Tìm dư địa thúc đẩy tăng trưởng

Không nằm ngoài dự báo, những khó khăn của nền kinh tế đã bộc lộ rõ nét ngay trong quý I năm 2023. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023. 

Khách du lịch nước ngoài tham quan hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trước những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi. Lần đầu sau rất nhiều năm tăng trưởng nhờ động lực dẫn dắt là khu vực công nghiệp, quý I năm 2023, tăng trưởng của nền kinh tế chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản. Hai khu vực này đóng góp lần lượt 95,91% và 8,85% vào mức tăng trưởng chung.

Kỳ vọng đầu tư công, du lịch bứt phá

Ðáng lưu ý, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã bứt phá nhờ sự sôi động trở lại của thị trường khách quốc tế. Quý I năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt người, gấp 29,7 lần so cùng kỳ. Mặc dù khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới chỉ bằng 60% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 nhưng sự phục hồi của lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác như: vận tải, lưu trú, nhà hàng, nghệ thuật, vui chơi giải trí… Chi tiêu của khách du lịch quốc tế đem lại doanh thu chính cho ngành du lịch và cũng chính là phần tính vào xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam.

Dự báo tăng trưởng của khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong những quý tiếp theo vì thị trường Trung Quốc đã mở cửa cho các đoàn khách du lịch sang Việt Nam từ giữa tháng 3. Hơn nữa, "nút thắt" visa cũng đang được tháo gỡ khi Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (diễn ra tháng 5/2023) một số điểm mới về chính sách quản lý xuất nhập cảnh như: Cấp visa điện tử cho công dân tất cả các nước và vùng lãnh thổ; nâng thời hạn visa điện tử từ 30 ngày lên ba tháng; nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh từ 15 ngày lên 45 ngày. Với những điểm mới này, Tổng cục Du lịch đánh giá mục tiêu đón tám triệu lượt khách quốc tế trong năm nay là khả thi, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo là đầu tư công. Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Thống kê nhận định năm 2023 là điểm rơi của đầu tư công trung hạn cũng như gói phát triển hạ tầng trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch. Sau một thời gian chuẩn bị dự án, chuẩn bị thủ tục đầu tư, nhiều dự án lớn đã hoàn tất các công tác chuẩn bị để chuyển sang giai đoạn thực hiện, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ðây cũng là năm cuối của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cho nên đầu tư công có nhiều khả năng bứt phá.

"Ðầu tư công sẽ đóng góp rất lớn trong tích lũy tài sản cố định và tài sản lưu động, là một trong những động lực tăng trưởng mà Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực cũng như biện pháp để đẩy mạnh, trở thành động lực nổi bật của tăng trưởng năm 2023 và các quý còn lại", ông Lê Trung Hiếu nhận định.

Trong báo cáo cập nhật Ðiểm lại tình hình kinh tế Việt Nam tháng 3/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng nhận định: Dù còn nhiều thách thức nhưng không như nhiều quốc gia khác, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Ðồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để hỗ trợ nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả. Theo bà Carolyn Talk, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, cách tiếp cận hiện nay bằng việc cố gắng triển khai đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế và tăng trưởng là rất phù hợp, tạo thanh khoản cho nền kinh tế.

Củng cố động lực xuất khẩu

Ðể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% cần có những giải pháp củng cố động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là khu vực sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất khẩu. Quý I năm 2023, khu vực công nghiệp tăng trưởng âm 0,82%, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung. Khó khăn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo có nguyên nhân từ sự sụt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu. Cán cân thương mại hàng hóa quý đầu năm vẫn duy trì thặng dư với giá trị xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD, cao hơn các năm 2021 và 2022 nhưng hoạt động xuất khẩu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn do tình hình biến động của kinh tế thế giới, lạm phát cao tại nhiều nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu.

Ðể cải thiện hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, các bên liên quan cần tiếp tục tận dụng tốt các hiệp định thương mại (FTA) và nỗ lực các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới. Theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản… ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp để có phản ứng phù hợp; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ…

Theo TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam, các bộ: Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Ðầu tư cần phối hợp các đơn vị thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề thủ tục liên quan đến đất đai, tiếp cận vốn.

Cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa triển khai các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, các chuyên gia của WB tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ cần có những cải cách chính sách để khai phá tiềm năng của khu vực dịch vụ nhằm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Các hành động ưu tiên tập trung vào xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này và triển khai cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Tập trung vào các dịch vụ có thể thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa ở những ngành, lĩnh vực còn nhiều dư địa như ngành chế biến chế tạo. Khuyến khích đổi mới từng bước về sản phẩm và quy trình ở cấp độ doanh nghiệp và áp dụng các công nghệ hiện có, bao gồm cả công nghệ kỹ thuật số; tăng cường kỹ năng làm việc và năng lực của người lao động và người quản lý.

Phân tích chuỗi số liệu nhiều năm gần đây, Tổng cục Thống kê cho biết thông thường, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I rất thấp, sang quý II bắt đầu phục hồi và nửa cuối năm sẽ bứt phá. Nhiều khả năng quy luật này tiếp tục diễn ra trong năm 2023 vì nền tảng cho tăng trưởng phục hồi nhanh là các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được bảo đảm, lạm phát trong tầm kiểm soát, nguồn cung năng lượng, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và lương thực ổn định.

Theo Tô Hà/Báo Nhân dân

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều