Sở hữu nhiều “át chủ bài”, du lịch Thanh Hóa quyết tâm đón khách bốn mùa

(Mặt trận) - Mang khát vọng xóa bỏ định kiến du lịch mùa vụ để trở thành điểm đến bốn mùa sôi động, hấp dẫn, Thanh Hóa đang rộng cửa đón “sếu đầu đàn” với quyết tâm “lột xác”.

Con đường nào đánh thức “mỏ vàng” du lịch?

Hơn một thế kỷ trước, người Pháp từng xem Thanh Hóa, cụ thể là Sầm Sơn như “điểm nghỉ dưỡng lý tưởng bậc nhất Đông Dương”. Nhưng Thanh Hóa đâu chỉ có du lịch biển. Sự đa dạng về địa hình, từ miền núi, trung du, đồng bằng tới biển đảo, sự giàu có về lịch sử, danh thắng, với hơn 1.500 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh mang tầm quốc gia, quốc tế… vốn đã khiến mảnh đất địa linh nhân kiệt này nổi tiếng như một “Việt Nam thu nhỏ”.

Di tích lịch sử Thành nhà Hồ tại Thanh Hóa

Tuy nhiên, nhiều năm qua, du lịch Thanh Hóa dường như “ngồi trên mỏ vàng” mà chẳng thể giàu lên. Sản phẩm mới chỉ ở mức độ khai thác các giá trị sẵn có, quy mô hạ tầng du lịch nhỏ lẻ, chưa có các khu vui chơi giải trí, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng đẳng cấp để thúc đẩy chi tiêu của du khách. Theo thống kê, mức chi tiêu trung bình của du khách đến Thanh Hóa năm 2020 chỉ đạt 1,4 triệu đồng/người. Hệ quả là, dù lượng khách đến Thanh Hóa luôn ở mức cao, nhưng doanh thu du lịch lại kém xa các tỉnh có cùng tiềm năng. Chẳng hạn, năm 2019, Thanh Hóa đón 9.655.000 lượt khách, cao hơn Đà Nẵng (8.692.421 lượt) nhưng tổng doanh thu chỉ đạt 14.526 tỉ đồng, bằng gần một nửa Đà Nẵng (30.973 tỉ đồng).

Cảnh đẹp Sầm Sơn

Nhận định về mũi nhọn du lịch của Thanh Hóa, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Lâu nay, du lịch Thanh Hóa chỉ nổi tiếng ở Sầm Sơn. Nhưng Sầm Sơn lại là du lịch mùa vụ, trong khi văn hóa du lịch ở đây lại chưa đủ sức quyến rũ du khách. Gần đây, khi có một số nhà đầu tư lớn vào làm du lịch ở đây, chân dung du lịch Sầm Sơn được cải thiện đáng kể. Văn hóa du lịch của cư dân cũng được đẩy lên nhưng vẫn chưa đủ để biến Sầm Sơn thành tọa độ du lịch sánh vai được, ví dụ, với Đà Nẵng, Hạ Long hay Nha Trang”.

PGS. TS. Trần Đình Thiên cũng đã chỉ rõ con đường đánh thức tiềm năng cho du lịch Thanh Hóa: “Không cần nhìn đâu xa. Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Phú Quốc đã cho thấy cách “lột xác” ngoạn mục của thị trường du lịch trong quãng thời gian không dài, với hạ tầng kinh tế – du lịch phát triển đồng bộ, liên tục được làm mới với các hoạt động văn hóa, giải trí. Cốt lõi là thu hút được những con “đại bàng” đủ năng lực tạo chân dung phát triển cho chính nơi mời gọi chúng và được chúng chọn”.

Đòn bẩy mới cho sự bứt phá

Thực tế, Thanh Hóa cũng đã bước đầu “rộng cửa” đón các “sếu đầu đàn”. Nhiều tập đoàn tầm cỡ đã bắt tay triển khai loạt dự án hàng tỉ USD tại đây. Tiêu biểu, từ cuối năm 2020, dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Sầm Sơn trị giá hơn 1 tỉ USD do Sun Group đầu tư chính thức khởi công, đem đến thành phố này một “làn gió mới", mở ra cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho du lịch Sầm Sơn.

Phối cảnh đại dự án đô thị phức hợp Sun Grand Boulevard tại Sầm Sơn

Mới đây, tháng 5/2021, dự án đẳng cấp đầu tiên trong tổ hợp do Sun Group đầu tư tại Sầm Sơn - khu đô thị thương mại dịch vụ Sun Grand Boulevard đã ra mắt. Quần thể dự án này sẽ bao gồm loạt hạng mục quy mô: Tổ hợp nhà phố thương mại, các khách sạn boutique, tòa nhà cao tầng hỗn hợp, quảng trường biển, trục đại lộ…

Đặc biệt, quảng trường biển có sức chứa lên đến hơn 10.000 người, trục đại lộ rộng 120m, dài 2,6km hứa hẹn sẽ trở thành một đại lộ sầm uất với hệ thống dịch vụ du lịch đẳng cấp, có thể sánh ngang với các đại lộ nổi danh thế giới như Broadway (Mỹ), Champs-Elysees (Pháp), hay Orchard Road (Singapore)…. Tương lai, khi quảng trường và trục đại lộ đẳng cấp hoàn thành, nơi này sẽ là “trái tim” của đô thị biển - nơi diễn ra những lễ hội, sự kiện đẳng cấp, tạo động lực phát triển kinh tế đêm, mảng dịch vụ vẫn còn bỏ ngỏ của xứ Thanh.

Bên cạnh quần thể dự án Sun Grand Boulevard, trong tương lai, tổ hợp vui chơi giải trí Sun World hiện đại trên diện tích 30 ha dọc hai bên bờ sông Đơ với 2 phân khu là công viên nước và công viên chủ đề, lấy cảm hứng từ những tích truyện dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa bản địacũng sẽ được Sun Group xây dựng tại Sầm Sơn. Cùng với đó là Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Đơ với các căn biệt thự phong cách kiến trúc Miami (Mỹ) hiện đại, đầy phóng khoáng.

Các hạng mục danh giá này đã nhanh chóng phác họamột “kinh đô du lịch” mới với chuỗi trung tâm giải trí - thương mại - nghỉ dưỡng chất lượng cao, sôi động suốt 24 giờ không ngủ.

 

Sầm Sơn sẽ sôi động về đêm với tổ hợp dự án Quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí do Sun Group kiến tạo

Nối dài chuỗi du lịch biển, trong thời gian tới sẽ là hệ sinh thái gồm hàng loạt dự án nghìn tỉ được triển khai để hành trình trải nghiệm xứ Thanh suốt bốn mùa luôn mới, từ du lịch núi rừng, du lịch chăm sóc sức khỏe đến du lịch thấm đẫm văn hóa cộng đồng bản địa, mà điển hình là dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, hay dự án khoáng nóng Quảng Xương...

Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá: “Sun Group là một tập đoàn lớn, có nhiều kinh nghiệm, có nhiều tiềm lực và khả năng đầu tư nhiều dự án lớn ở Việt Nam. Tại Thanh Hóa, với ba dự án trọng điểm, sẽ biến Thanh Hóa trở thành tỉnh có du lịch quanh năm, du lịch cả bốn mùa”.

PSG. TS Trần Đình Thiên cũng nhận định: “Sun Group đầu tư vào Thanh Hóa, chắc chắn sẽ tạo khác thường, khác với chính Sun Group ở Phú Quốc, Vân Đồn, Hạ Long…, và khác với các nhà đầu tư khác. Điều đó sẽ gây “đột biến”. Khi đó, bùng nổ phát triển là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.

Với những dự án tầm cỡ và uy tín của thương hiệu chủ đầu tư Sun Group mà chính các chuyên gia hàng đầu đã khẳng định, cùng sự góp mặt của nhiều tên tuổi khác, Thanh Hóa đang nắm trong tay những “át chủ bài” để tự tin khẳng định vị thế điểm đến bốn mùa trong một tương lai rất gần.

Tuấn Hường

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều