TP.Hồ Chí Minh: Giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, mới đạt gần 29%

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm 2022 nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở TPHCM rất thấp khi có tới 7 quận huyện giải ngân chưa tới 1% vốn bồi thường; các dự án giao thông trọng điểm có tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 9,5%. Đầu tư công đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng, là "cú hích" cho phục hồi kinh tế sau dịch nhưng với tỉ lệ giải ngân thấp như vậy đang kìm hãm đà phục hồi của đầu tàu kinh tế TPHCM.

 

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) hơn 830 tỉ đồng sau hơn 2 năm thi công chỉ đạt 35 % khối lượng. Ảnh: Anh Tú

Nhiều địa phương chưa giải ngân được đồng nào

Năm 2022, toàn TPHCM có 200 dự án bồi thường đã được ghi gần 10.500 tỉ đồng vốn đầu tư công, ở 21 quận, huyện. Tuy nhiên đến nay các địa phương mới giải ngân được gần 3.000 tỉ đồng, đạt gần 29%. Đáng chú ý, các quận 3, 11, Phú Nhuận và huyện Củ Chi chưa giải ngân được đồng nào. Còn Thành phố Thủ Đức, quận 7, Tân Phú tỉ lệ giải ngân chưa tới 1%.

Trong đó, thành phố Thủ Đức được ghi vốn bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều nhất với 3.460 tỉ đồng (36 dự án), song tỉ lệ giải ngân rất thấp, chỉ hơn 20 tỉ đồng.

Tại thành phố Thủ Đức có 4 dự án bồi thường chiếm số vốn lớn nhưng tiến độ giải ngân ì ạch gồm: Đường Nguyễn Thị Định (950 tỉ đồng), cầu Nam Lý (430 tỉ đồng), dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (1.329 tỉ đồng) và cầu Tăng Long (255 tỉ đồng).

Có một điều đặc biệt là ngành giao thông với rất nhiều công trình bức thiết ảnh hưởng, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân nhưng tới này chỉ giải ngân hơn 313 tỉ đồng (đạt 9,5%%) trên tổng số vốn được giao 3.146 tỉ đồng. Trong đó, các dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM là chủ đầu tư chỉ giải ngân được hơn 108 tỉ đồng trên 2.269 tỉ đồng được giao (đạt 4,8%).

Đáng chú ý, 3 công trình trọng điểm được ngành giao thông lên kế hoạch triển khai trong năm nay nhưng chưa được khởi công, gồm: Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (tổng vốn hơn 4.800 tỉ đồng); nút giao thông An Phú (gần 4.000 tỉ đồng) và mở rộng Quốc lộ 50 (gần 1.500 tỉ đồng).

Khó giải bài toán giao thông vì khó... giải ngân

Theo ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TPHCM - các doanh nghiệp đang tập trung phục hồi sau thời gian tác động bởi dịch bệnh, nên kẹt xe ảnh lớn hoạt động kinh doanh. Do vậy những dự án chậm trễ nhiều năm như tại khu vực cảng Cát Lái, Tân Sơn Nhất cần giải quyết dứt điểm, bởi càng để lâu chi phí đầu tư càng tăng. Chưa kể, kẹt xe gây ra hệ lụy lớn đối với người dân, doanh nghiệp, khó thể đo đếm bằng các con số trước mắt.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho hay, công tác giải phóng mặt bằng là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều công trình hạ tầng ở thành phố chậm trễ, có dự án trễ hẹn 3-6 năm. Vì vậy đơn vị này phải thực hiện "cuốn chiếu", có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó.

Theo ông Phúc, trước mắt, trong những tháng cuối năm, dự án Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ làm trước hạng mục hầm chui, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2024, để đồng bộ nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, cuối năm năm nay thành phố dự kiến khởi công hai dự án quan trọng khác gồm: Nút giao An Phú và quốc lộ 50. Khi hoàn thành hai công trình giúp khơi thông cửa ngõ phía Đông và Tây.

TS Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, trong khi thành phố đang rất mong muốn được Quốc hội tăng tỉ lệ điều tiết, tăng vốn đầu tư công và thành phố cũng đang khát vốn, nhưng vốn trong kế hoạch thì lại không giải ngân tốt.

“Nếu cứ để kéo dài thực trạng chậm trễ, số vốn trên có thể phải trả lại cho vốn ngân sách nhà nước. Do đó, TPHCM phải lưu ý giải quyết rốt ráo, đảm bảo công trình hoàn thành đúng thời hạn. Muốn như vậy, cơ quan chức năng liên quan cần xem xét thật kỹ mỗi công trình vướng vấn đề gì, vướng giải phóng mặt bằng ra sao, người dân mong muốn điều gì... Từ đó mới có thể đưa ra cách giải quyết phù hợp” - ông Cương nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn chậm do công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ, chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, năng lực tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được chuẩn bị tốt nên đến nay tiến độ của một số dự án còn chậm.

Đối với các quận, huyện có tỉ lệ giải ngân thấp dưới 50%, Chủ tịch TPHCM đề nghị địa phương tổ chức giao ban đầu tư công hằng tuần với các đơn vị liên quan; báo cáo thường trực quận, thành phố định kỳ 2 tuần/lần để kịp thời tháo gỡ.

Đồng thời, các địa phương tập trung thúc tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án vốn lớn đã tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành thủ tục phê duyệt giá đất, bố trí quỹ nhà, nền tái định cư như dự án mở rộng đường Nguyễn Thị Định, đoạn 1A đường Vành đai 3, dự án cầu Nam Lý, cầu Tăng Long (thành phố Thủ Đức) dự án nhà ga T3, dự án dựng đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình), dự án cầu Phước Long (huyện Nhà Bè).

Lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục, kiểm soát các tình huống phát sinh để giải ngân các dự án khởi công dịp cuối năm, trong đó có dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; nút giao An Phú; mở rộng quốc lộ 50…

Theo Minh Quân/Báo Lao động

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Cùng chuyên mục

Tin liên quan
Đọc nhiều
Bình luận nhiều