Thực thi quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA: Góc nhìn từ phía doanh nghiệp châu Âu và một số vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có những quy định mới, khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần giải quyết những lo ngại về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp châu Âu; đồng thời, đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu phải tìm hiểu rõ, có những phương án chuẩn bị tốt nhất để có thể tận dụng các lợi thế và hạn chế các tác động tiêu cực mà các quy định đó mang lại.

Một số nội dung chủ yếu của EVFTA liên quan tới thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Ngày 30-6-2019, EVFTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã được ký kết tại Hà Nội, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài và đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế. Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội phát triển thương mại mới giữa Việt Nam và EU, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp và công dân của cả EU và Việt Nam sẽ không chỉ được hưởng các khoản giảm trừ thuế quan mà còn được hưởng nhiều khoản giảm trừ phi thuế quan trong thương mại. Quan trọng hơn, đây là một bước tiến lớn để EU bảo đảm và tăng cường quan hệ đối tác với Đông Nam Á, cũng như để Việt Nam tăng tốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Trong xu hướng kinh tế quốc tế mạnh mẽ, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết và triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, cùng với đó sở hữu trí tuệ trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các hiệp định này. Đồng thời, sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong quá trình xem xét môi trường, thể chế đầu tư của Việt Nam.

Vấn đề sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, được đánh giá là một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA và Chương 12 của Hiệp định này quy định về sở hữu trí tuệ với nhiều cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ nội dung của Hiệp định. Lý do bởi EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này. Còn về phía Việt Nam, thông qua Hiệp định này, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể (1).

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có những quy định mới, khắt khe về bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần giải quyết những lo ngại về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp châu Âu_Ảnh: minh họa 
Chương Sở hữu trí tuệ của EVFTA bao gồm 63 điều và 2 phụ lục (Danh mục các chỉ dẫn địa lý và Danh mục nhóm sản phẩm). Nội dung chính của chương này bao gồm các cam kết về các nguyên tắc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phạm vi quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng, vấn đề cạn quyền(2) và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phần nhiều trong số các cam kết này cơ bản nhắc lại các nội dung tương ứng của Hiệp định TRIPS hoặc chỉ có bổ sung nhỏ(3).

Nhìn chung, về quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ EVFTA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ ở mức độ cao. Pháp luật Việt Nam cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về nội dung này(4), thậm chí có quy định ở mức cao hơn so với quy định của TRIPS. Tuy nhiên, EU đòi hỏi cao hơn cả Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt liên quan tới các sản phẩm nhạy cảm như dược phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (5).

Tóm lược những nội dung chính của EVFTA về quyền sở hữu trí tuệ

Cam kết về quyền sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Một số nét chính trong các cam kết sở hữu trí tuệ như sau:

- Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 nước thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

- Về nhãn hiệu, hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận; đồng thời, cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm.

- Về thực thi, Hiệp định có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN): Cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này bảo đảm dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).

Nguồn: Bộ Công Thương: “Các cam kết của Việt Nam và EU trong một số lĩnh vực chính của Hiệp định EVFTA và IPA”, http://evfta.moit.gov.vn/?page=overview&category_id=2809fd0e-b509-41c4-aa5f-fc2257d628c2

Góc nhìn về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam từ phía các doanh nghiệp châu Âu

Mục đích của EVFTA liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ là bổ sung và cụ thể hóa hơn nữa các quyền và nghĩa vụ giữa các bên theo Hiệp định TRIPS(6) và các điều ước quốc tế khác, cũng như để bảo đảm việc thực thi đầy đủ và hiệu quả của các bên. Trên thực tế, mục tiêu của EVFTA là đưa hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ của Việt Nam tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ để cả hai bên cùng có lợi từ một hệ thống được tiêu chuẩn hóa hơn(7).

Theo EU, Việt Nam đồng ý thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với khung pháp lý trong nước, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các công ty châu Âu vẫn lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam ở nhiều khía cạnh, từ đăng ký cho đến các vi phạm phổ biến và việc thực thi.

Theo quan sát từ các nhà đầu tư châu Âu, việc đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam là một quá trình kéo dài và thủ tục khiếu nại khá chậm, trong khi tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn phổ biến, đặc biệt là ở các chợ dân sinh và khu thương mại(8). Bên cạnh đó, các hành vi xâm phạm trực tuyến quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp còn nhiều(9).

Mặc dù đã được thiết kế thường xuyên ở mức độ hợp lý, hệ thống thực thi của Việt Nam vẫn phức tạp và không đủ hiệu quả để các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể thực hiện các biện pháp chống lại các hành vi xâm phạm.

Những hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm của cán bộ phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại địa phương của Việt Nam cũng khiến các nhà đầu tư châu Âu lo ngại về những biện pháp xử phạt trong lĩnh vực này theo quy định của địa phương. Ở nhiều nơi, các thẩm phán ở khu vực nông thôn thiếu kiến thức và kinh nghiệm để có thể đưa ra các phán quyết phù hợp với các cam kết của Việt Nam đối với các tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ quốc tế. Hiện tại, cũng chưa có tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam(10). Các vụ kiện dân sự và truy tố hình sự được xử lý bởi các tòa án chung. Do đào tạo về sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực về lĩnh vực này trong hệ thống tư pháp còn chưa đáp ứng được yêu cầu nên kết quả giải quyết các vụ, việc trong lĩnh vực này còn những hạn chế nhất định .

Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi quy định về sở hữu trí tuệ

Đối với Việt Nam, EU là một thị trường có vị trí rất quan trọng. EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Đây là một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD, chiếm 22% GDP toàn cầu (11). Việc ký kết và triển khai thực hiện EVFTA với những cam kết cao và chặt chẽ về sở hữu trí tuệ của Việt Nam sẽ tạo ra cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam ở các lĩnh vực khác nhau, trong đó có hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Còn đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA được đánh giá không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền, vì tất cả các cam kết đều tăng mức độ bảo hộ quyền.

Tuy nhiên, đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ không được hưởng lợi mà lại chịu tác động lớn. Các chủ thể muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, làm giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ (nếu tăng cường bảo hộ thì thời gian hết hạn bảo hộ lâu hơn). Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ. Thậm chí, với bộ luật hình sự mới, không chỉ các cá nhân, mà các pháp nhân cũng có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm các nội dung được bảo hộ này(12).

Ngoài ra, tiêu chuẩn cao của hệ thống bảo hộ của sở hữu trí tuệ trong các FTA thế hệ mới như EVFTA cũng sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiên cứu và dành nhiều chi phí hơn cho lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ để tránh bị rơi vào các vụ kiện tụng, tranh chấp và có thể bị thiệt hại. Đáng chú ý, các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TPMs) trong EVFTA mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPMs không chỉ quy định bảo hộ pháp lý đầy đủ về sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán, chào bán hoặc cho thuê tới công chúng, mà còn quy định về việc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc cung cấp các dịch vụ...(13).

Bên cạnh việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần quan tâm đến việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của mình. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu là còn rất hạn chế(14). Đây là một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng các lợi thế và hạn chế các tác động tiêu cực mà các quy định đó mang lại.

Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) liên doanh lắp ráp mẫu xe đa dụng châu Âu Peugeot Traveller tại tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TTXVN 
Mặt khác, sản phẩm mang nhãn hiệu, sáng chế công nghiệp của Việt Nam cần tiến hành đăng ký bảo hộ độc quyền tại EU, góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU hiệu quả hơn, nhưng điều này đòi hỏi mức chi phí khá cao và thủ tục đăng ký phức tạp. Do đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam được đăng ký tại nước ngoài nói chung và tại EU nói riêng hiện ở mức chưa đáng kể. Nguyên nhân của tình trạng trên là do khả năng tài chính hạn hẹp, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ và rất nhỏ.

Một hạn chế khác của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là còn rất mơ hồ về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp, thậm chí không nắm rõ các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành. Nhiều doanh nghiệp/cá nhân sử dụng tài sản trí tuệ vẫn còn “thờ ơ” với các quy định liên quan trong các FTA của Việt Nam từ trước tới nay cũng như EVFTA, mà ngay cả các đơn vị được bảo hộ quyền cũng chưa có ý thức rõ ràng về quyền của mình và tìm cách “tận dụng” các quy định về sở hữu trí tuệ có lợi trong EVFTA.

Nhìn chung, cam kết về mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong EVFTA góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất nhưng vẫn bảo đảm độ linh hoạt nhất định để một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể hưởng lợi từ bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU.

EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, song cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. Do vậy, cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, thì hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu là rất quan trọng để tạo lập môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn cuộc sống.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng tìm hiểu, bắt kịp những xu hướng phát triển khoa học - công nghệ, nhanh chóng thực hiện các hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp để cải tiến kỹ thuật, đầu tư sâu rộng thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu cao đối với thị trường EU, nhất là các mặt hàng phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao của EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển khả năng kết nối với thị trường EU, nhất là với kênh phân phối, qua đó đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận, khai thác thị trường EU và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng vị thế, phát triển bền vững.

Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cũng như các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam. Ngoài việc thực hiện rà soát và hoàn thiện khung pháp luật trong nước với quy định của EVFTA, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của EVFTA, tiếp tục cùng với các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp lý dành cho doanh nghiệp khi cần thiết. Đây là những hoạt động sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định này tại Việt Nam./.

-----------------------

(1) Đông Nghi: “Nhận diện thách thức trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi tham gia EVFTA”, https://doanhnhanviet.news/chuyen-dong-kinh-te/nhan-dien-thach-thuc-trong-thuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue-khi-tham-gia-evfta-5984.html
(2) Nguyên tắc cạn quyền về sở hữu trí tuệ (exhaustion of intellectual property rights): Theo thuyết hết quyền, khi sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ được đưa ra thị trường bởi chính chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ hoặc với sự đồng ý của chủ thể này, chủ thể nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ không còn quyền kiểm soát đối với việc phân phối và khai thác thương mại sản phẩm. Do đó, các hành vi thương mại như sử dụng, bán, đề nghị bán, cất giữ để bán, cho thuê hoặc các hành vi phi thương mại như tặng, cho mượn sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ của chủ thể khác không bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Nguyễn Như Quỳnh: “Cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Trips và một số gợi ý cho các quốc gia thành viên WTO”), http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207920)
(3) WTO Center - VCCI: “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Tóm tắt Chương 12 - Sở hữu trí tuệ”, http://trungtamwto.vn/pdfviewer/19660/tom-tat-chuong-12-evfta.pdf
(4) Theo kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 7-2016, nhìn tổng thể, pháp luật Việt Nam đã cơ bản tương thích với yêu cầu của EVFTA; một số ít nội dung chưa tương thích chỉ mang tính quy định chi tiết, đơn lẻ, ở các vấn đề cụ thể (Nguyễn Thị Thu Trang (chủ biên): Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU về sở hữu trí tuệ, Nxb. Công thương, Hà Nội, 2016, tr. 21)
(5) Phan Quốc Nguyên: “Sở hữu trí tuệ Việt Nam dưới góc nhìn tham chiếu với EVFTA”, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/3202/so-huu-tri-tue-viet-nam-duoi-goc-nhin-tham-chieu-voi-evfta.aspx
(6) Hiệp định TRIPS có hiệu lực từ ngày 1-1-1995, là một trong những thành tựu đáng kể của hệ thống thương mại WTO - GATT. TRIPS là một trong hai hiệp định được xây dựng bởi vòng đàm phán Uruguay (Hiệp định còn lại là Hiệp định chung về thương mại trong lĩnh vực dịch vụ). Nó hoàn thiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ đã được quy định trong GATT, thiết lập mức độ bảo hộ tối thiểu đối với quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, sự đa dạng thực vật, bí mật thương mại (Vũ Thái Hà: “Hiệp định TRIPS và các nước đang phát triển”, https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/hiep-dinh-trips-va-cac-nuoc-dang-phat-trien-464691/)
(7) EuroCham: “Benefits and challenges of FTAs in South-East Asia from SMEs’ perspective: experience from Vietnam”, https://www.eurochamvn.org/node/15614
(8) Nguyen Hai Minh: “EVFTA to protect nation’s IP rights”, https://www.vir.com.vn/evfta-to-protect-nations-ip-rights-70877.html
(9) EuroCham đánh giá, hoàn toàn không khó khăn để mua trực tuyến các sản phẩm được sao chép lậu như phim, nhạc, video, trò chơi điện tử, sách, ấn phẩm giấy hay điện tử, các sản phẩm xâm phạm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam (Kiều Anh: “Sách trắng 2020: Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát”, https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/khi-cac-thanh-pho-cambridge-bi-chia-lam-hai-nua-phan-2/202008250320079p1c785.htm)
(10) Một số nước như Đức, Trung Quốc, Thái Lan... đều có các tòa án chuyên biệt xét xử các vụ án về sở hữu trí tuệ, các vị thẩm phán là các chuyên gia về lĩnh vực này.  Điều này giúp khắc phục tình trạng xử lý tranh chấp thiếu khách quan, tránh được oan sai cho doanh nghiệp, bảo đảm cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật (Nhân Dân điện tử: “Về việc giải quyết các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ tại Tòa án”, https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/ve-viec-giai-quyet-cac-vu-vi-pham-so-huu-tri-tue-tai-toa-an-599889/)
(11) Đỗ Hương: “EVFTA: Cơ hội cho xuất khẩu nông sản”, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/EVFTA-Co-hoi-cho-xuat-khau-nong-san/399446.vgp
(12) Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa (Điều 225 và 226 của Bộ Luật Hình sự quy định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan). Pháp nhân thương mại xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng. Không chỉ vậy, doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực, cấm huy động vốn từ một đến 3 năm
(13) Tố Uyên: “Mơ hồ về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp khó tiến xa”, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-07-10/mo-ho-ve-so-huu-tri-tue-doanh-nghiep-kho-tien-xa-89312.aspx
(14) Báo Công thương: “Doanh nghiệp chú trọng hơn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”, https://congthuong.vn/doanh-nghiep-chu-trong-hon-bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-122021.html.

Theo ĐINH MẠNH TUẤN - VŨ THỤY TRANG/Tạp chí Cộng sản

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều