Thấy và nghĩ: Khi lương không đủ sống

Trong ba vấn đề lớn mà Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bàn đến, bên cạnh chuyện xây dựng đội ngũ cán bộ, bảo hiểm xã hội của người dân, người ta quan tâm nhiều đến đề án cải cách tiền lương. Sở dĩ việc này được quan tâm vì rất ít người thuộc công chức, viên chức Nhà nước có thể sống được chỉ bằng đồng lương. Rõ ràng cho dù đã có rất nhiều cải cách, điều chỉnh của Chính phủ và các bộ chức năng, nhưng xem ra vẫn chưa tạo sự đột phá trong việc trả lương cho người lao động.

Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Ảnh: Công Hùng

Khi đồng lương không đủ chi trả cho cuộc sống đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng người trong hoàn cảnh đó tìm cách để lo cho mình “đủ sống”. Cũng từ đây nảy sinh ra tình trạng mà báo chí vẫn đưa là năng suất lao động của người Việt rất thấp, rồi “chân ngoài dài hơn chân trong”, cho đến cả rừng các loại phụ phí, phụ cấp, miễn sao để bảo đảm tiêu chí “đủ sống” để người lao động có thể tái sản xuất. Khi đồng lương không đủ sống cũng là lúc nảy sinh ra một loạt các hệ quả tiêu cực của bộ máy hành chính công là nạn quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu dân, miễn sao từ những hành vi đó có thêm được thu nhập để “đủ sống”.

Nhưng nếu chỉ dừng ở mức “đủ sống”, có lẽ đất nước đã thành bình và ít khi Trung ương phải vào cuộc để đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng, thất thoát quyết liệt như hiện nay. Mức lương quá thấp dẫn đến người ta muốn có “tiền” phải có “quyền”. Có quyền sẽ sinh ra bổng lộc. Và khi ấy nhu cầu không còn ở mức “đủ sống” nữa mà biến thành phô trương tiền của, với nhiều biệt phủ, xe hơi và các lối sinh hoạt xa hoa lãng phí, lệch chuẩn khác. Mới đây một Bộ trưởng thẳng thắn cho biết, mức lương gần 12 triệu của ông không bao giờ đủ sống? Nhiều người tự hỏi: sao Bộ trưởng mà lương thấp vậy? chỉ bằng lương một người quân hàm cấp tá về hưu. Điều đó cho thấy cải cách tiền lương trên thực tế còn khá bất cập. Nếu không kể những chức trách thành liêm, cũng từ đây nạn chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm, cất nhắc ổ ạt, đem lại hệ quả lâu dài cho đất nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào thể chế.

Hằng năm ngân sách chi trả cho lương không phải ít, nhưng rõ ràng cải cách lương chưa đồng bộ với cải cách thể chế hành chính. Việc bộ máy hành chính phình to cực đại, với nhiều ngành chức năng chồng chéo, khiến bội chi ngân sách và không có nguồn thuế nào của dân có thể nuôi nổi một bộ máy cồng kềnh và kém hiệu quả như vậy. Bởi vậy cải cách tiền lương chỉ thực sự hiệu quả nếu cắt giảm được sự dư thừa lãng phí của không ít khâu trung gian trong bộ máy hành chính công hiện nay. Bởi vậy lần này Trung ương đã đưa ra bàn thảo vấn đề cải cách lương đồng thời với công tác cán bộ là hai khâu rất then chốt có gắn kết chặt chẽ với nhau, liên quan đến ngân sách và việc cải sửa, kích hoạt bộ máy hành chính ngày càng thực chất hiệu quả, đem lại quyền lợi chính đáng và thiết thực với những người lao động.

Cuối cùng, việc cải cách tiền lương ngoài làm trong sạch bộ máy phải gắn với điều hành giá, chống lạm phát và lợi ích nhóm. Từ những kinh nghiệm của các lần điều chỉnh lương tối thiểu của những năm trước, người lao động chân chính đôi khi rất sợ tăng lương, bởi khi đồng lương chưa kịp đổ vào tài khoản của họ thì giá ngoài thị trường từ những măt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước, nhà trọ... đã nhanh chóng tăng vọt, khiến họ vô cùng thất vọng.

Theo Hạnh Nguyên / Báo Người Công giáo Việt Nam

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều