyền lực Trần Bắc Hà

BIDV đã có giai đoạn phát triển mạnh, có những bước chuyển mình rõ rệt trong thời gian ông Trần Bắc Hà đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.

Tài sản của BIDV đã tăng lên gần 4 lần, từ mốc 248.000 tỷ năm 2008 lên 930.000 tỷ vào tháng 6.2016.

Lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh từ 2.350 tỷ đồng, năm 2008 lên 7.948 tỷ đồng năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 3.311 tỷ đồng, lãi sau thuế ngân hàng đạt 2.674 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của nhà băng này cũng tăng liên tục trong 8 năm ông Hà làm Chủ tịch. Từ mức 8.756 tỷ đồng của năm 2008, trải qua nhiều lần tăng vốn liên tục, đến năm 2013, vốn điều lệ của BIDV đã tăng lên 28.112 tỷ đồng và là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 3 trong toàn hệ thống.

BIDV đã có giai đoạn phát triển mạnh trong thời gian ông Trần Bắc Hà đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT (Ảnh: I.T)

Đầu năm 2014, ông Trần Bắc Hà  đã cùng tập thể lãnh đạo đưa BIDV niêm yết 2,8 tỷ cổ phiếu BID trên sàn chứng khoán với giá 18.700 đồng/cp sau khi thực hiện cú IPO lớn nhất trên TTCK hồi năm 2011.

Sau khi sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), vốn điều lệ của BIDV đã tăng thêm hơn 6.000 tỷ đồng lên mốc 34.187 tỷ đồng và là ngân hàng với quy mô vốn điều lệ lớn thứ 2 toàn hệ thống, sau Vietinbank.

Song cùng với sự tăng trưởng về quy mô, tín dụng, nên nợ xấu của BIDV dưới thời chủ tịch Trần Bắc Hà cũng tăng vọt. Theo báo cáo tài chính của 11 ngân hàng công bố vào tháng 8.2016, 11 ngân hàng “ôm” hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,62% hồi cuối năm 2015 lên 2%. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, BIDV có 13.183 tỷ đồng nợ xấu, tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng.

 

Nợ xấu đã bán cho VAMC của BIDV tới hết năm 2016 (Ảnh: I.T)

Nhắc đến các món nợ của BIDV trong khoảng thời gian ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch HĐQT, phải kể đến khoản dư nợ của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tại ngày 31.12.2015, HAGL có số dư vay nợ lên đến 27.099 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cuối năm 2014, chủ yếu là tăng từ các khoản vay ngân hàng ngắn và dài hạn. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất của HAGL với số dư vay nợ 10.655 tỷ đồng, bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu.

Khoản nợ này đã được chính vị chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà thừa nhận là chậm trả lãi, nhưng ông Hà vẫn cho rằng, việc BIDV cho HAGL vay là có tài sản đảm bảo, với hệ số tài sản đảm bảo/dư nợ đạt 1,8 lần với giá trị tài sản đảm bảo là hơn 18.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, với thương vụ sáp nhập sáp nhập MHB vào BIDV, BIDV cũng ghi nhận thêm khoản lỗ lũy kế 475,8 tỷ đồng nhận từ MHB. Khoản trích lập dự phòng của BIDV sau khi sáp nhập MHB cũng tăng vọt.

Năm 2016, năm đầu tiên sau khi thực hiện sáp nhập MHB, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của BIDV tăng mạnh lên 54% từ mức 42% của năm trước đó. Điều này kéo lãi ròng năm 2016 của BIDV xuống 6.228 tỷ đồng, giảm 2,3% so với năm 2015. Đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận BIDV giảm kể từ năm 2012.

Trách nhiệm trong vụ án Phạm Công Danh

BIDV thời ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch còn vướng vào thương vụ liên quan đến đại án Phạm Công Danh.

Cụ thể, từ 12 hồ sơ khống do Phạm Công Danh lập, BIDV đã giải ngân 4.700 tỷ đồng. Phần lớn số tiền này được chuyển qua các cá nhân thân cận của Phạm Công Danh để góp tăng vốn điều lệ cho VNCB, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.550 tỷ đồng.

Ngày 3.8, trong một diễn biến liên quan đến việc bắt ông Trầm Bê do có liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, C46 Bộ Công an cho biết đã khởi tố thêm 3 cán bộ của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định (cho tại ngoại) để điều tra về các sai phạm liên quan.

Cụ thể, các bị can bị khởi tố gồm ông Hoàng Long Hà - phó giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định; Nguyễn Ngọc Sơn - trưởng phòng khách hàng BIDV; Nguyễn Vũ Bảo - cán bộ phòng khách hàng BIDV.

Cơ quan điều tra xác định các lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Gia Định này đã giúp cho Phạm Công Danh trong vụ ông Danh gửi hơn 3.000 tỷ đồng qua BIDV bằng hồ sơ vay vốn khống.

 

Ông Trần Bắc Hà bị kết luận đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng

Sau đó, cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà thời điểm đó là chủ tịch HĐQT, trưởng phân ban quản lý rủi ro tín dụng BIDV đã ký 12 báo cáo tổng hợp ý kiến đồng ý vào chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn với số tiền tối đa 4.700 tỷ đồng và giao cho 4 chi nhánh của BIDV cho vay.

Song cơ quan điều tra cho rằng, ông Trần Bắc Hà và một số cá nhân và cán bộ của BIDV tuy có các sai phạm, nhưng kết quả giám định về thiệt hại không xảy ra tại BIDV (phía ông Phạm Công Danh không cung cấp được hồ sơ chứng từ liên quan việc sử dụng vốn vay nên các chi nhánh của BIDV yêu cầu trả nợ trước hạn. Đến ngày 5.5.2014, BIDV đã thu đủ cả gốc và lãi từ khoản bảo đảm của VNBC với tổng số tiền là 2.550 tỷ đồng.).

Hơn nữa, chưa đủ căn cứ xác định những người trên có vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh vì không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào cho thấy những người liên quan này biết các công ty vay vốn tại BIDV là do ông Danh thành lập, điều hành.

Gần đây nhất, tại Thông cáo báo chí kỳ họp 26 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi chiều 2.6, nội dung về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có đoạn: “Đồng chí Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020. Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng”.

Từ đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận những vi phạm của đồng chí Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng

Khoảng trống vị trí lãnh đạo

Đã gần 2 năm kể từ ngày ông Trần Bắc Hà, nguyên chủ tịch HĐQT của BIDV nghỉ hưu, song đến nay ngân hàng này vẫn chưa có người thay thế. Sau khi ông Hà về hưu, ông Trần Anh Tuấn là phó chủ tịch được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV.

Nhưng chỉ sau hơn 1,5 năm đảm nhiệm vị trí Ủy viên phụ trách Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Anh Tuấn đã từ nhiệm vào ngày 2.52018.

Thông báo thay đổi thành viên HĐQT phát đi chiều 2.5 của BIDV cho biết HĐQT nhà băng này đã họp và thông qua việc từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 của ông Trần Anh Tuấn.

 

Ông Bùi Quang Tiên, lãnh đạo phụ trách điều hành tại BIDV từ 3.5.2018 (Ảnh: NHNN)

Sau đó 1 ngày, chiều 3.5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV đã công bố thông tin nhân sự phụ trách điều hành hoạt động ngân hàng thay thế cho ông Trần Anh Tuấn vừa nghỉ hưu theo chế độ.

Cái tên được chọn vào vị trí này chính là ông Bùi Quang Tiên, Thành viên HĐQT và là người đại diện 30% vốn Nhà nước tại nhà băng này. Tuy vậy, ghế chủ tịch nhà băng này vẫn bỏ trống.

Hiện nay, BIDV đang có 2 đại diện vốn nhà nước, cùng là thành viên HĐQT bao gồm ông Phan Đức Tú và ông Bùi Quang Tiên, mỗi người đại diện 30% vốn. Còn 40% vốn nữa nhà nước chưa có đại diện.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2018 của BIDV cho thấy hoạt động kinh doanh 3 tháng đầu năm của ngân hàng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Điều này thể hiện qua thu nhập lãi thuần tăng 35%; lãi dịch vụ tăng 30%; kinh doanh ngoại hối tăng 75%... Tuy nhiên, lợi nhuận BIDV thu về chỉ là 2.485 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến "bào mòn" lợi nhuận của BIDV trong quý I chính là việc ngân hàng này đã phải trích tới hơn 6.000 tỷ đồng chi phí dư phòng rủi ro tín dụng, gần gấp 3 lần cùng kỳ.

Tính đến hết quý I.2018, tổng tài sản BIDV đạt gần 1,227 triệu tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là 867.289 tỷ, tăng 1,4% và huy động vốn đạt 910.053 tỷ, tăng 5,8%. Cuối kỳ, ngân hàng ghi nhận 14.208 tỷ đồng nợ xấu tuyệt đối, chiếm 1,62% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.

Theo Hoàng Nhật/Báo Dân Việt

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều