Thực hư chuyện ồ ạt nhập rau ngoại, rau nội rẻ thối đổ cho bò!

Từ sau tết đến nay, giá rau vụ đông trong nước bỗng lao dốc, mất giá đến 2-3 lần. Đặc biệt, giá các loại rau vụ xuân hè như muống, mồng tơi, dền, dưa chuột… cũng chung cảnh “giá bèo” dù chưa vào vụ. Nhiều thông tin cho rằng, rau củ được nhập khẩu (NK) ồ ạt về Việt Nam trong vài tháng qua đã “đè nát” rau nội. Vậy, đâu là sự thật?

 Thời tiết thuận lợi, cộng nguồn cung dư thừa khiến rau xanh trong nước lao dốc 2-3 lần. Ảnh: KH.V

Rau để thối hoặc đổ cho bò ăn

Chúng tôi về Bắc Giang, Bắc Ninh trong những ngày cuối tháng 2.2018 khi tiết trời đã hửng ấm, mưa xuân như rây bột xuống những luống su hào, bắp cải, xà lách tươi mởn, những ruộng cải xoong, cải thìa, cúc tần xanh mướt, những xe cải tiến xếp đầy cà rốt đỏ ối dọc đường đi. Thấy chúng tôi dừng xe hỏi, chị Nguyễn Thị Tươi (nhà tại phố Trần Nguyên Hãn - TP.Bắc Giang) nhanh nhảu bắt chuyện: Giá rau xanh rẻ thê thảm từ ngày mùng 5 tết đến giờ.

Tại các chợ nhỏ, giá rau củ “rẻ như cho” mà chẳng ai mua: 4.000 đồng/kg khoai tây; 10.000 đồng/7 củ su hào; 10.000 đồng/10 cây bắp cải; 1.000 đồng/2 lạng xà lách; 3.000 đồng/kg cà chua; 10.000 đồng/kg hành hoa; 10.000 đồng/kg mùi tía thơm nức mũi… Tại chợ Cóc Hà Vị (Trần Nguyên Hãn - Bắc Giang), sau khi được PV mua giúp gánh cải xoong với giá 1.000 đồng/mớ, người phụ nữ bán rau có dáng người nhỏ thó nài nỉ chúng tôi mua thêm nửa sọt xà lách không được, đã “biếu” số rau cho PV bởi “chợ muộn rồi, đổ đi thì phí vì không thể bán nổi”.

Tại Hà Nội, rau xanh và các loại quả leo dàn tại các chợ: Đồng Xa, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô, Trần Quốc Hoàn, quan Hoa (Cầu Giấy); Thái Hà, Nam Đồng, Khâm Thiên (Đống Đa); Mơ, Minh Khai, Tương Mai (Hai Bà Trưng)… giá rau cũng rớt thê thảm. “1.000 đồng/củ su hào; 2.000 đồng/cây bắp cải to; 6.000 đồng/kg su su; 2.000-3.000 đồng/mớ cải xanh; 2.000 đồng/mớ cải cúc to tướng… nhưng vẫn bán rất chậm, có hôm rau ế chúng tôi phải bỏ lại chợ” - chị Nguyễn Thị Mai (Mê Linh - Hà Nội) cho biết. Tình trạng rau xanh rớt giá cũng diễn ra tại nhiều tỉnh miền Trung. Tại Quảng Ngãi, những ngày đầu năm, các loại quả như: Đậu côve, dưa leo, khổ qua, các loại rau xanh như: Cải, muống, su hào, bắp cải… giá xuống thấp. Đậu côve bán cho thương lái có lúc chỉ còn 1 .000 đồng/kg. Dưa chuột: 2.000-4.000 đồng/kg… Trong khi đó, trước tết, giá các loại rau quả này đắt gấp 3-4 lần.

Lý giải về việc rau xanh giảm giá đột biến, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: Thông thường sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân sẽ thu hoạch hàng loạt rau, màu vụ đông để lấy đất cấy lúa xuân. Do vậy, nguồn cung rau sẽ tăng đột biến. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay nồm ẩm, mưa xuân đúng độ, rất thuận lợi cho các loại rau phát triển, nhiệt độ ấm, rau muống, mùng tơi, rau cần… sinh trưởng, phát triển nhanh. Mặt khác, bà con nông dân tập trung trồng rau để phục vụ tết nhưng lượng rau tiêu thụ trong dịp tết không nhiều, hoặc rau cho thu hoạch không đúng thời điểm khiến ra giêng lượng rau ra thị trường tăng cao khiến nguồn cung vượt cầu.

Hoàn toàn không nhập khẩu rau xanh từ hai tháng nay

Theo số liệu mà chúng tôi có được, trong hai tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu (NK) mặt hàng rau ước đạt và mặt hàng quả đạt 196 triệu USD, tăng 55,9% so với cùng kỳ năm 2017. Hai thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất vẫn là Thái Lan (chiếm 44% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 23% thị phần). Ngoài ra, giá trị NK rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017 như: Australia tăng 5,2 lần, Brazil tăng 2,3 lần, Mỹ tăng 2,1 lần… Thông tin về vấn đề này, Bộ NNPTNT, ý kiến cho rằng, giá trị NK rau từ Trung Quốc, Thái Lan NK vào VN với giá trị lên đến 72 triệu USD, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ 2017 khiến giá rau xanh trong nước giảm mạnh là chưa hoàn toàn chính xác. Nguyên nhân giá rau xanh giảm mạnh đã được lý giải như trên.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT) - khẳng định: Rau xanh hầu như không được NK vào Việt Nam từ hai tháng nay. “Thái Lan không XK rau sang Việt Nam, họ chỉ XK trái cây. Phần lớn trái cây của Thái Lan vào Việt Nam là tạm nhập tái xuất rồi đi sang Trung Quốc. Còn Trung Quốc nhiều năm nay hầu như không XK rau sang mình. Nguồn cung về rau xanh tại Việt Nam vụ đông cao như vậy, giá lại thấp, họ (tiểu thương-PV) chả dại gì NK thêm rau” - ông Hoàng Trung nêu ý kiến.

“Tại cửa khẩu Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay không NK kilôgam rau nào. Tại cửa khẩu Lào Cai, hai tháng 1-2.2018 chỉ NK khoảng 3.000 tấn gồm các loại cải thảo, súp lơ, cải bắp/tháng. Ngoài ra là một số loại hành củ, tỏi củ, khoai tây… Hoàn toàn không NK rau xanh”.

Để có tư liệu, PV Báo Lao Động đã liên hệ với ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long (Hà Nội) và được biết: Big C Thăng Long cũng hoàn toàn không nhập khẩu rau từ Thái Lan để bán trong siêu thị.

Theo Phong Nguyễn/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều