Sớm có chính sách hỗ trợ tổng thể, dài hạn cho doanh nghiệp

Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với yêu cầu đặt ra phải bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực. Trên cơ sở này, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp toàn diện, phù hợp hơn trong tình hình mới.
Ngành đường sắt đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán, không đủ trả lương cho công nhân. 
Bài 1: Doanh nghiệp gồng mình cầm cự

Khó tiếp cận được chính sách hỗ trợ, danh sách các doanh nghiệp (DN) kêu cứu tiếp tục nối dài và ngày càng có thêm nhiều DN lớn đứng bên bờ vực phá sản. Chính phủ cần có giải pháp khoanh nợ và giảm lãi vay mạnh mẽ hơn để DN có dòng tiền duy trì hoạt động.

Nguy cơ đổ vỡ hàng loạt

Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ DN phá sản, ngừng kinh doanh trong cả nước tiếp tục tăng thêm hơn 23% trên nền tăng cao của cùng kỳ năm trước. Con số này phản ánh sức chịu đựng của khu vực sản xuất, kinh doanh đã tới hạn, nhất là sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài từ cuối tháng 4 đến nay. Nhận định về tính cấp thiết của việc ban hành gói hỗ trợ DN mới trong thời điểm hiện tại, PGS, TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam ví von: Hơn một năm qua, DN gắng sức “đu xà”, tưởng đã xong, nhưng dịch lại bùng phát, những DN yếu đành buông tay, DN khỏe hơn vẫn đang tiếp tục gồng mình cầm cự nhưng có lẽ chỉ thêm một vài đợt dịch nữa, không kiểm soát được là sẽ buông tay hết. Chính phủ cần đánh giá đúng “sức khỏe” DN để có gói hỗ trợ kịp thời.

Là một CEO (người điều hành) luôn tích cực, chủ động “biến nguy thành cơ” trong đại dịch nhưng thời điểm hiện tại, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel) Nguyễn Quốc Kỳ dường như không còn đủ nhiệt huyết để truyền đi năng lượng tích cực như vẫn thấy. Hơn một năm qua, Vietravel đã sắp xếp lại để hoạt động hiệu quả hơn dựa trên tầm nhìn và chiến lược mới, bao trùm từ tổ chức bộ máy, tài chính, sản xuất, kinh doanh,… cho đến cơ chế quản lý, điều hành. Thế nhưng, trong lần trao đổi với chúng tôi gần đây, vị “thuyền trưởng” Vietravel đã tỏ ra kém lạc quan về chặng đường phát triển sắp tới. Theo ông Kỳ, hiện nay, các DN lữ hành, hàng không đã kiệt sức trong hoạt động và khô cạn dòng tiền, rất cần được tiếp cận nguồn hỗ trợ để thực hiện cấu trúc lại tài chính. “Cả trăm nghìn DN phá sản nhưng ngân sách chỉ đủ sức cứu một vài DN lớn. Ngân hàng vừa qua lãi khủng, trong khi DN rất kiệt quệ. Quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép giãn, hoãn trả nợ ngân hàng và không chuyển nhóm nợ nhưng DN chậm thanh toán vẫn bị hạ bậc tín nhiệm, khó tiếp cận khoản vay mới để cấu trúc lại. Giải pháp hỗ trợ như vậy chỉ là khó đâu gỡ đó, chưa đủ căn cơ để giúp DN trụ lại, không sa thải lao động”, ông Kỳ nói.

Dưới tác động dịch Covid-19 liên tiếp trong gần hai năm nay, các DN vận tải cũng đang sống “thoi thóp” và đứng trước nguy cơ phá sản, phải thu hẹp dần quy mô, cắt giảm nhân công. Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) Ðỗ Văn Bằng cho biết, từ đầu năm đến nay, DN chỉ hoạt động cầm chừng, có gần 100 đầu xe nhưng chỉ túc tắc chạy vài xe mỗi ngày, doanh thu gần như bằng 0 nhưng mỗi tháng vẫn phải “gánh” gần một tỷ đồng trả lương để giữ chân lao động. Theo đánh giá của DN vận tải, lãi suất cho vay chưa bao giờ thấp như hiện nay nhưng cơ hội để DN vay và phục hồi sản xuất, kinh doanh là rất khó, vì vướng điều kiện thế chấp. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Nguyễn Danh Liên cho rằng, dịch bệnh không biết bao giờ kết thúc, Chính phủ cần có giải pháp khoanh nợ và giảm lãi vay mạnh mẽ hơn để DN duy trì hoạt động.

 Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài. 
Gói hỗ trợ giải ngân chậm

Theo cảnh báo của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, khả năng thanh toán của các hãng hàng không suy giảm, hiện đã tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán. Ðơn cử, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) sáu tháng đầu năm lỗ khoảng 10 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả quá hạn lên đến 6.240 tỷ đồng. Mặc dù được giải cứu theo cơ chế đặc thù nhưng bảy tháng qua, VNA vẫn chưa tiếp cận được gói vay ưu đãi 12 nghìn tỷ đồng để trang trải nợ nần và cấu trúc lại hoạt động. Không tiếp cận được chính sách hỗ trợ, danh sách các DN cần “hà hơi thổi ngạt” tiếp tục nối dài và ngày càng có thêm nhiều DN lớn đứng bên bờ vực phá sản. Chủ tịch HÐTV Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN trình Chính phủ gói hỗ trợ khẩn cấp gồm cấp hạn mức tín dụng ưu đãi 800 tỷ đồng không tính lãi suất lãi để bổ sung cho nguồn vốn bị lỗ (theo tính toán khoảng 3.000 tỷ đồng) và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13 nghìn lao động đang mất việc, thiếu việc làm. Lũy kế từ năm 2020 đến nay, VNR lỗ hơn 2.200 tỷ đồng, nếu dịch bệnh kéo dài sang năm 2022, nguy cơ VNR sẽ mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương người lao động.

Ngay từ tháng 4-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 về các giải pháp hỗ trợ người dân và DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 quy mô gần 62 nghìn tỷ đồng với ba nội dung chính: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người lao động; hỗ trợ gián tiếp thông qua tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động. Theo các chuyên gia kinh tế, việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, DN ngay từ khi dịch mới bùng phát trong năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN. Qua đó, hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân và quan trọng hơn cả là tạo sự tin tưởng của người dân và xã hội về các chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, lan tỏa thông điệp tích cực về sự đồng hành của Chính phủ đến cộng đồng DN. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của chính sách đem lại chưa được như kỳ vọng. Khi hỏi về gói vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng đều trả lời đã hết. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, các DN thành viên mặc dù rất khó khăn nhưng gần như không tiếp cận được gói này vì để đáp ứng tiêu chí các chính sách hỗ trợ, đồng nghĩa với việc phải đóng cửa và sa thải hàng chục nghìn lao động. Ở đây chính sách được thiết kế chưa sát với thực tiễn đời sống, thiếu phù hợp đối với đặc thù ngành nghề, nhất là DN có số lượng lao động lớn. Chẳng hạn như trong đợt tiêm đại trà vắc-xin cho người lao động từ nay đến cuối năm, DN dệt may phải trả chi phí hàng tỷ đồng để người lao động nghỉ ngơi sau tiêm một đến hai ngày nên rất mong muốn được Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả để DN bớt khó khăn về dòng tiền.

Báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2021 cho thấy, mức độ giải ngân của các gói hỗ trợ rất thấp. Cụ thể, gói hỗ trợ tiền mặt giải ngân hơn 13 nghìn tỷ đồng, tương ứng 36,5% quy mô; gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc giải ngân 41 tỷ đồng, chỉ đạt 0,26% quy mô và gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất mới giải ngân được hơn 786 tỷ đồng (12,1%). Sau một năm thực hiện, tính chung cả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, mới giải ngân khoảng 22%. Trong đó, khoản cho hộ kinh doanh, DN vay để trả lương cho người lao động và chi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ đào tạo lại lao động đều đạt mức rất thấp. Ðiều này có nghĩa, đối tượng cần được tiếp sức để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lại nhận được hỗ trợ rất ít. Nguyên nhân cơ bản là do điều kiện, thủ tục nhận hỗ trợ được quy định trong chính sách quá ngặt nghèo khiến người dân và DN không đủ khả năng tiếp cận. Theo các chuyên gia kinh tế, cần có thêm dữ liệu để phân tích sâu hơn nguyên nhân vì sao gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng đạt hiệu quả thấp, do những bất cập trong cơ chế, chính sách hay do quá trình thực thi, để từ đó đưa ra định hướng cho chính sách hỗ trợ hiệu quả trong thời gian tới.

Sớm có chính sách hỗ trợ tổng thể, dài hạn cho doanh nghiệp

May quần áo xuất khẩu tại Xí nghiệp may Hà Quảng, Tổng công ty May 10 (Tập đoàn Dệt may Việt Nam). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG 
Bài 2: Xây dựng dữ liệu tin cậy để hỗ trợ bằng công nghệ

Nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ngành khi thiết kế chính sách hỗ trợ mới là trong điều kiện nguồn lực có hạn, hệ thống quản lý nhà nước về công dân và doanh nghiệp (DN) còn yếu nhưng chính sách hỗ trợ vẫn phải đến tay đối tượng thụ hưởng một cách công bằng, công khai và công tâm.

Chính sách riêng cho từng nhóm DN

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ở làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư này, Chính phủ đã thay đổi cách ứng phó trong phòng, chống, chuyển từ trạng thái phòng ngự sang chủ động tiến công. Theo đó, các giải pháp hỗ trợ người dân và DN cũng sớm được điều chỉnh ngay từ đầu năm với tầm nhìn dài hạn hơn, không chỉ cho kỳ hạn sáu tháng hoặc đến cuối năm 2021 mà kéo dài cho những năm tới. Ngay từ tháng 4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/NÐ-CP gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho DN với quy mô 115 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ban hành quy định mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ DN được cơ cấu lại các khoản nợ mà không phải chuyển nhóm (đến hết năm 2023) để có điều kiện tiếp tục vay vốn sản xuất, kinh doanh, với mức lãi suất về mức khá thấp. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Phan Ðức Hiếu, Nghị định 52 mới thực thi nhưng đã bộc lộ bất cập, vì chỉ được lùi thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, gánh nặng tài chính sẽ bị cộng dồn khi hết thời gian hỗ trợ nên DN sẽ phải tính toán có xin hoãn nộp thuế hay không. Hơn nữa, có rất nhiều DN trả tiền thuê đất theo năm, như vậy đối tượng được thụ hưởng bị giảm đi. Do đó, đây chưa phải "liều thuốc" đủ mạnh bởi còn nhiều giải pháp không tới được DN. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) Tô Hoài Nam đề xuất, Nghị định 52 cần kéo dài thời gian thực hiện thêm sáu tháng để phát huy hết ý nghĩa hỗ trợ của Chính phủ với DN. Ðồng thời cho phép DNNVV được lựa chọn hình thức nộp thuế thu nhập DN từ 2 đến 3% doanh thu của năm đối với DN có doanh thu ba tỷ đồng/năm và được miễn, giảm, bãi bỏ một số thủ tục mở sổ sách, kế toán. Ðó mới là giải pháp hỗ trợ mang tính đột phá và lâu dài.

Trước thực tế triển khai chính sách hỗ trợ và kiến nghị của cộng đồng DN, cơ quan tham mưu đã tính đến giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn về lãi suất cho vay và giảm thuế cho DN thuộc các ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động lớn nhất, thay vì chỉ hoãn, giãn thuế. Ðể hỗ trợ phát triển DN trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh; cho phép các DN hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải được giảm 2% lãi suất vay vốn như đang áp dụng cho DNNVV; đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng năm 2021 đối với ngành du lịch, khách sạn để giảm giá dịch vụ và kích cầu nội địa. Ủng hộ quan điểm xem xét gói cho vay hỗ trợ lãi suất đối với DNNVV chịu tác động lớn nhất bởi đại dịch Covid-19, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, vấn đề này đã được đặt ra từ năm 2020 nhưng khó thực hiện vì không xác định được ngành nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng năm nay đã rõ. "Mức lãi suất cho vay có thể giảm xuống bằng khoảng 50% lãi suất thị trường và chắc chắn phải dùng ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất. Theo tính toán, quy mô gói hỗ trợ này có thể lên tới khoảng 50 đến 60 nghìn tỷ đồng, thời gian cho vay khoảng một năm thì giá trị thực cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất kích thích kinh tế năm 2009, cần làm trọng tâm, trọng điểm, không đại trà", TS Cấn Văn Lực phân tích. Ở góc độ DN, mối quan tâm lớn nhất hiện nay là làm thế nào để tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước và không bị tăng thêm chi phí hoạt động.

Chi tiền hỗ trợ qua thanh toán điện tử

Ông Nguyễn Trung Dũng, giám đốc một DN siêu nhỏ tại quận Ðống Ða (Hà Nội) cho biết, năm 2020, DN được giãn thuế thu nhập, có tiền trang trải chi phí hoạt động. Thế nhưng, niềm vui chưa bao lâu thì quý II/2021, DN ba lần nhận được "trát" đốc nộp thuế năm 2019. Theo phản ánh của ông Dũng, trước đây, DN nộp hồ sơ quyết toán thuế đầy đủ nhưng chưa được cơ quan thuế quyết toán nên phát sinh nợ thuế. Nay trong lúc khó khăn, cơ quan thuế lại đốc thu khiến chính sách hoãn, giãn thuế cho DN gặp khó khăn không còn ý nghĩa. Thông cảm với ngành thuế có nhiều sức ép lên thu ngân sách, nhưng PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, Nhà nước đã quyết định giãn, hoãn thuế để người dân, DN có dòng tiền cầm cự trong lúc khó khăn thì ngành thuế phải khoan sức dân, không nên tận thu những khoản nhỏ mà nên tập trung chống buôn lậu, chuyển giá để bù đắp hụt thu từ sản xuất, kinh doanh.

  Công nhân làm sắt xây dựng trụ cầu tại Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), TP Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Khó khăn lớn nhất hiện nay trong thiết kế chính sách hỗ trợ là cơ quan quản lý chưa có đủ dữ liệu cần thiết về chất lượng phát triển thật sự của DN, từ đó thiết kế những chính sách hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương nhận định, bức tranh DN Việt Nam nhiều chỗ "không màu" vì thiếu số liệu cụ thể, chi tiết, cho nên rất khó đánh giá sâu về hoạt động của DN khác nhau về ngành nghề kinh doanh, quy mô trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khu vực hộ kinh doanh có đóng góp lên đến 30% GDP, cần có những khảo sát cụ thể hơn, từ đó có sự theo dõi và điều chỉnh của pháp luật. Theo các chuyên gia kinh tế, dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi số nhanh hơn nên cơ quan thực thi chính sách cần có cách tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thay vì giao chính quyền địa phương phát tiền mặt cho người lao động mất việc, giãn việc, cần chuyển đổi phương thức giải ngân qua thanh toán điện tử vì hiện nay, phần lớn người dân đã có tài khoản ngân hàng, nếu không có tài khoản có thể ủy quyền cho người thân nhận thay. Do Việt Nam chưa "số hóa" dữ liệu quản lý dân cư để chuyển thẳng tiền hỗ trợ vào tài khoản người thụ hưởng như nhiều quốc gia khác, Chủ tịch HÐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất có thể dựa vào hệ thống dữ liệu của DN để chi các khoản hỗ trợ này. "Từ trước đến nay, DN vẫn nộp thuế, Bảo hiểm xã hội thay cho người lao động nên có thể giao DN chi cho người lao động tiền hỗ trợ Covid-19 qua tài khoản lương. Ðể ngăn ngừa trục lợi chính sách hoặc chi không đúng đối tượng, cơ quan quản lý có thể kiểm tra, đối chiếu bằng phương án sử dụng lao động của DN và tin nhắn xác nhận tài khoản của người thụ hưởng, nếu phát hiện chi sai thì thu hồi. Quá trình chuyển đổi số quốc gia hay số hóa chính là từ những việc làm cụ thể như vậy", ông Kỳ phân tích.

Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Ðậu Anh Tuấn cho rằng, chính sách hỗ trợ chỉ được đánh giá là thành công và có hiệu quả khi DN nhận được trợ giúp bằng tác động trực tiếp và cụ thể. Nếu chính sách ban hành kịp thời nhưng khó thực hiện thì không có tác động tốt đến các đối tượng được thụ hưởng. Thậm chí còn làm xói mòn niềm tin của DN về sự đồng hành của Chính phủ đối với cộng đồng DN trong lúc khó khăn. Cần có cách tiếp cận mới để xây dựng chính sách hỗ trợ gắn với thực tiễn cuộc sống, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện nhận hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ hiểu.

Theo Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều